Trong hơn 10 năm, bà Nguyễn Thị Chiến (48 tuổi, thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) không còn nhớ nổi mình đã gửi bao nhiêu lá đơn kêu cứu và gửi đi những đâu để kêu oan cho chồng là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Trong buổi chiều ngày 4/11, khi chiếc xe chở ông Chấn về tới làng Me, đông đảo người làng đổ dồn sự chú ý tới ông Chấn. Họ mong được thấy ông Chấn gầy hay béo, có gì khác so với hồi năm 2003 (thời điểm trước khi đi tù). Chẳng mấy ai để ý tới người đàn bà đang ngất lên, ngất xuống. Bà Chiến, trong ngày mà những nỗ lực miệt mài kêu oan cho chồng suốt hơn 10 năm đã được đền đáp, gục ngã vì niềm hạnh phúc.
Theo những gì bà Chiến nhớ lại, thời điểm ông Chấn bị bắt đi, ngôi nhà cấp bốn hiện nay chỉ được xếp bằng gạch, lợp bằng prô xi măng. Thương các con khổ cực, đau đáu với nỗi đau chồng bị oan sai, bà Chiến chỉ còn biết cắn răng làm việc bằng năm, bằng mười người khác.
Việc đầu tiên là bà lo dựng lại ngôi nhà, sao cho 4 người con có chỗ ở tử tế, để những ngày vác đơn đi kêu oan, bà Chiến không phải thấp thỏm âu lo.
“Khi đó, tiền bán hàng, tiền đi làm được bao nhiêu là tôi lại dành dụm để cứ vài tháng lại đón ô tô khách lên trại giam trên Vĩnh Phúc thăm ông ấy một lần. Mỗi lần đi như vậy cũng mất 2 - 3 ngày”, bà Chiến kể. Chưa hết, số tiền dành dụm được, bà Chiến cũng mang hết ra dùng làm lộ phí đi đường để đi khắp nơi kêu oan cho chồng.
“Vì làm được đồng nào, tôi lại dùng để đi kêu oan cho bố chúng nó, nên chỉ có mỗi thằng út được học hết cấp 3, những đứa còn lại chỉ được học tới lớp 9”, nói tới đây bà Chiến lại khóc.
Ông Chấn nhận quyết định tạm đình chỉ thi hành án
Ông Chấn trong vòng vây người làng Me
Niềm hạnh phúc vỡ òa sau hơn 10 năm miệt mài đi tìm công lý cho chồng khiến bà Chiến không chịu đựng nổi, liên tục ngất xỉu
Đau khổ đến đổ bệnh
Ông Thân Ngọc Hoạt (ở xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), anh em cột chèo với ông Chấn, là người đã giúp đỡ bà Chiến rất nhiều trong việc đi kêu oan cho chồng. Trong suốt quãng thời gian này, ông Hoạt đã cầm cố 3 sổ đỏ đế lấy tiền cho bà Chiến làm lộ phí đi đường, tiền thăm nuôi ông Chấn.
Bà Phạm Thị Là (63 tuổi, ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), là dì ruột của ông Chấn, cho hay trong hơn 10 năm liên tục đi kêu oan cho chồng, cộng với việc phải chứng kiến các con mình sống trong sự ghẻ lạnh của người làng, bà Chiến chẳng may mắc chứng bệnh liên quan tới thần kinh. Không ít lần, bà Chiến phải đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Nghĩa Trung, cho biết chứng kiến cảnh bà Chiến ốm đau, bị không ít lời đàm tiếu, mà vẫn kiên trì đi kêu oan cho chồng, nhiều người bày tỏ sự thán phục.
Vẫn theo ông Hoàn, từ những thông tin đứt quãng, chưa thật rõ ràng của một người họ hàng với Lý Nguyễn Chung (nghi phạm mới ra đầu thú về tội mà ông Chấn đang gánh chịu) nói ra, bà Chiến đã âm thầm lần theo từng manh mối, để làm cơ sở minh oan cho chồng.
Cũng từ đây, tất cả những cuộc nói chuyện với người nhà Lý Nguyễn Chung đều được bà Chiến bí mật ghi âm lại. Về nhà, bà Chiến mày mò ráp nối lại các thông tin có được. Dần dà, chân dung nghi phạm ra tay giết hại chị Hoan được dựng lên.
Theo bà Chiến, điều khiến bà nghi ngờ nhất là sau khi vụ án xảy ra, Chung gần như không còn xuất hiện ở làng Me nữa. Tìm hiểu, bà Chiến được biết hiện anh này đã lấy vợ, có con và đang làm ăn sinh sống ở tận Đắk Lắk.
Tất cả những thông tin quý giá trên được bà Chiến thể hiện trong đơn gửi các cơ quan chức năng. Trên cơ sở này, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã phối hợp cùng Bộ Công an, TAND Tối cao, khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh, vận động Chung ra tự thú.