Theo quan niêm dân gian, con người sinh ra có ba phần, gồm phần thịt (cơ thể), phần hồn và phần vía. Con trai thì 3 hồn 7 vía, con gái thì 3 hồn 9 vía.
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, tác giả Nguyễn Văn Huyên có nói đến vấn đề hồn và vía này khá thú vị. Thứ nhất, “hình như con người tiếp nhận những linh hồn vào ngày sinh ra đời hoặc ngày thụ thai”. Cũng vì thế mà với những vĩ nhân, ngày ra đời hoặc thụ thai thường gắn với những câu chuyện về một luồng ánh sáng rực rỡ hoặc luồng khí thơm ngát.
Chuyện thú vị thứ 2 là “hồn thiêng hơn vía” và “vía có những tính chất khác nhau tuỳ theo người có vía: có những người có vía tốt và lành; những người khác có vía xấu và dữ. Vía tốt đem lại điều phúc: mọi người tìm cách gặp vía tốt. Vía xấu có ảnh hưởng tai hại: trong mọi công việc, người ta cố gắng tránh vía xấu”.
Hình ảnh minh họa cảnh xử tội dưới âm phủ.
Người ta tin rằng, cái chết là do hồn vía bỏ đi. Rằng, hồn sau khi chết đi cũng có những nhu cầu và ước muốn như người sống. Chính vì thế, để soi sáng linh hồn của người đã khuất dẫn họ về "suối vàng" thuận lợi, "lên thiên đường" hoặc không phải trải qua cực hình ở địa ngục tối tăm, người ta đốt vàng mã, cúng đồ ăn thức uống để làm dịu đi cơn đói khát và phẫn uất. Thế nhưng, trong quan niệm dân gian, còn có nhiều linh hồn bất hạnh. Không phải linh hồn nào cũng được tưởng nhớ và dâng cúng chu đáo.
Nguồn gốc tên gọi tháng cô hồn
Suốt 12 tháng trong năm, người ta dành một tháng để tưởng nhớ người đã khuất, ông bà tổ tiên và cả những linh hồn không nơi nương tựa và “chưa siêu thoát”.
Ở miền Bắc, tiết trời âm u, lâm thâm mưa của tháng 7 âm lịch vừa hay mang đến cho người ta cái cảm giác như có một tháng trước mắt cần cẩn trọng. Vì tháng của cô hồn dã quỷ, người ta dễ bị “quấy phá” nên thường hỏng việc và gặp xui xẻo.
Chính vì điều này mà người ta ngày càng ghim vào lòng những điều dễ dàng doạ nạt những ai yếu vía. Tháng 7 Âm lịch là thời gian để thương xót cho những linh hồn lang thang, “những linh hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc, hay chẳng có thân thích và bạn bè. Đấy là những người bất hạnh chết vì tai nạn hoặc nghèo khổ trên các nẻo đường, mà xác không được mai táng, và chẳng có ai trông nom. Những hồn này lang thang theo sau các đám mây đen, những màn mưa phùn lâm thâm, hay nằm trên các cành cây. Đấy còn là hồn của những người chết đuối ở sông ngòi, ở biển, lởn vởn những nơi họ đã chết, để đợi có kẻ khác chết thay” - cụ Nguyễn Văn Huyên đã viết như vậy trong Hội hè lễ Tết của người Việt.
Ngoài ra, theo quan niệm dân gian của nhiều nước phương Đông khác, vào tháng 7 Âm lịch, Diêm vương mở cửa Quỷ môn quan để những linh hồn đói khát trở về dương gian, để thăm người thân, hoặc thực hiện những điều còn nuối tiếc. Vì những lý do trên mà người ta thường gọi tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn. Đến ngày Rằm tháng 7, Quỷ môn quan sẽ đóng lại. Trong thời gian đó, mọi người sẽ cúng thí thực như cháo loãng, bỏng gạo, hương hoa,...
Người dân đến cầu an tại chùa Bà Thiên Hậu.
Những vong hồn không có nơi để về thường đi lang thang, dân gian cho rằng những vong hồn không nơi nương tựa này sẽ mang đến xui rủi, tai ương và quấy phá cuộc sống của con người. Chính vì thế mà người ta thường có nhiều điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch, chẳng hạn như không làm việc đại sự hoặc không đi đến những nơi vắng vẻ vào đêm khuya,...
Nhưng con người cũng tin rằng, lòng hiếu thảo có thể xin được sự khoan dung của các vị thần. Chẳng hạn như truyền thuyết Mục Kiền Liên cứu được mẹ mình khỏi cực hình ở địa phủ. Đó cũng là một trong nguồn gốc hình thành nên ngày lễ Vu Lan báo hiếu - một ngày lễ quan trọng trong tháng 7 âm lịch.
Rằm tháng 7 Âm lịch là ngày lễ lớn, để xá tội vong nhân của người Việt. Mọi sự cẩn thận và những hành động hướng tới ngày Rằm tháng 7 ngoài việc tỏ lòng bác ái tới những cô hồn - linh hồn cô đơn, ai nấy đều mong một tháng thuận lợi, bình an, mọi việc thuận buồm xuôi gió.
Một vài phong tục trong tháng 7 Âm lịch
Ngoài việc dâng những mâm cúng chay tịnh tươm tất lên Gia tiên, đi chùa cầu siêu cho linh hồn đã khuất, dường như trong tháng này người người nhà nhà đều hào phóng hơn trong việc cúng dường, thí thực chúng sinh và cả phóng sinh nữa...
Tục "giật cô hồn"
"Giật cô hồn" là tục lệ quen thuộc với bà con miền Nam. Tục lệ này đã trở thành nét văn hóa lâu đời. Vào ngày Rằm tháng 7, mọi người dâng cúng những mâm lễ từ đạm bạc đến tươm tất, từ cháo loãng, bỏng bộp đến heo quay, bánh hỏi và đầy những lễ tiền lấp lánh.
Các mâm lễ được bày trước nhà, khi kết thúc thì trẻ con tranh cướp nhau. Với những người làm ăn, chuẩn bị thật nhiều tiền lẻ, để "cô hồn" đến giật, càng giật thì càng may. Người ta tin rằng, điều đó sẽ mang lại may mắn cho họ trong việc buôn bán, làm ăn.
Tục phóng sinh
Phóng sinh vốn là nét đẹp cổ truyền mang ý nghĩa tốt đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt. Tháng 7 Âm lịch, khắp những con sông, mặt hồ, người ta đua nhau thả cá, thả chim để mong gieo duyên an lành. Tại Hà Nội, ngoài các hồ sông, hồ Tây, phủ Tây Hồ cũng là địa chỉ nhiều người chọn làm nơi phóng sinh. Còn ở TP. Hồ Chí Minh, bến sông An Lộc, chùa Pháp Hoa,... đều tấp nập người bán và người mua vật phóng sinh.
Vu Lan báo hiếu
Theo quan điểm Phật giáo, tháng 7 Âm lịch là tháng Vu Lan báo hiếu. Đây là dịp để con cháu bày tỏ sự thành kính, biết ơn tới ông bà cha mẹ và sự tưởng nhớ tới tổ tiên đã khuất. Vào những ngày này, tại các chùa thường có các khóa cúng dường, cầu nguyện siêu độ cho những người đã khuất.
Tại nhiều chùa có thực hiện lễ thả đèn hoa đăng để cầu bình an và có cả nghi thức rửa chân cho cha mẹ.
Với nhiều phong tục ý nghĩa như vậy, tháng 7 Âm lịch là một khoảng thời gian đầy nhân văn và tình người. Tháng 7 Âm lịch không chỉ là tháng cô hồn, mà còn là tháng để bày tỏ sự biết ơn, để thể hiện tấm lòng thơm thảo của mình tới người sống và cả những người đã khuất.