Người mẹ 'giết' con không cần hung khí

Ngày giỗ bố, lẽ ra con cái về dâng hương viếng lễ phải vui vẻ, kính cẩn, chan hòa. Nhưng anh em ruột đã đánh nhau suýt mất mạng vì người anh bắt em trả tiền vay.

Giữa trưa một ngày giáp tết Nhâm Thìn (2012), bà con tổ dân phố 10 phường Đồng Sơn, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình náo động vì chứng kiến một chuyện hi hữu “xưa nay hiếm”. Đó là việc anh Nguyễn Nam Giang (SN 1994, ngụ phường Đồng Mỹ) về nhà mẹ đẻ 75 tuổi, quét dọn bàn thờ, chuẩn bị cho việc đón Xuân. Anh bàng hoàng tức giận khi phát hiện trên bàn thờ một tờ “sớ” do chính mẹ mình viết đặt lên đó, cầu mong “các bậc thánh hiền có linh thiêng thì hãy mau mau giết nó” (tức anh Giang - PV), vì “nó tàn ác mất hết tính người”. Đau đớn, anh mang tờ “sớ” đó cho mọi người trong xóm đọc: “Mẹ tui ra ri đây, trên đời chưa từng có ai làm như rứa cả”.

“Choảng” nhau sau bữa rượu giỗ bố vì món nợ 13 triệu

Chồng mất vì bạo bệnh, các con của bà đứa nào cũng có gia thất. Vả lại, theo kế mưu sinh, ai cũng làm nhà riêng nên bà lão chỉ sống một mình bằng lương hưu. Hàng năm đúng ngày giỗ chồng, bà làm mâm cơm, thắp hương đèn để tưởng nhớ. Các con của bà đang sống ở Đồng Hới, hiếu đễ với cha, cũng không quên nghĩa vụ, trách nhiệm của người làm con là cùng đưa con cái đến dâng lễ, thắp hương, cúng viếng. Thường vẫn thế, tuần hương cháy hết, vàng đã hóa, mâm giỗ cúng người chết bưng xuống, thành mâm cỗ để người sống “liên hoan” một cách đầm ấm.

Thế nhưng đám giỗ năm ấy không bình yên như vậy. Một người trong gia đình kể lại: “Bữa cơm kéo dài hơn giờ đồng hồ. Mấy chị em tui là đàn bà, sau đó lo dọn dẹp, lau quét, rửa chùi, còn lại Giang và đứa em (SN 1996, ngụ phường Đồng Phú) cùng mẹ ngồi lại uống nước. Ngà ngà hơi men nên anh Nam bắt đầu hỏi “nợ” em trai mình về khoản tiền hơn 5 năm đã vay để đi làm ăn bên Anh chưa trả. Trước đó, người em có vay của anh 13 triệu đồng, góp vào số vốn sang bên đó làm ăn. Thực tình, người xuất ngoại trong mấy năm đầu có gửi tiền về cho vợ, nhưng công việc “thất bát” nên khi “đủ vé” rồi, làm thêm chưa được bao nhiêu thì bị cảnh sát Anh phát hiện và trục xuất”.

Chuyện bị cảnh sát nước ngoài bắt và trục xuất về nước là “chuyện thường ngày ở huyện” của nhiều người phiêu lưu dấn thân vào xứ người với hoài mong đổi đời đã “mất cả chì lẫn chài”. Người em trở về nước, trở lại điểm xuất phát về tiền bạc. Số tiền ít ỏi kiếm thêm được ngoài chỉ đủ chi phí trên đường về và quà cáp cho gia đình. Nhưng người anh hoài nghi lời kể của em trai mình, cho rằng, đó là cách thức để “quỵt” số tiền lãi 5 năm ròng mình đã cho vay. Người anh lên tiếng bắt em phải nhanh chóng trả số tiền cả vốn lẫn lãi là 34 triệu cho mình.

Cũng đang trong hơi men, người em quặc lại anh trai: “Anh mà tính toán như thế thì anh không phải là con người nữa, mà thuộc cái giống chi chi”. “Mày đừng hỗn láo!”, người anh gầm lên. Có cái ghế gỗ nhỏ kề bên, anh tung lên giáng xuống đầu cậu em trai của mình. Nhờ phản ứng nhanh, người em đưa tay lên đỡ nên ghế không trúng đầu mà chỉ trúng vào vai và tay phải. Nhưng cú đòn chí mạng của người anh khiến cho người em ngã xuống ghế, máu chảy ra đầm đìa. Đứa em ức quá, nhặt chiếc ghế lên “choảng” vào anh trai mình. Giang né được khiến cái ghế đập xuống nhà nát tan. Bà mẹ ngồi cạnh hoảng hốt hét vang. Cả nhà chạy lại ôm lấy hai anh em lôi ra.

Thế là ngày giỗ bố thành cuộc “đòi nợ” của người anh và “chiến tranh” đã xảy ra giữa hai người. Cảnh tượng trên diễn ra không những đau lòng người lớn tuổi mà con cháu thấy cha chú mình đánh nhau cũng thất thần nét mặt, xót xa trong lòng.

Mẹ “giết” con không cần hung khí

Mẹ của “chủ nợ” và “con nợ” tiếp tục hét vang, mắng hai thằng con “mất dạy” dám “choảng” nhau trong ngày giỗ bố. Nhưng trong lời lẽ của bà thì bênh vực người em, sỉ mắng người anh. Sau này bà con láng giềng hỏi, bà nói trong nét mặt căm phẫn: “Cái thằng (chỉ người con trai đầu - PV) tàn ác quá! Tàn ác quá ! Tôi có ngờ đâu hắn ranh ma đến thế! Hắn sống cạn tàu ráo máng!”.

Giang, đứa con mà bà cho là “tàn ác quá”, là đứa con bà và chồng đặt nhiều hy vọng nhất. Khi sinh Giang, vợ chồng bà mừng rơn, vì đã có người nối dõi tông đường. Hai năm sau, khi con trai sau ra đời, Giang vẫn được “ưu tiên” trong sự chăm bẵm của cha mẹ. Học xong trung học phổ thông, vợ chồng bà quyết định kiếm cho con cái nghề để sinh sống. Ông bà giỏi “xoay xở” nên đã tìm được cho Giang vào lái xe ở một cơ quan nhà nước. Chăm chỉ, cần cù, kỷ luật lao động tốt nên cơ quan rất tín nhiệm, tin yêu. Rồi Giang lập gia đình, sinh con. Không rượu chè, cờ bạc, Giang là người chồng, người cha mẫu mực của gia đình. Khi trào lưu “xuất ngoại” làm ăn rộ lên khắp nơi, trước khó khăn kinh tế của gia đình, Giang cũng định “cuốn theo chiều gió”, bỏ việc sang “Tây” kiếm sống. Nhưng, cha mẹ quyết không cho Giang đi và sắp xếp cho đứa em. Sau rồi bố mất, Giang thực sự gánh vác chuyện gia đình, vì mình là anh cả. Cũng với tư cách là anh cả nên Giang chắt chiu tiền lương bổng của hai vợ chồng bấy lâu cho em vay 13 triệu đồng, góp vào số tiền mà thằng em vay nóng của người khác và của ngân hàng để bay sang xứ người.

Không biết tại sao mà Giang lại nảy sinh ý nghĩ hẹp hòi, ích kỷ với em mình, trong khi chuyến “xuất ngoại” làm ăn của em trai không mĩ mãn. Việc “đòi nợ” và gây “chiến tranh” với em mình trong ngày giỗ bố đã làm đổ nhào mọi ý nghĩ của bà mẹ. Thái độ của bà quay ngoắt 180 độ đối với con cả.

Sau ngày “choảng” nhau, không biết để khỏi căng thẳng hay vì sự “yêng hùng” của một đấng nam nhi, vợ chồng người em vay mượn nhiều nơi đưa đến nhờ mẹ “thanh toán” số tiền cả lãi lẫn vốn theo “tín dụng đen” mà người anh đã xướng. Muốn hay không muốn sự “sòng phẳng” ấy đã tạo nên sự “gập ghềnh” tình cảm người em đối với người anh. Tình anh em kể từ đó càng thêm đành đoạn.

Người mẹ sau khi làm trung gian đưa tiền của người em trả cho người anh, trong mắt bà người con cả trở thành kẻ “đáng ghét”. Mang nặng đẻ đau, bú mớm nuôi con, người mẹ nào cũng mong con khôn lớn trưởng thành. Nếu con có sai lầm, thậm chí có bị cầm tù do phạm pháp thì người mẹ bao giờ cũng trải lòng thương mến, bao dung. Thế nhưng, người mẹ 75 tuổi này lại muốn xóa bỏ mọi quá khứ, sẵn sàng vứt đi khúc ruột của mình và người chồng đã khuất núi. Bà thấy cần phải “trừ khử” nó, loại trừ nó ra khỏi “cộng đồng gia đình” và “cộng đồng xã hội”. Bà loay hoay tìm cách để thực hiện ý định kỳ cục của mình nhưng không để ai biết. Nghe người ta nói, lời nguyền của người sống linh thiêng, hiệu quả với các đấng thần linh nếu biết dâng tế, chú tâm cầu nguyện. Thế là, đêm, bà chong đèn lên, viết một tờ “sớ”, gồm tên tuổi, quê quán nơi thường trú của mình và lời “thỉnh cầu” thần thánh tìm cách “giết nó” càng nhanh càng tốt. Bà thắp hương và đặt tờ sớ lên bàn thờ, phía dưới bát nhang. Dĩ nhiên, ngày rằm, mồng một, bà thắp hương, cúng lễ không quên lầm rầm cầu nguyện lời trong tờ “sớ” đặt trên bàn thờ kia.

Đã hai năm kể từ ngày mọi chuyện vỡ lở, vợ chồng, con cái con trai đầu không hề đến nhà mẹ. Có lẽ anh này vẫn còn ôm trong lòng nỗi giận bị mẹ “trù” cho chết. Chuyện buồn này còn kéo dài đến khi nào? Câu trả lời chắc chỉ những người trong cuộc mới trả lời được.

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)