Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định là an toàn, nhưng với những gì người dân nơi miền rừng này chứng kiến sự và những ý kiến trái ngược nhau của các chuyên gia đầu ngành thì họ vẫn chưa yên…
Thấp thỏm Sông Tranh 2
Thấp thỏm, âu lo cho số phận của mình và người thân đang sinh sống nơi vùng hạ lưu thuỷ điện Sông Tranh 2 đó là những gì chúng tôi cảm nhận trên từng nét mặt người dân nơi miền rừng này khi nói chuyện về hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2.
Nỗi lo của gia đình ông Lê Văm Lâm cũng như hàng trăm hộ dân sinh sống tại xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My là nỗi lo của một đời người. Ông bảo rằng ai nói không lo lắng khi sống dưới đập chứa hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 giữa những ngày này là nói không thực lòng.
Mặc dù cơ quan chức năng khẳng định là an toàn, nhưng với những gì người dân nơi miền rừng này chứng kiến sự và những ý kiến trái ngược nhau của các chuyên gia đầu ngành thì họ vẫn chưa yên… Bởi như lời ông kể lại, thì từ khi hồ chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 tích nước đi vào vận hành là hàng loạt vụ động đất lớn nhỏ xảy ra, và sau đó là sự cố nứt thấm thân đập diễn ra hơn 1 tháng nay.
Không chỉ ông Lâm lo lắng khi phải sống dưới chân đập hồ chứa này, mà rất nhiều người dân chúng tôi gặp hỏi chuyện, họ đều thở dài bảo rằng: “Bà con tui ở đây ai bảo không lo mới lạ...”.
“Làm người ai mà không lo khi nhìn cái đập to đùng với túi nước khổng lồ treo trên đầu như rứa. Lại thêm cái đập chính bị thấm chảy nước như thác mà bảo là yên tâm khi mưa bão trắng trời, rồi mặt đất rung lắc nổ ầm ầm. Sống trong cảnh như rứa mà bảo bà con tui yên tâm?” - bà Nguyễn Thị Lan, nhà ở Trà Tân nói.
Xả nước hồ chứa Sông Tranh 2 để xử lý
Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh vào chiều 3/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh nói rằng, đến thời điểm này theo báo cáo và các công văn của các cơ quan chức năng và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là đập thuỷ điện Sông Tranh 2 an toàn.
Quân khu 5 sau đợt kiểm tra trực tiếp tại hiện trường cũng sẽ có kịch bản cho tình huống xấu nhất là di dời dân vùng hạ lưu công trình. Ông Thanh khẳng định rằng: Đây là kết luận của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm truyền đạt lại cho báo chí được rõ và tổ chức tuyên truyền kết luận trên cho nhân dân yên tâm.
Tuy nhiên, ông Lê Phước Thanh khẳng định rằng tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát và yêu cầu đơn vị chủ đầu tư khẩn trương khắc phục sự cố rò rỉ nước và sớm xây dựng các phương án ứng phó, bao gồm phòng chống lụt bão phối hợp với địa phương, ứng phó sự cố.
Phía Quân khu 5 sau đợt kiểm tra trực tiếp tại hiện trường cũng sẽ có kịch bản cho tình huống xấu nhất là di dời dân vùng hạ lưu công trình.
Đoàn công tác của UBND huyện Bắc Trà My cũng đã có kiến nghị “khẩn” gửi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam về sự cố này.
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định: Tỉnh và TW nói đập an toàn, chúng tôi phải nghe và giải thích cho dân là an toàn. Nhưng qua kiểm tra thực tế tại công trình và sự lo lắng hoang mang của người dân sinh sống ở vùng hạ lưu, thực lòng mà nói chúng tôi vẫn chưa thể yên tâm đến khi nào sự cố được khắc phục xong. Khi hiện tượng thấm, rò rỉ nước không còn lúc đó mới hết lo.
Ông Lê Phước Thanh khẳng định rằng tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát và yêu cầu đơn vị chủ đầu tư khẩn trương khắc phục sự cố rò rỉ nước và sớm xây dựng các phương án ứng phó, bao gồm phòng chống lụt bão phối hợp với địa phương, ứng phó sự cố. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho rằng, địa phương và người dân “đang trông chờ” vào phương án chống thấm triệt để, căn cơ trong thời gian nhanh nhất mà các chuyên gia, chủ đầu tư đã khẳng định.
“Đến khi nào đập chứa thuỷ điện Sông Tranh 2 không còn hiện tượng thấm và chảy nước, lúc đó chúng tôi mới an tâm…” - ông Thu nói.
Hiện tại, mực nước tại thủy điện Sông Tranh 2 đã xuống ở mức cao trình 160m. Tổ máy số 2 đã hoạt động trở lại sau thời gian bảo trì, lưu lượng nước xả cho cả 2 tổ máy là 230m3/s và đang khai thác tối đa công suất để hạ mức nước của hồ chứa về mực nước chết và triển khai phương án chống thấm triệt để mặt đập. Theo tính toán, nếu trời không mưa nơi vùng đầu nguồn thì chỉ trong vòng 2 tuần, mực nước ở lòng hồ sẽ hạ xuống cao trình thấp nhất (mực nước chết là 140m). Đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế gồm 6 cửa xả tràn, không có cửa xả đáy, lượng nước trong lòng hồ chỉ thoát qua 2 tổ máy phát điện… Chính vì vậy để hạ nhanh mực nước của hồ chứa tiến hành các biện pháp chống thấm mặt đập cần phải có thời gian xả nước qua 2 tổ máy phát điện. Hiện công tác chống thấm mặt đập và khắc phục sự cố thấm nước nơi đập chính vẫn đang được triển khai. |