Người ta đang “đầu độc” đồng loại

Chưa bao giờ vệ sinh an toàn thực phẩm lại trở thành vấn đề cấp bách như hiện nay. Bởi hầu hết tất cả những thực phẩm, rau quả tưởng như là những chất bồi bổ cho sức khỏe của con người thì lại là nguyên nhân, mầm mống gây nên những trọng bệnh.

Từ trái cây, rau...

Người tiêu dùng vừa thở phào khi nghe tin Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – PGS Nguyễn Xuân Hồng chính thức công bố: Ở Việt Nam chưa phát hiện cải thảo có nhiễm chất formaldehyde, một dung dịch được cho là chuyên để ướp xác và tẩy uế, khử trùng nhà kho, bệnh viện… thì nay lại phát hiện ở lê – một loại quả được người Việt Nam tiêu thụ với số lượng rất lớn trong nhiều năm nay – được bảo quản bằng một loại hóa chất cực độc mà Bộ Y tế đã cấm sử dụng từ lâu (trong khi Trung Quốc vẫn cho sử dụng). Hóa chất này giữ cho lê tươi lâu, không bị hư thối sau hàng tháng trời. Và không chỉ có lê, thực tế có rất nhiều loại trái cây như táo, cam, quýt… nhất là những loại quả nhập khẩu từ “nước láng giềng phương Bắc” để thậm chí đến nửa năm… vẫn tươi và đẹp mã. Phải chăng những hoa quả này cũng được bảo quản bằng “bí kíp” tương tự?

Trước đây, một người tiêu dùng bình thường đã thử kiểm tra theo cách đơn thuần là để quả cam nhập khẩu xem bao lâu thì quả cam mới bị hỏng. Kết quả là 6 tháng sau quả cam đó mới có biểu hiện ủng, nhưng vỏ ngoài vẫn xanh tươi. Các nhà chuyên môn đã nhận định: Để sử dụng bảo quản trái cây từ trước tới nay có một loại hóa chất gốc clo, peroxit rất độc hại. Nó thẩm thấu rất mạnh vào trong trái cây, củ quả, vừa diệt côn trùng, vừa ngăn chặn quá trình chuyển hóa các tế bào để giữ cho hoa quả tươi lâu. Hóa chất này không màu, không mùi, không vị nên người tiêu dùng rất khó phát hiện.

Rau xanh cũng ẩn chứa những hiểm họa

Ở các tỉnh phía bắc, nhất là vùng giáp biên giới thì củ, quả  còn được bảo quản bằng chất… diệt cỏ có ký hiệu khoa học là 2,4D. Do tính chất “đa tác dụng” của 2,4D là vừa diệt cỏ, vừa kích thích tăng trưởng “siêu” mạnh, đồng thời làm chậm quá trình “lão hóa” rau, củ quả nên không chỉ người kinh doanh mà cả những nông dân trồng rau cũng đều “sính” dùng hóa chất này. Tại một cuộc hội thảo về hóa chất ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn cũng cho biết, bên cạnh các “kỹ thuật” bảo quản củ quả trên, carbendazim cũng là một hóa chất đang được “ưa chuộng” vì “hiệu quả cao” dễ sử dụng, chỉ cần hòa với nước phun lên trái cây hoặc ngâm củ quả trong nước có hòa dung dịch đó là củ quả có thể để vài tháng mà không bị hư thối. Mặc dù vị ngọt của nó có thể giảm đi. Trong khi hóa chất carbendazim chỉ có tác dụng… trị nấm.

Tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội có “công nghệ” trồng rau siêu tốc -  chỉ 3 ngày là thu hoạch rau muống, rau cần… mang đi bán. “Công nghệ” đó là hòa tan một viên thuốc vào lượng nước đủ phun cho một ruộng rau. Sau 3 ngày rau đã xanh mơn mởn và chỉ việc thu hoạch mang đi bán. Thuốc siêu tăng trưởng trên của Trung Quốc được bán ra với giá 10 nghìn đồng/viên. Do “hiệu quả cao”, lại rẻ đến… bất ngờ nên nhiều hộ trồng rau ở đây đều sử dụng. Nhưng khủng khiếp hơn cả có lẽ và tận mắt nhìn cảnh thu hoạch rau của nông dân ở xã này. Khi rau đã được bó gọn thành từng mớ, trước khi chất lên xe cải tiến để mang đến nơi tập kết, họ rửa rau bằng nguồn nước đen kịt chảy từ nhà máy sản xuất ắc quy ở bên cạnh và từ nước thải của các hộ dân ở khu vực đấy. Và chưa cần biết người tiêu dùng chịu hậu quả như thế nào khi ăn những loại rau được trồng ở Ngũ Hiệp những người trồng rau ở đây phải “chịu trận” trước. Hầu hết những người trực tiếp trồng, phun tưới, thu hoạch rau đều bị lở loét cả chân, tay và chưa có thuốc nào điều trị được!

… Đến thịt lợn

Không chỉ rau, củ quả mà cả thịt lợn – mới đây cũng được phát hiện sử dụng chất Beta – agonist, một chất cấm sử dụng trong chế biến thức ăn gia súc và chăn nuôi để tạo nạc. Nuôi lợn có chất tạo nạc đơn giản, chỉ cần trộn lẫn với thức ăn cho lợn ăn 20 ngày trước khi xuất chuồng thì thịt “đẹp”. Do nhiều “lợi thế” như vậy mà nhiều trang trại chăn nuôi đã sử dụng chất này để “làm ngon” thịt lợn.

Thịt lợn cũng siêu nạc

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sau một khảo sát trên diện rộng mới đây, trên địa bàn TP. HCM có 43% mẫu nước tiểu và 24% mẫu thịt nhiễm chất tạo nạc. Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương mẫu thịt lợn cũng nhiễm. Còn tại 15 tỉnh, thành ở miền Bắc và Duyên hải Nam Trung Bộ có 3 trong số 150 mẫu dương tính với chất này. Nói chung, nhìn đâu cũng thấy thịt lợn nhiễm chất tạo nạc.

Giờ lại thêm thực phẩm giả

Trong khi còn chưa hết hoang mang với chất tạo nạc ở thịt lợn, hóa chất bảo quản rau, củ quả… người tiêu dùng lại phải đối mặt với tình trạng thực phẩm, lương thực giả “xâm lược” trên thị trường. Từ trước tới nay, không ai nghĩ rằng nông sản có thể làm giả bởi đặc thù cả về “nội dung” lẫn hình thức… Nhưng đến bây giờ thì không gì là không thể xảy ra. Như năm ngoái người dân TP. HCM xôn xao về loại gạo “lạ”  được bày bán trên thị trường với hình thù không bình thường – hạt gạo thon dài tới 10mm, không một hạt gãy, sứt mẻ, bụng không bạc, các hạt đều tăm tắp… Đến khi ông Nguyễn Ngọc Trí, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông báo cho báo giới biết đó là loại gạo xuất xứ từ Trung Quốc, được “sản xuất” từ bột tổng hợp, trong đó có cả bột sắn thì những người mua phải loại gạo đó mới tá hỏa lên vì mất tiền mua gạo thật nhưng lại ăn phải gạo giả!

Cùng với gạo, trứng gà, tai lợn cũng bị làm giả để lừa người tiêu dùng. Trứng gà thì được “kết tinh” từ các chất hóa học, keo dính… Còn tai lợn thì làm bằng… nhựa. Với tình trạng, nhìn đâu cũng thấy thực phẩm giả, hóa chất thấm đẫm trong từng bữa ăn như vậy thì nguyên nhân từ đâu? Tất nhiên, trách nhiệm trước hết phải thuộc về những người làm ra những thứ đó. Chỉ vì tiền bạc, hám lợi nhuận, họ sẵn sàng đang tâm giết chết đồng loại của mình một cách từ từ, chậm rãi bằng những nông sản, thực phẩm độc hại. Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn “trăm dâu đổ đầu tằm” bởi họ còn chịu sự giám sát, quản lý của các cơ quan hữu trách. Song, các cơ quan hữu trách đã thực hiện trách nhiệm của mình như thế nào? Ít nhất, cho đến nay, cơ sở căn bản nhất, chế tài hữu hiệu nhất là hành lang pháp lý để xử phạt đối với những người vi phạm sử dụng chất cấm trong vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa có.

Hoa quả cũng bị ngâm, tẩm thuốc bảo quản

Ông Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường chia sẻ: Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên Cơ quan Công an rất khó xử lý đối với những vi phạm trong việc sử dụng chất nghiêm cấm trong sản xuất, bảo vệ thực vật… Vì vậy, Bộ Y tế cần nghiên cứu, xây dựng danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm và quy định hàm lượng chi tiết để trên cơ sở đó, xử lý, khởi tố những người vi phạm. Như vậy, rõ ràng công tác quản lý của Bộ Y tế còn tùy tiện lắm. Bởi một danh mục quan trọng như thế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe con người như thế mà Bộ chưa hoàn thành thì công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm làm sao hiệu quả? Cứ kiểm tra, phát hiện ra chất gì, Bộ bảo đó là chất cấm thì người ta mới biết. Nhưng khi ấy mới biết thì việc xử lý sẽ không bài bản, thiếu hệ thống và không đủ sức răn đe nữa.

Còn Sở Y tế TP. HCM từng thừa nhận thế này: Chưa bao giờ kiểm tra chất bảo quản trái cây nên cũng không biết độc hại đến mức độ nào. Đến thời điểm này cũng chưa có biện pháp xử lý sai phạm do chưa xác định được cơ quan nào có thẩm quyền vì đây là hàng nhập khẩu và không ai chịu trách nhiệm về khâu lưu thông!?

Đại diện Chi Cục Bảo vệ thực vật TP. HCM thì từng nói: Lâu nay, Chi cục cũng chỉ kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau quả, còn việc sử dụng chất bảo quản thì “chịu thua” do không biết họ sử dụng loại hóa chất gì.

Đúng là không còn gì để bình luận thêm bởi chỉ từng đó thôi cũng nhận biết ít nhiều công tác quản lý của chúng ta hiện như thế nào. Và không phải không có cơ sở để nói rằng, vì sao tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan và sẽ còn tràn lan và nhiều người vẫn đang tiếp tục “đầu độc” đồng loại để sinh tồn.

Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam: Chất tạo nạc Beta – agonist gồm các chất giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính… Nếu ăn động vật có tồn dư chất này sẽ gây đau đầu, run chân tay, tăng huyết áp, nhịp tim tăng, dùng lâu dài gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. Đối với các chất bảo quản trái cây như Carbendazim: Gây rối loạn hệ thống nội tiết tố. Khi thử trên chuột thì thấy chất này có khả năng tích lũy dần trong cơ thể, tới lúc nào đó sẽ gây đột biến, kích thích tế bào khối u phát triển, ảnh hưởng đến bào thai và gây dị dạng cho thế hệ sau.