Chuyên gia này đã làm chết cả gia đình mình và gây tai họa cho cả hàng xóm, nơi ông chuyên gia thuê nhà làm “xưởng sản xuất”… bom!
Ông Lương Văn Quý (SN 1963, em kế ông Phương) cho biết, ông Phương là con đầu trong gia đình có 9 người con. Buổi tối xảy ra vụ nổ, ông Phương cùng vợ là bà Tuyết, 3 người con và người em gái đang ở trong nhà. Vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của gia đình ông Phương cùng 2 hộ lân cận - mỗi hộ 2 nạn nhân.
Nghe hung tin, gia đình ông Phương đón xe từ Đà Lạt về TPHCM để lo hậu sự. Ông Quý kể, trước đây hai anh em từng có thời gian làm tài xế chung với nhau và gắn bó trên tuyến đường Đà Lạt - TPHCM. Lái xe được một thời gian, ông Phương chuyển hẳn sang lĩnh vực nghệ thuật.
Ông Quý không nhớ rõ người anh của mình bước vào con đường làm “khói lửa” từ bao lâu, nhưng chỉ nhớ rằng, đến năm 1992, ông Phương đã không còn làm tài xế. Từ lúc còn làm tài xế, ông Phương đã thể hiện là một người đàn ông lãng tử và đam mê trong lĩnh vực điện ảnh… và rồi lại vào nghiệp làm “khói lửa” cho các bộ phim.
Từ Đồng Tháp, bà Phan Thị Kim Sang (SN 1960, vú nuôi của em Lê Minh Phương - SN 2006, tên thường gọi bé Sóc, con út ông Phương) tất tả đón xe đò lên TPHCM. Bà Sang kể lại những ký ức về cô con gái út của ông Phương. Trên tay bà Sang vẫn còn ôm bịch quần áo mang từ dưới quê lên để cho bé Sóc. Chị Sang ngậm ngùi, “bé Sóc cũng trạc tuổi con gái tui, nó ngoan ngoãn, lễ phép và lại học giỏi nữa”.
Cũng theo gia đình nạn nhân, ông Phương còn có 2 người con gái của vợ trước hiện đang định cư tại Mỹ cũng đang trên đường về Việt Nam chịu tang cha. Tối 24/2, thi thể 6 nạn nhân trong gia đình ông Phương được đưa về chùa Vĩnh Nghiêm để an táng.
Tối 24/2, Công an TPHCM cũng đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án về vi phạm trong quản lý vụ khí và vật liệu nổ. Dư luận đang bức xúc đối với vụ nổ này, đó là tại sao ông Phương “khói lửa” mang nhiều vật liệu nổ và cả vũ khí về ngôi nhà ông thuê ngay khu dân cư đông đúc để “chế tạo”… “bom” một cách hoành tráng như vậy?
Cho dù phục vụ công tác nghệ thuật đi nữa, nhưng đối với vật liệu nổ và vũ khí, phải có nơi, có chỗ để làm, chứ không thể làm ngay tại khu dân cư như vậy được. Không những ông Phương “khói lửa” bất cẩn, mà chính ông đã coi thường mạng sống của mình cũng như cả gia đình vợ con mình và hàng xóm, khu dân cư.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (10 người chết và 3 người bị thương) là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi nơi về công tác quản lý cũng như chính bản thân những người đang làm việc với vật liệu dễ gây nổ, cháy. Đây là vụ nổ kinh hoàng, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình về sự mất mát cả người lẫn vật chất, là bài học xương máu cho công tác quản lý vật liệu nổ và vũ khí tại các khu dân cư.