Nhan sắc dân tộc Kinh đến từ Thanh Hóa Nguyễn Thị Ngọc Anh trả lời câu hỏi ứng xử đầu tiên trong các thí sinh. Với câu hỏi “Tại sao em tham dự cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 3 năm 2013”, tân Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đã trả lời vì đây là cuộc thi tôn vinh sắc đẹp cấp quốc gia duy nhất năm nay. Cuộc thi mở ra cơ hội kết chặt tình đoàn kết các dân tộc Việt Nam, cùng nhau chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Ngôi vị Á hậu 1 thuộc về thí sinh Lò Thị Minh (SBD 33, đến từ tỉnh Điện Biên); và ngôi Á hậu 2 thuộc về người đẹp Nguyễn Thị Loan (SBD 30, dân tộc Kinh, đến từ tỉnh Thái Bình).
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao nhiều giải thưởng phụ đến các người đẹp đoạt danh hiệu Người đẹp ảnh : Vũ Trần Triều Thu (SBD 51, dân tộc Kinh, đến từ Tiền Giang); Người trình diễn trang phục truyền thống đẹp nhất: Đinh Thị Thùy Trang (SBD 52, dân tộc H’Re, đến từ Quảng Ngãi); Người đẹp tài năng: Nguyễn Thị Hồng Nhung (SBD 40, dân tộc Kinh, đến từ Quảng Bình); Người đẹp biển: Nguyễn Thị Hồng Nhung ( SBD 41, dân tộc Kinh, đến từ Hải Phòng); Người đẹp du lịch: Phạm Thanh Tâm (SBD 48, dân tộc Kinh, đến từ TP. Cần Thơ); Người đẹp xứ Quảng: Đặng Thị Hà (SBD 14, dân tộc Kinh, đến từ Quảng Nam); Người đẹp thân thiện: Trần Ngọc Nguyên Khánh (SBD 27, dân tộc Kinh, đến từ Lâm Đồng).
62 thí sinh lọt vào Vòng chung kết (VCK) Hoa hậu các dân tộc Việt Nam đã có một mở màn ấn tượng với phân thi trình diễn trang phục truyền thống. Hương sắc 19 dân tộc anh em trên khắp cả nước có thí sinh lọt vào VCK năm nay (Mường, Dao, Cơ Ho, Sán Dìu, Nùng, Cơ Tu, H’Re, S’Tiêng, Kinh…) hội tụ và tỏa sáng trên sân khấu lộng lẫy sắc màu ở Nhà hát lớn Hội An. Trong trang phục truyền thống, mỗi nhan sắc là một đại diện cho vẻ đẹp nhân văn của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền từ Châu thổ sông Hồng đến Đồng bằng sông Cửu Long, từ núi rừng Tây Bắc đến đại ngàn Tây Nguyên…
Sau màn khoe sắc với trang phục truyền thống, trên nền âm nhạc sôi động, hàng ngàn khán thính giả dự đêm bế mạc Festival Di sản Quảng Nam cũng là đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam cùng ngắm các thí sinh khoe vẻ đẹp trẻ trung, năng động, hiện đại trong phần thi trình diễn trang phục áo tắm.
Tân Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 trả lời phỏng vấn ngay sau khi đăng quang
Ngay sau các tiết mục biểu diễn của ca sĩ Tùng Dương và NSƯT Thanh Lam, sân khấu đêm chung kết Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam thực sự hóa một vườn nhan sắc kiêu sa với những tà áo thướt tha, lộng lẫy sắc màu của các thí sinh trong phần thi trình diễn trang phục dạ hội.
62 thí sinh Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 trong đêm chung kết
Ai đẹp nhất đêm nay? Câu trả lời đã có sau phần thi ứng xử của 6 thí sinh xuất sắc nhất trong top 18 thí sinh đẹp nhất VCK Hoa hậu các dân tộc Việt Nam: Nguyễn Thị Ngọc Anh (SBD 04, đến từ Thanh Hóa); Đặng Thị Hà (SBD 14 - Quảng Nam); Trần Ngọc Nguyên Khánh (SBD 27 – Lâm Đồng); Nguyễn Thị Loan (SBD 30); Lò Thị Minh (33- Điện Biên); Phạm Thanh Tâm (SBD 48 – TP. Cần Thơ).
6 thí sinh lọt vào vòng thi ứng xử
Kết quả, thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Anh (SBD 04), đến từ Thanh Hóa đã đăng quang ngôi vị Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2013.
Trước vòng chung kết Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, tại Nhà hát Hội An (Quảng Nam), đã diễn ra lễ bế mạc Festival Di sản Quảng Nam lần 5/2013. Về dự lễ có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương cùng hàng vạn người dân và du khách. Diễn ra trong suốt một tuần lễ, từ ngày 19 - 26/6, Festival Di sản Quảng Nam 2013 đã để lại nhiều ấn tượng về đất và người xứ Quảng qua nhiều hoạt động như Liên hoan Hợp xướng quốc tế với 15 đoàn hợp xướng đến từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ; Không gian di sản văn hóa Việt Nam-ASEAN với sự hội ngộ của các di sản văn hóa và thiên nhiên tiêu biểu của 22 tỉnh, thành phố và các nước trong khu vực Đông Nam Á; Liên hoan nghệ thuật các dân tộc Việt Nam với sự góp mặt của 15 tỉnh thành đại diện các vùng miền; Đặc biệt là Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam với trên một nghìn thí sinh các dân tộc đăng ký dự thi…Các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ Festival đã tạo thành một bức tranh đa sắc ấn tượng. Bên cạnh đó, nhiều Hội thảo quốc gia, quốc tế xoay quanh chủ đề “Di sản văn hóa hội nhập và phát triển” thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa, môi trường và cộng đồng. Qua đó, giúp cho tỉnh Quảng Nam có thêm nhiều kinh nghiệm và những định hướng mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. Hòa chung vào không gian đa sắc màu của Festival, hình ảnh một tỉnh Quảng Nam với bề dày truyền thống văn hóa, với các di sản văn hóa thế giới, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, con người thân thiện và mến khách thực sự đã để lại trong lòng bạn bè quốc tế, du khách gần xa những ấn tượng tốt đẹp. |