Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của ông Mục Liên.
u Lan, tên gọi tắt của Vu Lan bồn, được phiên âm từ tiếng Phạn là “Ulambana”, nghĩa là “Cứu đảo huyền”, tức cứu người bị tội treo ngược.
Lễ Vu Lan có duyên khởi từ Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi ngạ quỷ. Cho nên, hàng năm, ngày lễ Vu Lan nhắc nhớ con người ta tưởng nhớ công ơn cha mẹ, ở kiếp này và các kiếp trước.
Vốn là một tu sĩ khác đạo, Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, và được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật.
Sau khi đã chứng quả A La Hán, Mục Liên nhớ về mẫu thân, bèn dùng huệ nhãn nhìn xuống cõi khổ và thấy mẹ mình bị đọa vào kiếp ngạ quỷ (quỷ đói) nơi địa ngục A Tì.
Nhìn mẹ thân hình tiều tụy, đói không được ăn, khát không được uống, Mục Liên vận dụng phép thần thông đến với mẹ và dâng cơm cho mẹ ăn. Nhưng ác nghiệt làm sao, những hạt cơm cứ gần tới miệng mẹ thì bỗng hóa thành lửa. Không có cách nào khác, Mục Liên trở về bạch chuyện Ðức Phật, xin được chỉ dạy cách cứu mẹ.
Phật cho Mục Liên biết vì nghiệp chướng của các kiếp trước mà mẹ ông phải sinh vào nơi ác đạo làm loài ngạ quỷ. Phật dạy, một mình Mục Liên thì vô phương cứu mẹ mà phải nhờ đến uy đức của chúng tăng khắp nơi, đồng tâm hiệp ý cầu xin cứu rỗi mới được.
Mục Liên phải thành kính đi rước chư tăng khắp mười phương về, đặc biệt là các vị đã đạt được sáu phép thần thông, nhờ công đức cầu nguyện của các vị này thì vong linh mẹ Mục Liên mới thoát khỏi khổ đạo.
Phật lại dạy Mục Liên sắm đủ các món thức thức thời trân, hương dâu đèn nến, giường chõng chiếu gối, chăn màn quần áo, thau rửa mặt, khăn lau tay… dâng cúng các vị chư tăng. Vào đúng dịp Rằm tháng 7, lập trai đàn để cầu nguyện. Trước khi thọ thực, các vị chư tăng sẽ chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát…
Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sinh về cảnh giới lành.
Những điều nên làm trong ngày lễ Vu Lan
Ngày Vu Lan là ngày báo hiếu cha mẹ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng. Ở các chùa chiền thì các Phật tử dâng phẩm vật, cúng đường tăng, nhờ thần lực bất khả tư nghị của Phật, của Pháp, của Tăng, hồi hướng công đức để cha mẹ được sống trong cực lạc.Vu Lan, chùa nào cũng chuẩn bị bông hồng để tặng. Ngày đó vào chùa lễ Phật, nếu may mắn còn mẹ, bạn sẽ được gắn một hoa hồng lên áo. Nếu như không may, mẹ không còn nữa, bạn sẽ được gắn một bông hoa trắng.
Ở mỗi nơi trên đất nước Việt Nam lại có cách báo hiếu cha mẹ khác nhau có người đi chùa cầu cho cha mẹ bình anh, có người lại mua quà tặng cha mẹ,... nhưng điều quan trọng nhất là mọi người quây quần bên nhau và hưởng trọn bữa cơm gia đình hạnh phúc sau những ngày bận rộn.
Kết:
Ngày lễ Vu Lan là ngày lễ báo hiếu cha mẹ, là ngày để mọi người quây quần bên nhau nhớ lại công ơn của cha mẹ. Tuy nhiên, công ơn của cha mẹ sinh thành, nuôi dưỡng con cái là điều mà con cái không bao giờ báo đáp hết cho những ngày lễ này. Điều quan trọng nhất trong mỗi người là hãy sống thật tốt, đối xử thật tốt với bố mẹ trong những ngày bình thường mới là điều cần làm.
Cuộc sống ngày càng bon chen và bận rộn, nhưng mỗi người trong chúng ta hãy dành những thời gian rảnh rỗi để gọi điện, về thăm bố mẹ và có lẽ là điều khiến những người làm cha làm mẹ hạnh phúc nhất hơn là một món quà to trong ngày lễ Vu Lan.