Trao đổi với chúng tôi vào chiều ngày 3/4, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hiện tượng ngày biến thành đêm ở Hòn Gai (TP Hạ Long, Quảng Ninh) là do cơn giông có mây dày đặc gây ra.
"Khi có một cơn giông có mây dày, phát triển lên cao, có kích thước rộng lớn thì làm che khuất mặt trời, vì vậy, ánh sáng mặt trời không xuyên thấu qua, chiếu xuống dưới được. Từ đó dẫn đến trời tối đen kịt lại và giông kéo đến. Sau khi mưa xong thì trời lại sáng trở lại. Dân gian ta cũng đã có câu là "sau cơn giông trời lại sáng", nó ứng với hiện tượng xảy ra ở Quảng Ninh này. Đây là hiện tượng rất đơn giản, bình thường trong khí quyển còn không có gì liên quan đến thiên văn cả", ông Hải giải thích.
Ông Hải cũng cho hay, hiện tượng này thường xuất hiện vào buổi sáng hoặc buổi chiều khi ánh sáng mặt trời chưa xuyên dẫn đến dễ che hơn.
Hiện tượng xảy ra vào buổi sáng nếu giông xuất hiện ở phía đông cũng là hướng mặt trời mọc. Còn vào buổi chiều, nếu giông ở phía tây thì mặt trời cũng bị che khuất.
"Đây không phải là hiện tượng mê tín dị đoan nhưng do xảy ra ít nên người dân mới có cảm giác ngỡ ngàng như vậy. Tuy nhiên, khi xảy ra hiện tượng này thường kèm theo giông, lốc lớn hay mưa đá nên người dân cần hết sức cảnh giác để phòng tránh. Cần tìm nơi trú ẩn an toàn để tránh bị thương tích khi có kèm cả mưa đá", ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, trước đó, năm 2002, Hạ Long đã xảy ra hiện tượng “ngày biến thành đêm” và kèm với đó là trận mưa đá rất lớn, khiến nhiều người dân di chuyển trên phà Bãi Cháy bị thương.
"Hiện nay mới chuẩn bị bắt đầu vào mùa mưa nên khả năng sẽ còn nhiều hiện tượng thời tiết như thế này xảy ra nên người dân càng phải chủ động phòng tránh", ông Hải bày tỏ
Trước đó, vào sáng nay từ 9h5' đến 9h15', ngày 3/4, tại khu vực Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh) xảy ra hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, trời đột nhiên tối sầm như ban đêm. Trên các tuyến phố, phương tiện tham gia giao thông, nhà dân đã phải bật đèn, mọi người đổ xô ra khỏi nhà để chứng kiến hiện tượng lạ.