Họa sĩ Từ Hoa Lợi
Cụ già ấy chính là họa sĩ Từ Hoa Lợi, người vẽ tranh truyền thần còn lại cuối cùng ở Sài Gòn.
Bỏ trường Y, theo trường vẽ
Đi dọc con phố Điện Biên Phủ, tấp nập, sầm uất những dãy hàng quán với đủ các loại hàng hóa và dòng người qua lại, “cửa hàng” tranh truyền thần của người họa sĩ nằm khép nép nơi góc vỉa hè.
Bước vào cửa hàng, điều ấn tượng đầu tiên là những bức tranh vẽ bằng tay đẹp và có hồn đến lạ lùng. Và càng bất ngờ hơn khi dụng cụ tạo được những bức tranh như thế lại vô cùng đơn giản. Đó chỉ là những tờ giấy trắng, giá vẽ, bảng vẽ, bột đen, bông tăm, hay là một tẩu thuốc lá do người họa sĩ tự sáng chế.
Ánh mắt xa xăm, nghệ sĩ già hồi tưởng về quá khứ. Ngày chỉ là đứa trẻ vài tuổi, Hoa Lợi đã rất thích vẽ. Cậu bé vẽ bất kỳ thứ gì mình nhìn thấy từ con cá, con gà, nải chuối… Lớn lên, nghe theo lời bố mẹ, chàng trai từ bỏ sở thích của mình để trở thành cậu sinh viên trường ĐH Y Hà Nội.
Theo học được 1 năm, song ý muốn theo niềm đam mê vẽ vẫn chưa nguôi ngoai. Nhiều đêm ròng thức trắng đắn đo suy tính, cuối cùng Hoa Lợi làm liều bỏ học giữa chừng. Chàng trai tiếp tục xin bố mẹ cho mình theo nghiệp vẽ. Biết không thể thuyết phục được con trai, cha mẹ đành đồng ý.
Qua được khó khăn này, Từ Hoa Lợi lại gặp phải chướng ngại khác từ trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Họ không đồng ý nhận ông với lý do chậm một năm học so với những sinh viên trước, nên sẽ không theo kịp. Không nản chí, chàng trai ra sức thuyết phục ban giám hiệu trường bằng tài năng vẽ của mình.
“Họ cho tôi 2 đề tài. Tôi đã vẽ nét đẹp của phố Hàng Đào (Hà Nội) và bức chân dung cô gái mà tôi thích những năm học cấp 2. Vẽ xong, ban giám khảo trầm trồ khen đẹp rồi đặc cách cho tôi vào thẳng năm học thứ 2. Từ đó tôi bắt đầu chứng tỏ khả năng vẽ “bẩm sinh” của mình cho mọi người thấy. Kết quả ra trường tôi nhận được tấm bằng loại ưu và được mời vào làm họa sĩ thiết kế cho Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương”, ông kể.
Không đơn giản là “chép” ảnh
Năm 1962, họa sĩ Từ Hoa Lợi lập gia đình với một nữ diễn viên xiếc trong đoàn. Sau ngày thống nhất, vợ chồng ông quyết định vào Nam lập nghiệp. Không còn vẽ những tấm băng rôn quảng cáo cho đoàn xiếc, ông quyết định chuyển sang vẽ tranh truyền thần.
Người nghệ sĩ già trâm ngâm chia sẻ, để trở thành thợ vẽ truyền thần phải học ít nhất 3 - 4 năm. Đây là nghề đòi hỏi sự kiên trì, cần mẫn, mức độ tập trung cao, có năng khiếu hội hoạ và đặc biệt là niềm đam mê.
Ông luôn quan niệm một bức vẽ thành công phải toát lên được cái thần, cái cảm xúc của nhân vật trong bức ảnh đó. Mà quan trọng nhất là đôi mắt của người được vẽ. Đó chính là nét độc đáo của các bức tranh truyền thần mà không một nhiếp ảnh nào thực hiện được.
Mỗi khi vẽ chân dung một người nào đó, ông đều hình dung về tính cách, số phận của họ. Với những đường nét ẩn hiện trên khuôn mặt, người truyền thần giỏi không chỉ điêu luyện trong kỹ thuật mà phải nắm bắt được cốt cách tính chất của người trong ảnh để thể hiện cái thần của người được vẽ.
“Có những lúc thể hiện xong một tấm chân dung, người vẽ cứ bị ám ảnh mãi bởi một ánh mắt đau đáu, hay những đường nhăn khắc khổ trên một khuôn mặt”, ông nói.
“Vẽ truyền thần không chỉ đơn giản là “chép ảnh” mà phải truyền cho được cái thần, cái ý, cái hồn vào bức tranh. Muốn thế, họa sĩ phải có cặp mắt bắt được cái thần của người trong ảnh, có cái nhìn đẹp hơn ống kính máy ảnh. Bởi phía sau con mắt là trái tim thẩm mỹ.
Ví như phục chế lại tấm ảnh chứng minh thư nhân dân đã cũ mấy chục năm trước, khuôn mặt chỉ bằng ngón tay, con mắt nhỏ bằng hạt vừng đã ố màu không nhìn thấy rõ. Nhưng người nghệ sĩ vẽ phải giống và đẹp, khuôn mặt phải có khối chứ không đơn thuần “có sao vẽ vậy”, hoặc bị mất, mờ phần nào trong ảnh. Cái quan trọng hơn cả, người vẽ truyền thần phải có bàn tay cực kỳ khéo léo và sự kiên nhẫn”, nghệ sĩ Từ Hoa Lợi thổ lộ.
Họa sĩ kể: “Cách đây 2 năm, có gia đình ở Củ Chi đánh xe hơi lên đây mời tôi về vẽ lại bức tranh cho ông cụ đã mất gần 50 năm, nếu còn sống thì đã hơn 100 tuổi. Họ luôn cắn rứt vì trên bàn thờ không có tấm di ảnh thờ phụng. Tôi bảo họ tập trung hết tất cả con cháu, xác định ai là người giống cụ nhất cộng thêm lời tả lại của những người còn nhớ. Nghe xong, tôi vẽ được bức tranh hoàn chỉnh.
Ôm bức họa trước ngực, người con trai trưởng của cụ nay đã 90 tuổi bật khóc. Ông luôn miệng kêu giống y như vậy, cảm ơn tôi. Hai hàng nước mắt tôi cũng tuôn trào. Chính những giây phút đó đã tạo thêm động lực cho tôi sống chết với nghề này”, ông kể bằng giọng bồi hồi.
Đau đáu nỗi lo truyền nhân
Nhiều khách du lịch nước ngoài khi rảo bước trên khu phố này, đều tỏ ra vô cùng thích thú trước những bức tranh truyền thần. Họ đều phải nán chân lại đầu tiên là sự tò mò muốn tìm hiểu tại sao người họa sĩ lại có thể vẽ được những bức tranh giống y như trên ảnh như vậy. Không giấu sự tự hào, họa sĩ thường mang những bức truyền thần tận tình giới thiệu. Ông gọi đó là những phần thưởng cho mấy chục năm làm nghề, nếu dẹp bỏ được những gánh nặng cơm áo.
Một số bức truyền thần họa sĩ Từ Hoa Lợi thể hiện
Người họa sĩ già cười vui vẻ nói, nghề truyền thần mang lại cho ông nhiều cái được hơn là cái mất. Đầu tiên nghề này giúp ông giải quyết được vấn đề kinh tế cho gia đình. Sau đó là thỏa mãn được lòng yêu nghề và phát triển tài năng của bản thân.
Giờ đây khi đã phân nửa cuộc đời theo cái nghiệp vẽ, chưa một lần nào ông thấy hổi hận bỏ dở chuyên nghành đang học để bước sang nghề vẽ. Truyền thần đã giúp ông tìm được sự yên tĩnh trong khu phố ồn ào sầm uất. Khi bắt tay vào vẽ, họa sĩ tập trung cao độ, quên hết mọi hỗn tạp bên ngoài. Quên đi ngoài kia là bao nhiêu cạnh tranh, lo toan, bao va vấp. Ông tìm được sự yên tĩnh trong tâm hồn để hòa mình trong từng nét vẽ. Ông gửi gắm bao tâm tư lên chính những bức vẽ. Ông cười, nói vui: “Vẽ chính là người “vợ” thứ 2 của cuộc đời tôi”.
Bây giờ bạn bè cùng nghề có người nhiều tuổi đã mất đi, có người ít tuổi lần lượt đóng cửa hiệu. Riêng ông vẫn cặm cụi bên giá vẽ, dù có những tháng tiền công vẽ chỉ đủ đóng tiền phòng trọ. Hai người con của ông nay đều là những kỹ sư có tiếng trong ngành xây dựng. Ai cũng muốn đón ông về Hà Nội phụng dưỡng tuổi già. Nhưng vì quá đỗi yêu nghề, họa sĩ vẫn một mình sống trên căn gác thuê nho nhỏ.
Từ Hoa Lợi rất muốn truyền lại cho thế hệ sau nhưng tìm mãi chẳng thấy ai đủ kiên trì bám trụ với nó. Cách đây vài năm, họa sĩ cũng đã có vài học trò theo học. Nhưng cũng chỉ vẽ được vài năm họ lại bỏ đi kiếm một công việc khác. Chính vì lẽ đó khiến người họa sĩ già luôn đau đáu nỗi niềm: “Khi tôi nhắm mắt, ai sẽ là người tiếp bước lưu giữ nét văn hóa này?”./.