Theo Hãng tin AFP, khoảng 200 giáo viên đã hô vang “Một nhà giáo dục có giá trị hơn (ngôi sao tiền đạo) Neymar” khi chiếc xe buýt chở đội bóng vàng - xanh luồn lách qua đám đông người biểu tình từ sân bay quốc tế Rio de Janeiro để tới trại huấn luyện ở Teresopolis.
Người biểu tình tìm cách chặn đứng chiếc xe buýt nhưng bất thành. Bất chấp sự hiện diện dày đặc của cảnh sát, người biểu tình vẫn kìm chân đoàn xe chở các cầu thủ Brazil đủ lâu để dán nhiều biểu ngữ chống World Cup lên thân chiếc xe buýt trước khi nó đi được ra tới đường cao tốc.
Bên ngoài khu huấn luyện cũng có rất nhiều người tập trung để biểu tình phải đối World Cup. Dù vậy, giám đốc kỹ thuật đội tuyển Brazil Carlos Alberto Parreira khẳng định phần lớn cổ động viên bóng đá Brazil vẫn ủng hộ nhiệt thành đội nhà.
“Các bạn nghĩ thế nào thì tùy, tôi tin rằng đội tuyển quốc gia là di sản văn hóa và thể thao của dân tộc Brazil. Người dân sẽ ủng hộ đội bóng trong suốt cả World Cup. Tôi không hề nghi ngờ điều đó. Sẽ không ai chống lại selecao (đội tuyển Brazil)” - ông Parreira, cựu HLV từng đưa Brazil đến chiến thắng tại World Cup 1994, nhấn mạnh.
Ông cho biết trong suốt quãng đường 100km từ sân bay đến khu huấn luyện, cứ mỗi khi xe buýt chở đội bóng dừng lại là có rất nhiều người cổ vũ, hoan hô đội bóng. Bóng đá là niềm đam mê của đất nước Brazil và các cổ động viên rất tôn thờ đội tuyển quốc gia, đã đoạt năm chức vô địch World Cup, một kỷ lục.
Tuy nhiên, giới truyền thông đặc biệt chú ý đến làn sóng biểu tình chưa từng thấy tại Brazil. Ở Rio, các giáo viên biểu tình từ ngày 12/5 để đòi tăng lương thêm 20%. Hậu quả của tình trạng này là nhiều cổ động viên trung thành đến khu huấn luyện để xem các cầu thủ Brazil luyện tập đã phải thất vọng vì họ không xuất hiện công khai.
“Tôi đến đây từ Mage (cách đó 40 km) để xem Neymar nhưng đáng buồn là chẳng thấy gì. Chiếc xe buýt chạy vèo đi mất” - cổ động viên Marineide, 40 tuổi, đi cùng hai cô con gái, than thở.
Để đảm bảo đội tuyển Brazil chuẩn bị cho World Cup trong điều kiện tốt nhất, hồi đầu năm, liên đoàn bóng đá nước này đã nâng cấp khu huấn luyện Granja Comary. Khu này có 39 phòng ngủ với giường cỡ lớn và vài sân tập hiện đại.
Chính những khoản đầu tư lớn đó đã khiến nhiều người Brazil bức xúc vì họ muốn chính phủ phải đầu tư tiền thuế của dân vào hạ tầng, y tế và giáo dục. Bên ngoài khu huấn luyện, một nhóm người biểu tình giơ cao biểu ngữ: “Hàng tỷ cho World Cup, không có nhà cho các nạn nhân lũ lụt năm 2011. Có công bằng hay không?”
Năm 2011, khi Tổng thống Brazil Dilma Rousseff mới lên nhậm chức, mưa lớn gây lũ lụt ở Teresopolis làm hơn 900 người thiệt mạng. Giáo viên địa phương Rosangela Castro bức xúc: “Việc chính phủ chi 7 triệu USD để nâng cấp khu huấn luyện này và hàng tỷ USD cho World Cup là một xìcăngđan lớn”.
Cảnh sát sẽ phải canh gác 24/24 bên ngoài khu huấn luyện Granja Comary để đề phòng bạo loạn. Làn sóng đình công và biểu tình đã lan rộng ở Brazil từ nhiều tháng qua và thời gian gần đây, giới cảnh sát, giáo viên, bảo vệ ngân hàng và tài xế xe buýt liên tục đình công, gây xáo động xã hội.
Tại giải Confederations Cup hồi năm ngoái, hàng triệu người Brazil đã đổ ra đường biểu tình, có lúc gây bạo động, khiến uy tín của nước chủ nhà Brazil giảm sút. Những cuộc biểu tình gần đây có quy mô nhỏ hơn nhưng cực đoan hơn.
Các tuyển thủ Brazil sẽ bắt đầu tập tại khu Granja Comary từ ngày mai (28/5) và trải qua các cuộc kiểm tra thể lực sau một mùa bóng dài ở châu Âu. Có tổng cộng 18 trong tổng số 23 cầu thủ Brazil chơi bóng tại châu Âu.
Ngày 3/6, họ sẽ đến thành phố miền trung Goiania để đá giao hữu với Panama. Ba ngày sau đó, họ sẽ chơi trận giao hữu cuối cùng trước Serbia tại Sao Paulo. Đội tuyển Brazil sẽ đá trận khai mạc World Cup trước Croatia vào 3h ngày 13/6 (giờ VN).