Trước đó, như đã phản ánh, suốt nhiều ngày qua sau khi phát hiện nơi con tàu cổ chìm có nhiều cổ vật gốm sứ, nhiều dân chài đã đến đây để săn lùng, rồi bán cho giới đồ cổ.
Mua bán trong đêm
Sau nhiều giờ thuyết phục, cuối cùng K - một thợ lặn đồ cổ ở thôn Châu Thuận - đồng ý dẫn chúng tôi đi xem việc vận chuyển và mua bán đồ cổ đang diễn ra tại đây, với điều kiện "không chụp, hình ghi âm". 20h, sau khi ra hiệu xuất phát, K dẫn chúng tôi đi dọc trên bãi cát ở gần khu vực neo đậu tàu. Đưa tay chỉ người đàn ông đang đi nhanh từ biển về xóm, K nói nhỏ: Đó là thằng T ở cùng xóm. Nó đang mang đồ (cổ vật) lặn được về nhà.
"Không như mấy ngày trước đó, từ ngày 8/9 đến nay, trước sự tăng cường bảo vệ, ngăn chặn của lực lượng chức năng, toàn bộ đồ cổ lặn vớt được vào ban ngày, ngư dân đều giấu kỹ trên tàu, đợi đêm tối mới chia nhau và lần lượt mang về cất, bán" - K giải thích.
Qua gần 1 giờ quan sát, chúng tôi thấy có 10 trường hợp vận chuyển cổ vật vớt được từ tàu vào bờ theo kiểu như T. Đến khoảng 21h, sau khi nghe điện thoại, K liền đưa chúng tôi đến một ngôi nhà nằm ở xóm trên.
Ra hiệu cho chúng tôi đứng chờ ngoài cổng, K bước nhanh vào trong sân và vài phút sau mới quay ra và dẫn chúng tôi vào. Trong căn buồng nằm gần gian bếp, sau khi ngước nhìn những vị khách mới đến, người đàn ông (khoảng 50 tuổi), tiếp tục săm soi 6 cái chén, tô cổ rồi chốt giá 135 triệu đồng.
X - ngư dân và là chủ nhân số đồ cổ trên sau hội ý với bạn đã gật đầu đồng ý bán. Sau khi trả tiền, gói số cổ vật vào túi vải cẩn thận, người đàn ông cùng với môi giới bước nhanh ra khỏi nhà và biến mất trong màn đêm.
Cổ vật quý biến mất...
Trên đường về, K cho biết: Kể từ khi phát hiện và lặn vớt từ ngày 7/9 đến nay, tôi nghe số thợ lặn trong thôn đã bán được 5 đợt cổ vật. Trong đó, trúng nhất là D với nhiều lần bán 30 chiếc đĩa, thu về 1,2 tỷ đồng. Thông tin này sau đó, chúng tôi được một cán bộ ở UBND xã Bình Châu xác nhận: Chúng tôi đã tìm hiểu và biết được ngoài thợ lặn D, một người khác tên Đ cũng bán được số cổ vật với giá gần 2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là đĩa lớn.
Theo K, ngoài 2 trường hợp D và Đ, số cổ vật mà ngư dân Châu Thuận vớt được và bán vừa qua chỉ là cỏn con, nhỏ lẻ và ít giá trị, như chén, tô, đĩa nhỏ có đường kính từ 25cm trở xuống, với số tiền thu về chỉ từ 100-200 triệu đồng/đợt. Số cổ vật có giá trị lớn như đĩa màu xanh ngọc có đường kính từ 35-40cm được giới buôn đồ cổ mua với giá 40 triệu đồng/cái, vẫn đang được người dân cất kỹ do sợ bị lực lượng chức năng thu.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, xác nhận: Số cổ vật mà ngư dân Châu Thuận vừa khai thác là đồ gốm sứ thuộc thời Minh (Trung Quốc), ở thế kỷ XV. Tuy không biết giá bán trên thị trường cụ thể là bao nhiêu, thế nhưng khẳng định đây là số cổ vật có giá trị rất lớn.
Hiện nay chưa ai biết dưới con tàu đắm có bao nhiêu cổ vật, thợ lặn đã lấy được bao nhiêu và còn lại bao nhiêu. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là với sự vào cuộc chậm trễ, thiếu quyết liệt của chính quyền và ngành chức năng, nhiều cổ vật quý đang dần bị “chảy máu”...