Sáng 24/3 đến tòa, Nguyễn Thu Hằng (22 tuổi, ngụ Ninh Thuận) vẫn mong mỏi về một bản án khoan hồng dành cho cha của con trai cô. Tay ôm đứa con nhỏ chưa tròn 8 tháng tuổi đang sốt cao, Hằng khóc nghẹn khi nói về Trúc.
Hằng kể do là đồng hương nên khi gặp Trúc với vẻ ngoài hiền lành, đẹp trai, Hằng dễ dàng xiêu lòng. Hằng ngày, Hằng làm việc trong cơ sở sản xuất bao bì, Trúc thì bảo làm nghề điện lạnh. Cô chưa hề thắc mắc về việc người yêu đi sớm về khuya.
“Sống chung nhưng anh Trúc không cho em biết việc anh ra ngoài làm gì. Hỏi thì anh chỉ nói đi làm điện lạnh. Cho đến khi anh bị bắt, em mới biết mình dính bầu được 2 tuần”, cô kể lại.
Thương Trúc, cô đã giữ lại giọt máu mới tượng hình, về quê sống nhờ bên gia đình Trúc, mặc cha mẹ ngăn cản. Tiền bạc eo hẹp nhưng mỗi khi có chút đỉnh, Hằng liền sắp xếp vào TP.HCM thăm Trúc. Lần nào gặp, Trúc cũng động viên cô cố gắng giữ gìn sức khỏe để đợi mình về.
Thế nhưng, tội lỗi của Trúc là quá lớn.
“Em đến tòa chỉ với mong muốn được gặp chồng, cho con gặp cha. Từ lúc con ra đời đến giờ, anh Trúc chỉ mới nhìn thấy con từ xa chứ không được lại gần.
Hằng khóc ngất, té xỉu khi biết tòa bác kháng cáo
Thay mặt chồng, em gửi lời xin lỗi đến những người bị hại, bà con thành phố. Em biết chồng mình phạm lỗi nhưng xin mọi người hãy cho anh Trúc một con đường sống để về với con, với em”, Hằng chia sẻ.
Cả buổi sáng đội nắng đợi tin, Hằng đã khóc nấc rồi té xỉu khi biết tòa bác kháng cáo, giữ nguyên án tử đối với Hồ Duy Trúc. Chiếc xe đặc chủng lăn bánh, Hằng vật vã, nức nở: “Trúc ơi, anh đi rồi em và con biết sống sao đây?”.
Nghe Hằng kể về hoàn cảnh phải đối mặt trong thời gian tới, luật sư Đỗ Hải Bình - người bào chữa cho Hồ Duy Trúc gợi ý giúp cô làm hồ sơ đăng ký kết hôn. Bởi dẫu sao đó cũng là mong ước bình thường của một người phụ nữ.
Nếu được chấp thuận theo ý nguyện, ngoài việc Hằng trở thành vợ chính thức của Trúc thì con trai cô sẽ có tên cha trên giấy khai sinh.