Tại dự thảo nghị định (NĐ), các quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp (TTĐTTH), mạng xã hội (MXH) được áp dụng chung. Theo đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), hiện các trang TTĐTTH và dịch vụ MXH có nhiều điểm tương đồng nên được áp dụng chung chính sách quản lý. Thủ tục thành lập đối với hai loại hình này đều là cấp phép, tuy nhiên thời hạn của giấy phép thiết lập trang TTĐTTH là 5 năm trong khi MXH có thời gian gấp đôi. Khác với NĐ 97, thẩm quyền cấp phép đối với các trang TTĐTTH thông thường đã được phân cấp cho các sở TT-TT. Thẩm quyền cấp phép hoạt động cho các MXH và các trang TTĐTTH đặc biệt vẫn do Bộ TT-TT nắm giữ.
Quản lý như Bộ Công an
Tại điều 5 của dự thảo NĐ quy định rõ: Nghiêm cấm dùng các thông tin cá nhân giả mạo để sử dụng các dịch vụ internet. Đồng thời với đó, các tổ chức, DN thiết lập trang TTĐTTH, cung cấp dịch vụ MXH được yêu cầu phải quản lý thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ theo quy định về đăng ký, quản lý và sử dụng thông tin cá nhân của Bộ Công an.
Cũng theo dự thảo NĐ này, các tổ chức, DN nước ngoài cung cấp thông tin công cộng (bằng tiếng Việt) qua biên giới cho người sử dụng trên lãnh thổ VN phải có biện pháp bảo vệ các thông tin riêng của người sử dụng VN, đảm bảo quyền quyết định của người sử dụng VN đối với việc cho phép tổ chức, DN nước ngoài sử dụng thông tin về nhân thân của mình.
DN cung cấp game online phải có khuyến cáo rõ ràng về những tác động ngoài mong muốn đối với thể chất và tinh thần có thể xảy ra đối với người chơi - Ảnh: T.S
Dự thảo NĐ cũng đưa ra điều khoản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này phải đảm bảo người sử dụng VN được quyền xóa bỏ hoàn toàn thông tin của mình trên cơ sở dữ liệu của tổ chức, DN. Theo ông Lưu Vũ Hải, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), điều khoản này được đưa ra là nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng khai thác thông tin cá nhân lan tràn vào các mục đích khác. Mặt khác, điều khoản này đã được quy định trong luật Công nghệ thông tin nhưng nay được cụ thể hóa hơn, áp dụng cho cả các DN nước ngoài.
Theo đại diện của Sở TT-TT TP.HCM cần có những điều khoản cụ thể và chi tiết hơn để thực hiện được quy định này. Một ví dụ là Sở TT-TT TP.HCM từng yêu cầu Yahoo thay đổi một số thông tin tiếng Việt nhưng gặp vướng mắc do DN này mặc dù có văn phòng tại VN nhưng lại hoạt động trên cơ sở luật pháp của một quốc gia khác.
Hàng chục nghìn đại lý internet sẽ phải đóng cửa
Dự thảo NĐ quy định địa điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 200m trở lên, đảm bảo tổng diện tích các phòng máy tối thiểu 50m2 và bố trí tối thiểu 1m2 cho một máy tính, có thiết bị và nội quy phòng cháy chữa cháy theo quy định về phòng chống cháy, nổ của Bộ Công an, thời gian hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Sở TT-TT TP.HCM đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho việc xây dựng dự thảo này hôm 6.4 tại Hà Nội, các quy định này sẽ khó triển khai trên thực tế do tại các thành phố lớn mật độ các trường học khá dày đặc, và nếu thực hiện theo quy định này hàng chục nghìn đại lý internet sẽ phải đóng cửa. Bên cạnh đó quy định về thời gian hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ cũng khó áp dụng do nhiều điểm cung cấp dịch vụ thường lách luật khi đóng cửa nhưng vẫn cho khách chơi suốt đêm.
Liên quan đến game online (G.O), có một thay đổi đáng kể so với văn bản tiền thân là NĐ 97/2008/NĐ-CP là NĐ mới đưa ra yêu cầu phân loại G.O theo nội dung và kịch bản phù hợp với độ tuổi của người chơi. Quy định này, theo ông Lưu Vũ Hải là nhằm giúp các bậc phụ huynh quyết định G.O nào là phù hợp với độ tuổi với con em mình, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến người chơi, đặc biệt là với trẻ em. Ngoài ra, các tổ chức, DN nước ngoài chỉ được phép cung cấp dịch vụ G.O cho người sử dụng tại VN dưới hình thức ký hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với các DN VN đã được cấp phép. Tỷ lệ phần vốn góp của bên nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ của liên doanh.