Như có thần giao cách cảm, vợ của nạn nhân chợt thấy ruột nóng như lửa đốt, chạy xuống khu vực này. Vừa đi, bà vừa thầm cầu khấn “trời phật”, mong đừng có chuyện gì không hay xảy ra. Tuy nhiên, sự thật đắng lòng, chồng bà, ông Hoàng Ngọc Tứ (61 tuổi, trú tại kiệt 79 Đào Duy Anh, phường Phú Bình) chính là người nhảy cầu thiệt mạng.
Lời đồn “người cõi trên” thúc giục tìm về thế giới bên kia
Một ngày mới bắt đầu với ánh ban mai thật ấm áp. Có người hối hả đến chỗ làm, cũng có người thảnh thơi ghé mấy quán cà phê cạnh bờ sông, trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Đường ngược xuôi người qua lại, rộn rã thanh âm của cuộc sống. Bỗng những tiếng la hét thất thanh phá vỡ bầu không khí yên lành đó. Người ta quá bất ngờ và hốt hoảng khi thấy một người đàn ông “đứng” tuổi, trèo qua thành cầu. Tuy nhiên, những tiếng thét cũng không thể ngăn cản ông này gieo mình xuống dòng sông. Người trầm mình sinh sống trong khu vực, nên lập tức được nhận diện. Tuy nhiên, khúc sông này nước chảy xiết nên không ai dám nhảy xuống vớt. Người ta lập tức chạy đến nhà ông Tứ (ở cách đó chừng 300 mét) báo tin cho vợ con ông đồng thời báo lực lượng chức năng để cùng phối hợp tìm kiếm.
Phải chừng một tiếng rưỡi đồng hồ, sau nhiều lần lặn hụp tìm kiếm, thi thể ông Tứ mới được vớt lên từ đáy sông. Người đàn ông tự trầm mình đã được lo cho mồ yên mả đẹp. Nhưng gia đình ông Tứ và người dân sống trong khu vực vẫn còn bàng hoàng trước sự việc đau lòng đã xảy ra. Bà Ki bán quán nước ngay đầu kiệt thảng thốt kể lại: “Làm nghề chạy xe thồ nên mỗi ngày ông Tứ đi ra đi vô kiệt (hẻm) không biết bao lần. Lần nào “chạm mặt”, ông cũng chào tui. Tui quá quen với hình ảnh của người đàn ông dáng dấp gầy gầy tính tình hiền lành, cởi mở. Hôm đó, ông Tứ đi ra khỏi ngõ kiệt từ sáng sớm, gặp tui còn chào như mọi bận. Vậy mà chỉ lát sau người vợ đã chạy ra khóc lóc thảm thiết, nói chồng mình nhảy xuống sông chết rồi. Tui chỉ là người trong xóm, nghe tin cũng thấy bất ngờ, bàng hoàng, huống chi vợ con ông Tứ”.
Theo lời kể của người phụ nữ này, khi vớt được xác nạn nhân, người ta thấy trên cổ tay ông Tứ có bao ni lông cuộn mấy lớp, cột chặt bằng một sợi dây thun. Phía trong là mảnh giấy ông Tứ ghi họ tên vợ và con trai mình, địa chỉ nơi ở của gia đình. “Chứng tỏ, người đàn ông này đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho cái chết của mình. Sợ sau khi chết, xác trôi xa, người dân nào tìm được, biết nơi biết chốn mà đến báo.” Người hàng xóm nhận xét. Anh Hoàng Ngọc Nguyên Khánh, con trai của ông Tứ cũng day dứt cho biết, thời gian gần đây, cha mình thường nói nhảm một mình, đã nhiều lần đòi chết để “gặp ông bà”. Gia đình phải canh ông Tứ rất cẩn thận, đề phòng ông làm chuyện gì dại dột. Tuy nhiên, buổi sáng định mệnh ấy, ông Tứ đã lặng lẽ trốn vợ con, đi ra cầu Bãi Dâu nhảy xuống. Việc ông lão 61 tuổi này quyết tìm về “thế giới bên kia”, khiến người dân trong khu vực xôn xao. Lúc này, có người mới nhớ lại “điềm báo” rợn người, trước đó ông Tứ từng “hé lộ”, có “tiếng nói của cõi trên” nhiều lần thôi thúc ông “về” để đoàn tụ với tổ tiên. Người ta rùng mình đồn đoán ông Tứ bị “người âm” nhập vào. Mà người nào chẳng may đã bị “ma” dẫn thì không thể nào cưỡng lại được.
Hiện trường nơi nạn nhân nhảy cầu.
“Ma rượu” gây ảo giác
Theo lý giải của bà Ki, ông Tứ bị ma men dẫn lối thì đúng hơn. Bởi bà là người sống trong cái kiệt này đến nay đã ngoài 70 tuổi, biết rõ chân tơ kẽ tóc từ ngày ông Tứ may mắn cưới được người thiếu nữ vừa đẹp người đẹp nết về làm vợ. “Cô Thường vừa đẹp người vừa tốt bụng, hiền lành, đảm đang lắm. Lúc mới trưởng thành, cô Thường quen biết chú Tứ rồi thành vợ chồng luôn. Vợ chồng sinh được hai con, một trai một gái. Cứ nghĩ như thế là cô Thường may mắn, hạnh phúc viên mãn.
Tuy nhiên, hạnh phúc không bao lâu thì cô Thường phải âm thầm chịu đựng nỗi khổ vì chồng mình suốt ngày be bét rượu chè. Đã rượu vào, say xỉn rồi thì còn thời gian và tỉnh táo đâu mà kiếm sống, thậm chí sinh ra đủ thứ bệnh trong người. Tui bán hàng có người mua là mừng, ấy vậy mà nhiều khi cũng phải từ chối bán rượu cho chú ấy. Có lẽ chú ấy cũng biết tác hại của việc uống rượu, nhưng đã nghiện quá nặng, khó bỏ. Thậm chí, không có rượu là chú ấy thấy đau trong người. Chồng rơi vào tình cảnh đó nên việc mưu sinh dồn hết lên vai vợ. Vậy nhưng vì cái nghĩa vợ chồng, cô Thường vẫn một tay chăm sóc, lo lắng mỗi khi chồng đau ốm bệnh tật, đi từ bệnh viện này đến bệnh viện khác.
Hôm chồng nhảy sông tự tử, cô Thường phải nén vật vã đau đớn, đứng ra lo ma chay chu toàn”. Nhà của vợ chồng ông Tứ, bà Thường tuy nằm khá sâu trong con hẻm nhỏ, nhưng có vẻ khang trang. Sự ngăn nắp, sạch sẽ chứng tỏ chủ nhân là người đảm đang. Tuy vậy, đám tang chưa bao lâu nên không khí ngôi nhà vẫn có gì đó hoang lạnh. Bà Thường vẫn còn rất trẻ so với cái tuổi 54, ngồi bên chiếc máy may quen thuộc nhưng không làm được gì cho ra hồn. Bà trải lòng: “Chồng tui nghiện rượu từ bao giờ, nay cũng không còn nhớ chính xác nữa, chỉ biết là từ lâu lắm rồi. Cái thứ rượu giá chỉ mấy nghìn đồng, bao nhiêu là hóa chất độc hại mà ngày nào cũng “nạp” vô người thì thử hỏi làm sao không bệnh này tật nọ? Rượu phá nát lục phủ ngủ tạng, nên chồng tui mắc nhiều bệnh lắm, từng điều trị dài ngày ở bệnh viện Trung ương Huế. Gần đây, có lẽ do rượu phá hủy thần kinh nên chồng tui phải điều trị tại bệnh viện tâm thần 2 tháng.
Ngoài thời gian nằm nội trú ở bệnh viện, khi được điều trị ngoại trú thì tui đích thân chở đi chở về, để bác sỹ thăm khám, phát thuốc. Tuy nhiên, chồng tui kêu uống thuốc gì mà cứ bắt người ta ngủ miết, chán lắm, nên ông tự ý bỏ thuốc. Có lẽ “con ma rượu” gây ảo giác, khiến chồng tui không làm chủ được hành vi, có hành động dại dột”. Theo lời kể của bà Thường, buổi sáng hôm đó, lúc chồng ra khỏi nhà từ sớm, sợ có chuyện gì không hay, bà và các con vội vã chia nhau đi tìm. Riêng bà đi về hướng cầu Bãi Dâu. Đi được một đoạn đường, không thấy chồng, bà quay về nhà. Nhưng bỗng nhiên, ruột bà nóng như có lửa đốt, bà vội vàng quay trở lại hướng cầu. Ngay sau đó bà nhận được hung tin. “Ngày thường, chồng tui làm nghề chạy xe thồ. Nhưng do nghiện rượu nên có dư tiền ra đưa về cho vợ con đâu? Thậm chí, ông bị ngã xe lên ngã xe xuống, trợt mặt trợt mày vô số lần. May mà những lần say xỉn, ông không chở khách, nên chưa gây tai nạn cho ai.” Người vợ chua xót nhớ lại. Câu chuyện của người đàn ông này âu cũng là một bài học cảnh tỉnh đáng giá cho bất cứ ai sa đà vào “ma men”. Khi bị chất gây nghiện đưa đường dẫn lối, họ có thể gây ra nhiều hành động đáng tiếc, đáng lên án như vi phạm pháp luật, thậm chí tự hủy hoại cuộc sống quý giá, để lại nỗi đau cho người thân, tệ nạn cho xã hội.