Và trong hơn một thế kỷ qua, Margot Woelk, năm nay 95 tuổi, đã chôn chặt trong lòng bí mật của mình. Cụ không cho ai biết, kể cả với người chồng mà tính đến nay đã qua đời 23 năm.
Mãi vài tháng sau sinh nhật lần thứ 95, Woelk mới tiết lộ sự thật về vai trò thời chiến của mình: người nếm thức ăn cho Adolf Hitler.
Woelk, khi đó mới ở độ tuổi 20, đã trải qua 2 năm rưỡi là một thành viên trong nhóm 15 cô gái trẻ nếm thức ăn cho Hitler để đảm bảo các món ăn không bị nhiễm độc trước khi trùm phát xít này thưởng thức tại "Wolf's Lair", trung tâm chỉ huy được canh phòng cẩn mật của ông ta ở nơi bây giờ là Ba Lan. Tại đây, Hitler đã dành phần lớn thời gian của mình trong những năm tháng cuối Thế chiến II.
"Ông ta là một người ăn chay. Ông ta không ăn thịt trong toàn bộ thời gian tôi ở đó", cụ Woelk kể về trùm phát xít Hitler. "Và Hitler hoang tưởng rằng người Anh sẽ đầu độc ông ta - đó là lý do ông ta có tới 15 cô gái nếm thức ăn trước khi dùng bữa".
Trong bối cảnh nhiều người Đức phải chật vật với tình trạng thiếu đói với những bữa ăn đạm bạc bởi chiến tranh kéo dài, nếm thức ăn cho Hitler ở mặt nào đó cũng có lợi.
"Đồ ăn rất ngon, toàn là những loại rau ngon nhất, măng tây, ớt chuông, tất cả mọi thứ bạn có thể nghĩ đến. Và luôn có một suất cơm hoặc mì", cụ nhớ lại.
"Nhưng với tâm trạng sợ hãi triền miên - chúng tôi biết rõ tất cả những tin đồn đầu độc và không bao giờ thấy ngon cả. Mỗi ngày chúng tôi đều sợ đó sẽ là bữa ăn cuối cùng của đời mình".
Margot Woelk khi trả lời phỏng vấn của AP ngày 25/4 tại Berlin.
Mãi giờ đây, khi đã về già, Woelk mới tiết lộ những gì mà cụ giấu kín lâu nay do xấu hổ và sợ bị truy tố vì làm việc cho phát xít, mặc dù cụ khẳng định mình chưa bao giờ là thành viên của Đức Quốc xã. Woelk kể lại câu chuyện của mình khi xem lại album ảnh với những bức hình cụ thời trẻ, ở cùng căn hộ tại Berlin nơi cụ ra đời năm 1917.
Woelk lúc đầu tiết lộ bí mật của mình cho một phóng viên ở Berlin cách đây vài tháng. Kể từ đó, dư luận bắt đầu chú ý đến chuyện cuộc đời cụ. Các giáo viên viết sách và hỏi xin cụ về các bức ảnh để dạy cho học sinh của mình. Một số nhà nghiên cứu còn đến thăm và hỏi Woelk về nghề nếm thức ăn cho Hitler.
Woelk cho hay, mối quan hệ của cụ với Hitler bắt đầu khi cụ rời Berlin để tránh các cuộc không kích của quân Đồng minh. Chồng cụ khi ấy đang phục vụ trong quân đội Đức nên Woelk chuyển tới sống với người thân ở Rastenburg cách xa 700km về phía đông. Sau đó, cụ bị gọi vào quân dịch và được phân công nếm thức ăn cho trung tâm Wolf's Lair trong khoảng thời gian 2 năm rưỡi.
Woelk cho biết, Hitler là một con người luôn giữ bí mật, thậm chí ngay trong sự an toàn tương đối tại sở chỉ huy và cụ chưa từng trực tiếp nhìn thấy trùm phát xít.
Margot Woelk tại căn hộ của bà tại Berlin sau khi trả lời phỏng vấn của AP
Vụ đánh bom ám sát Hitler bất thành đã khiến cho 5.000 người bị xử tử. Sau vụ nổ, căng thẳng tăng cao quanh sở chỉ huy. Woelk cho biết, phát xít Đức ra lệnh cho cụ rời nhà người thân và chuyển vào một ngôi trường bỏ hoang gần trụ sở. Khi quân Đức có xu hướng thua trận, một người bạn khuyên Woelk rời Worlf's Lair và cụ đã bắt tàu trở về Berlin sống lẩn trốn.
Woelk cho hay, những phụ nữ khác trong nhóm thử thức ăn vẫn quyết định ở lại Rastenburg vì gia đình họ đều ở đó. "Sau đó, tôi hay tin tất cả 14 cô gái đều bị bắn chết hết", cụ kể.
Cũng giống như hàng triệu người Đức và châu Âu, Woelk bắt đầu gây dựng lại cuộc sống. Cụ cố gắng quên đi ký ức cay đắng cùng nỗi xấu hổ vì có quan hệ với một chế độ tội ác. Cụ làm nhiều công việc khác nhau. Chồng cụ xuất ngũ trở về và chết cách đây 23 năm.
"Trong nhiều thập niên, tôi đã cố gắng giũ bỏ những ký ức đó. Nhưng chúng luôn hiện hữu và ám ảnh tôi mỗi đêm", Margot Woelk kể.