Thời điểm này, anh Ông Văn Thuận (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chủ ghe rớ, cất lưới ở vùng biển cách bờ chừng 1km. Thấy lưới nặng, anh Thuận tưởng bắt mẻ cá lớn. Tuy nhiên, khi vừa kéo lên khỏi mặt nước, anh Thuận bất ngờ phát hiện “sinh vật lạ” giống hải cẩu.
Lập tức, anh Thuận kéo vào bờ, cho vào sọt để nằm sát mé biển và điện báo cơ quan chức năng. Đông đảo người dân hiếu kỳ kéo đến xem. Hải cẩu nặng chừng 30g, màu trắng sám, có nhiều đốm đen.
Theo anh Thuận, những ngày qua, anh thả lưới nhưng kéo được rất ít tôm cá. Mẻ lưới đầu anh chỉ kéo được vài chục cân cá, bán được hơn 500 ngàn đồng. Đến mẻ sau, anh chỉ kéo được… 1 chú hải cẩu.
“Hải cẩu vào ăn cá, hải sản của ngư dân và phá lưới. Mẻ lưới gặp hải cẩu tôi không kéo được con cá nào. Lưới bị hư hỏng nhiều”, anh Thuận nói.
Trước đó, ngày 8/7, một ngư dân bắt được hải cẩu nặng chừng 30kg, khá giống chú hải cẩu do anh Thuận vừa bắt được. Nhiều ngư dân cho biết, rất có thể đây là hải cẩu lần trước được thả lại vùng biển tự nhiên và quay vào ăn cá ngư dân, dính lưới. Cơ quan chức năng cần thả hải cẩu xa bờ, ít nhất cách bờ hơn 30km để hạn chế tình trạng này.
Anh Thuận và chú hải cẩu vừa bắt được.
Ông Dương Hiển Đông - Chánh thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản Đà Nẵng) cho biết, rất khó để phân biệt đây có phải hải cẩu ngư dân đã bắt được trước đó hay không.
Người dân hiếu kỳ xem hải cẩu.
Theo quy định người dân, khi bắt được động vật quý hiếm phải tự giác giao nộp để thả về tự nhiên. Cơ quan chức năng phối hợp để đưa hải cẩu thả về ở vùng biển cách 30km.