Quyết định chọn hai nhân vật tiêu biểu châm ngọn đuốc trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông diễn ra tại thành phố Sochi của Nga hôm 7/2 đã được giữ bí mật tới phút chót. Cho đến khi tất cả mọi người đều biết đó là ai cũng là lúc dư luận dậy sóng.
Bà Rodnina và huyền thoại khúc côn cầu Vladislav Tretiak đã cùng châm ngọn lửa cho đài đuốc Thế vận hội. Tuy nhiên, vai trò quan trọng của bà Rodnina – người từng 3 lần giành huy chương vàng tại Thế vận hội mùa Đông kiêm nghị sĩ Đảng Nước Nga Thống nhất của Tổng thống Vladimir Putin, lại bị người xem đặt câu hỏi. Bởi hồi tháng Chín năm ngoái, bà Rodnina đã cho đăng một bức ảnh mang tính phân biệt chủng tộc với vợ chồng Tổng thống Obama ngay trên mạng xã hội Twitter.
Bức ảnh được chỉnh sửa mà bà Rodnina đăng tải là hình ảnh một bàn tay cầm quả chuối giơ ra trước mặt vợ chồng ông Obama. Đây là hình ảnh thường mang tính phân biệt chủng tộc tại Nga.
Tuy nhiên, cựu vận động viên trượt băng đã không đưa ra lời xin lỗi bất chấp cáo buộc về việc phân biệt chủng tộc. Bà cho rằng tấm ảnh không có gì sai trái và chính những người bạn ở Mỹ đã gửi cho bà bức ảnh này.
Phản ứng lại, trên tài khoản Twitter, đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho rằng đây là "hành động xúc phạm, chỉ đem lại nỗi xấu hổ cho quốc hội và đất nước của bà Rodnina".
Phát ngôn viên đại sứ quán Mỹ còn trích lại một câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson để phản pháo rằng: "Cố chấp là căn bệnh của sự ngu dốt".
Bức ảnh trên tài khoản Twitter gây tranh cãi của bà Rodnina
Hiện nay, nạn phân biệt chủng tộc vẫn lan tràn tại Nga và các cầu thủ bóng đá da màu thường bị xúc phạm bằng hình ảnh quả chuối.
Năm 2011, Roberto Carlos - cầu thủ người Brazil chơi cho đội bóng Anzhi Makhachkala, đã giận dữ rời sân sau khi bị quả chuối ném từ khán đài rơi trúng người. Thậm chí, câu lạc bộ Zenit St. Petersburg đã bị phạt 6.300 bảng khi một người hâm mộ tặng Carlos một quả chuối trước trận đấu bóng.
Dưới áp lực dư luận, bà Rodnina - người từng sống tại Mỹ nhiều năm, đã xóa bức ảnh gây tranh cãi khỏi tài khoản Twitter nhưng vẫn giữ nguyên lập trường không xin lỗi trước cáo buộc phân biệt chủng tộc.
Bức ảnh của bà Rodnina đã được giới truyền thông Nga bàn tán suốt một thời gian dài với nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, một số người đã lên tiếng bào chữa cho nữ nghị sĩ.
Cựu vận động viên trượt băng Rodnina từng giành 3 huy chương vàng tại Thế vận hội mùa Đông
"Những gì Rodnina đăng trên tài khoản Twitter là việc riêng của bà ấy bởi đây là nơi thể hiện sự riêng tư. Đây không phải là một vụ scandal lớn", biên tập viên đài truyền hình Nga Vladimir Soloviev nói.
Ông Soloviev nhấn mạnh phản ứng của dư luận là quá nhạy cảm và bức ảnh không hề mang tính phân biệt chủng tộc. "Tôi khuyên những ai phê phán bà Rodnina thì lần tới khi ra quán cà phê, họ không nên gọi tắt là cà phê đen mà chuyển cách gọi cà phê Mỹ - Phi", ông Soloviev chia sẻ.