Chồng tố vợ bạo hành
Vợ con đã bỏ đi, căn nhà của ông Nguyễn Văn Trung (58 tuổi, chồng bà Thảo) tiêu điều hoang lạnh. Bấy lâu nay chỉ mình ông một mình một bóng, gương mặt cũ kỹ đối diện những bức tường cũng cũ kỹ, nặng nề. Người đàn ông dáng thấp đậm, áo quần nhàu nhĩ với những bước chân đi khập khiễng vì cái chân gãy sau tai nạn. “Thanh minh” chuyện gia đình vợ con được một lúc là mắt ông Trung đã đầy nước.
Ông bảo ông cô đơn, tuyệt vọng. Vợ chồng ông có 3 cô con gái. Hai cô lớn đã lấy chồng. Cô út đang học trung học phổ thông. Vì ông bị tai nạn lao động thành khuyết tật, hoàn cảnh nghèo khó, nên vợ ông thu gom tiền bạc vờ về quê ăn giỗ rồi một mình lén vào Sài Gòn, không cho ông biết địa chỉ. Hai tháng sau, vợ ông bị lừa và bệnh tật, đường cùng nên phải gọi điện thoại cho chồng, bảo chồng vào Sài Gòn xin chủ cho về. Vợ chồng đoàn tụ, ông cho rằng không phải vợ con bỏ đi, mà ông “làm đơn xin cho vợ” vào làm tại Trung tâm bảo trợ xã hội ở ngay trong phường, cách nhà chưa đầy 500m. Làm được một tuần thì bà Thảo về nhà nói với chồng, giám đốc trung tâm không cho về, phải ở trung tâm cả ngày lẫn đêm, nên thu vén áo quần vào trung tâm ở luôn. Ông Trung ngăn cản thì bị vợ đè ra đánh sưng mặt. Không những vậy, sau đó bà Thảo còn gọi điện thoại cho con gái út cùng vào trung tâm ở để được nuôi ăn học.
Mỗi lần nhớ vợ con quá, ông Trung tìm đến thì bị cho là gây rối. Gần đây, bà Thảo đã gửi đơn đến TAND TP.Huế yêu cầu được ly hôn với chồng. Ông Trung một mực cho rằng, do giám đốc trung tâm “bật đèn xanh” ngấm ngầm sắp xếp cho vợ ông bỏ nhà bỏ cửa, vu oan chồng đánh đập, lấy cớ bỏ chồng. Người đàn ông này thống thiết: “Tôi đề nghị trung tâm từ thiện trả vợ con tôi về, sướng khổ sống chết có nhau...”.
Vợ tố ngược chồng mới là thủ phạm
Tuy nhiên, bà Thảo lại rùng mình khi nhắc đến người chồng, cái rùng mình phát sinh từ nỗi sợ hãi đã ăn sâu nhiều năm. Người phụ nữ đã cận kề tuổi sáu mươi nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, phúc hậu đằm thắm. Chắc đã có nhiều người thầm thắc mắc cái sự không cân xứng về hình thức giữa vợ chồng ông Trung bà Thảo. Nó cứ như một đôi đũa lệch. Tuy nhiên, hình thức đó chẳng nói lên điều gì nếu như không có một câu chuyện ướt sũng nước mắt của người phụ nữ mà cuộc đời đã hai lần phải tìm đến cái chết để giải thoát sự đau khổ.
Bà Thảo kể, mồ côi cha mẹ từ sớm, bà sống với các anh chị, đi thanh niên xung phong, rồi sau đó được làm nhân viên cửa hàng bán tạp hóa của Nhà nước tại quê bà là xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền. Hồi trẻ bà xinh đẹp nên có rất nhiều thanh niên để ý, tán tỉnh. Bà không bao giờ có ý định để mắt tới ông Trung vì ông này vừa lùn vừa xấu. Tuy nhiên, không hiểu ông tơ bà nguyệt “cột” thế nào mà bà và ông lại nên duyên.
Lúc đó, ông là thợ lái máy xúc, máy ủi, đến Quảng Thái làm việc trong một tháng. Một lần, ông đánh rơi chiếc khăn tay xuống giếng. Thấy ông loay hoay tìm cách vớt chiếc khăn mãi không được, người dân địa phương bảo, vớt làm chi cho mệt, qua cửa hàng bên kia mua một chiếc mới là xong.
Ông thấy cũng có lý nên bước qua cửa hàng và bị cô bán hàng xinh đẹp hớp mất hồn. Ông không sán vào tán tỉnh mà chỉ đứng ở ngoài, sau những người khách mua hàng, cười cười nhìn cô bán hàng. Suốt một tháng như thế, không hiểu vì sao trái tim cô bán hàng xinh đẹp bị “đốn”.
Lúc gần đám cưới, bà mới phát hiện ra ông có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ khác. Bà tuyên bố sẽ trả lễ, một tuần sau sẽ cho người khác đám hỏi và một tháng sau tổ chức đám cưới. Ông khóc lóc van xin mãi, bà mới chịu “tha” cho, chấp nhận làm đám cưới với ông. Không ngờ từ đây bắt đầu chuỗi năm tháng đau khổ của cuộc đời bà.
Bà kể, cưới xong, ông bắt đầu ngựa quen đường cũ, trăng hoa gái gú. Tiền làm được bao nhiêu ông không đưa về cho bà đồng nào, mà cung phụng bồ nhí hết. Một mình bà bươn chải mưu sinh, ngày lại ngày oằn gánh rau trên vai chạy từ nhà đến chợ Bến Ngự (TP.Huế) quãng đường cả đi về gần hai chục cây số. Những buổi chiều muộn ngang qua chùa Thiên Mụ nghe tiếng chuông “boong” rơi vào bóng tối nhá nhem, bà sởn da gà, chạy như ma đuổi.
Ấy vậy mà vừa về đến nhà đã bị chồng lôi ra đánh thâm tím mặt mũi. Bà không hiểu lý do tại sao ông lại làm như vậy. Đánh chỉ vì ngứa tay muốn đánh. Vậy thôi. Điều người phụ nữ này đau hơn cả bị đánh, là khi bà mang thai đứa con đầu lòng, ông Trung đã bồ bịch và sau đó cũng có con với người ta. Vừa cực khổ vừa chua xót, bà quyết định cùng con rời xa cõi thế đau khổ.
“Tối hôm đó, tui cởi chiếc nhẫn cưới để lại trên gối, thay bộ đồ lụa trắng, mang chai thuốc sâu ra sau hè nhà. Tui khóc nói với đứa con trong bụng, mẹ làm như ri là có lỗi với con. Nhưng để con lại trên đời mà không có mẹ thì không biết cuộc đời côi cút của con sẽ ra sao. Thôi hai mẹ con ta cùng giải thoát”. Bà chuẩn bị kết liễu cuộc đời thì ông Trung và người nhà phát hiện. Coi như nợ với trần gian của bà Thảo chưa dứt. Cô con gái đầu lòng chào đời.
Cha độc ác từ đứa con còn trong bụng mẹ?
Bà có thai lần hai, đi khám người ta bảo bà mang thai đôi. Không hiểu vì sao ông một mực bảo bà đi phá thai. Bà về quê Quảng Thái, khóc với người chị. Người chị động viên em, nếu cha của những đứa trẻ không ra gì, em cứ về quê sống với chị, chị còn sức làm ruộng cùng em nuôi cháu. Hết sức thì đặt hai đứa cháu hai bên gánh, gánh đi ăn xin, chứ đừng làm điều thất đức.
Kể từ ngày đó, bà đưa con về quê nương tựa vào người chị ruột, chờ ngày sinh nở. Một thời gian, ông ra “bắt” con gái về. Bà ban đầu phản đối, nhưng sau lại nghĩ, nếu khi sinh nở mình có mệnh hệ gì thì con cũng có cha nuôi nấng. Chị bà Thảo thương em, gần đến ngày sinh vác cái bụng thai đôi vượt mặt nên bảo em ở nhà làm mấy việc vặt. Một mình bà ra ruộng.
Hôm đó, bà cảm thấy đau bụng, dù theo tính toán chưa đến ngày sinh. Thấy chị trưa ngắt trưa ngơ mới từ ruộng về, vội vàng ăn mấy miếng cơm để đi trồng rau tiếp, bà Thảo không nỡ “kêu ca”. Thật tình cờ, chiều đó ông ra quê vợ có việc. Bà nói với chồng mình đau bụng và có dấu hiệu vỡ ối. Nhưng ông vẫn tỉnh bơ ra về. Đến đêm, không thể chịu đựng cơn đau được nữa, bà mới nói với chị. Người chị nước mắt vòng quanh: “Thảo ơi là Thảo, răng em dại dột rứa? Răng em không nói với chị từ sớm để chị nghỉ buổi ruộng đưa em đi trạm xá. Lỡ có mệnh hệ chi thì răng?”.
Người chị hối thúc bà rồi quàng xiên vơ mấy thứ cần thiết, bước thấp bước cao trong bóng tối dìu em đến trạm xá. Đường xa, đêm tối, chị em lạc mấy lần. Tình trạng của bà nguy cấp, nhân viên y tế ở trạm xá lập tức chuyển bệnh nhân đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên lúc này chỉ có thể đặt sản phụ vào võng khênh đi mới may ra giữ được mạng sống cho bà. Bệnh xá huy động tám người, thay nhau gánh sản phụ chạy bộ gần 20 cây số, đến một giờ sáng mới đến được bệnh viện huyện. Thấy sản phụ đang nguy cấp là cô thanh niên xung phong năm nào, toàn bộ y bác sỹ bệnh viện tập trung cứu chữa. Đứa trẻ thứ nhất lọt lòng, cũng là lúc người mẹ ngất đi mê man. Tính mạng bà ngàn cân treo sợi tóc.
Bệnh viện huyện quyết định chuyển sản phụ cùng với đứa trẻ còn lại trong bụng lên bệnh viện tuyến trên. Ngặt nỗi, xe cứu thương thì có nhưng tài xế lại nghỉ phép về quê. Các bác sỹ chạy quanh nhà dân nhờ người quen làm nghề tài xế lái giúp. Tài xế nhận lời, nhưng xe hết xăng. Lại phải đập cửa cửa hàng xăng năn nỉ cứu người. Mua được xăng, chạy được nửa đường trời tờ mờ sáng, cũng là lúc đến trước cơ quan ông Trung làm việc. Bỗng nhiên sản phụ tỉnh và đứa trẻ tím tái đã chết trong bụng mẹ sẩy ra ngoài, cứ như là một lời oán thán bi ai người cha đã nỡ lòng bảo bỏ con từ khi mới là giọt máu.
Lần thứ hai tự vẫn cũng không thành
Người mẹ đau khổ định chôn cất đứa con bất hạnh trên quê hương mình mà không cần phải báo cho ông Trung biết. Nhưng chị bà Thảo lại bảo, phải gọi ông Trung vào. Nếu ông không đưa con về quê nội chôn cất thì mới làm như vậy. Phòng sau này ông giở chứng, “bắt đền” vì mất đi đâu một đứa con? Ông đồng ý đưa đứa con đoản mệnh về quê mình chôn cất. “Nhưng ông chỉ đắp nấm mộ sơ sài, không hề dựng cho con tấm bia mà chỉ đặt một cục gạch trước mồ. Tội nghiệp con tui quá”, bà Thảo lại đưa ống tay áo thấm nước mắt.
Cuộc sống bà ngột ngạt về tinh thần, bị hành hạ đánh đập triền miên. Nghĩ dù sao ngày trước mình là cô gái xinh đẹp, được nhiều người yêu thương, bây giờ những “người cũ” đều đàng hoàng, công thành danh toại mà mình thì quá thê thảm, bà không dám trở về quê mà một lần nữa tìm đến cái chết. Lần này, bà gom dần dần được 80 viên thuốc ngủ. Hôm đó bà đóng chặt cửa uống hết số thuốc ngủ, dần chìm vào cõi u minh. Ngôi nhà nhuốm vẻ âm khí hoang lạnh khiến mấy đứa con linh cảm điều gì bất ổn, la làng.
Mọi người phá cửa xông vào đưa bà Thảo đến bệnh viện súc ruột. Một lần nữa, bà lại phải trở về cuộc sống thực tại chua xót. Nhưng sau lần thứ hai tự tử không thành, bà quyết định vượt qua mặc cảm để ly hôn, về quê sinh sống cùng những người ruột thịt. Trong thời gian này, ông tiếp tục có quan hệ với “vợ bé”, người đã có con cùng ông. Sau đó người phụ nữ này vào Nam sinh sống. Ông Trung tìm vào nhưng chỉ ở chung được mấy tháng là phải “dội” ra Huế vì cãi vã.
Mười lăm năm đường ai nấy đi, ông lại giở chiêu bài năn nỉ hứa hẹn với bà Thảo. Nghĩ tuổi cũng đã lớn, sau bao “thăng trầm” tính tình ông Trung hẳn có thay đổi, các con cần có cả cha lẫn mẹ, nên bà Thảo đồng ý quay lại, lần nữa đi đăng ký kết hôn với ông Trung. Dường như kiếp trước bà Thảo có điều gì “nợ” ông chưa trả hết nên số phận mới “cột” bà lại với ông này.
Nhưng sau khi có thêm đứa con gái thứ ba, ông Trung lại vẫn chứng nào tật ấy, đánh đập vợ không nương tay, “qua mặt” vợ để ngang nhiên đi với... gái. Lúc ông bị tai nạn gãy chân, bà chăm sóc tận tình. Vậy nhưng, nghe bà vợ hờ gọi điện thoại bảo “em mới ra Huế, anh đi đón em” là ông liền ngâm cái chân đang bó bột vào nước cho mềm, rồi tự cắt bột để đi đón đưa nhân tình. Bà kia trở vào Nam, ông Trung sai vợ đưa đến bệnh viện “nói khó” để được đăng bột lại. Nhưng bà Thảo không làm, bảo ông tự giải quyết. Ông Trung đành tự mua thuốc uống.
Nước mắt cá sấu?
Tính tình ông không thay đổi nên bà phải vào Sài Gòn làm thuê để tránh những trận đòn chồng. Nhưng mỗi lần nghe con gái ở nhà bị ông đánh đập, bà lại đứt rột đứt gan. “Có lần trong đêm nó chạy ra cầu ngồi. Con gái lớn của tui gọi vào báo tin, tui hoảng quá, mong đừng xảy ra điều gì xấu rồi tìm cách khuyên bảo con ráng chịu mà học hành”. Đến lúc ông vào tận nhà chủ nơi bà làm quậy phá, thì bà đành trở về.
Sau tuần đầu tiên bà Thảo về nhà, trong một đêm hai mẹ con đóng chặt mọi cửa ngủ, ông thọc chiếc sào nhọn bằng tre qua lỗ hổng cửa sổ để đâm bà Thảo. Đứa con hoảng quá, ghì chặt bẻ gãy thanh tre. Bởi vậy, khi được Trung tâm bảo trợ xã hội ở địa phương nhận vào làm, bà Thảo như người chết đuối vớ được cọc. Thấy hoàn cảnh bà như vậy, trung tâm cũng đồng ý cho con gái bà đến đây ở, nuôi cho ăn học.
“Không ai bắt tui ở lại đây cả, mà tui không chịu về nhà. Tui về để bị người chồng vũ phu đánh cho chết à? Mấy đứa con tui cũng nói, ba đánh mẹ, hành hạ mẹ cả đời ni rồi, mấy đứa khuyên tui nên ly hôn. Vậy nên, tui đã gửi đơn ly hôn đến tòa án nửa tháng ni rồi”, bà ngậm ngùi.
Đưa những lời bà Thảo “tố” ra kể với ông Trung, ông thừa nhận có những sự kiện ông có vợ hờ, có con riêng, nhưng mối quan hệ đó phát sinh trong thời gian vợ chồng ông ly hôn. Ông Trung cũng thừa nhận bà Thảo tự tử hai lần không thành. Nhưng ông phủ nhận việc đánh đập vợ. Ông “tố” ngược trở lại, ông bị vợ đánh đập, nhưng không dám nói vì sợ “xấu nàng hổ ai”. Hỏi ông vì sao những những người con không có tình cảm với ông, ông Trung ậm ừ bảo có lý do, nhưng lý do gì thì ông không “bật mí”. Khi nói đến nỗi cô đơn, nhớ vợ, mắt ông Trung có nước. Người ta cũng thường hay nói đến thứ nước mắt của cá sấu, không biết trường hợp ông Trung có phải vậy không?