'Ngôi làng' lênh đênh giữa lòng Hà Nội

Ít ai có thể ngờ rằng, giữa thủ đô phồn hoa này, lại vẫn có những con người đang sống cảnh tối tăm, “không ánh sáng”, lênh đênh cùng con nước trên sông.

Điện, nước sạch là những thứ “đáng mơ ước”

Đến với xóm chài, hay có người còn gọi là xóm bè, thuộc phường Phúc Xá, quận Long Biên (Hà Nội), chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi cuộc sống khốn khó của những cư dân nơi đây.

Khung cảnh hoang tàn, tiêu điều cùng những mái lều lụp xụp trôi nổi trên sông, đường vào phủ kín những lớp phù sa nhầy nhụa khiến lúc nào cũng trơn trượt, lầy lội, bao quanh là những khu đất trồng rau, và các bãi sậy mọc um tùm… Có lẽ khi nhìn thấy hình ảnh ấy, người ta sẽ nghĩ ngay về một vùng quê xa xôi, hẻo lánh và vô cùng nghèo khó. Ấy thế nhưng, nó lại chẳng ở đâu xa mà tồn tại ngày giữa thủ đô tráng lệ.

Họ sống bằng nghề chài lưới.

Khu xóm chài có khoảng 14-18 gia đình cùng chung sống, hầu hết đều là những người từ tỉnh lẻ, đã sống lâu năm, gia đình lâu nhất như gia đình ông Quang cũng đã gắn bó với cái “xóm lênh đênh” này hơn 30 năm nay, sinh sống bằng nghề đánh cá.

Mọi sinh hoạt đều trầm lắng, không khí lúc nào cũng im lìm.

Trong khung cảnh đìu hiu những ngày cuối năm, chúng tôi nghe tiếng cười trẻ con phát ra từ túp lều lụp xụp của gia đình bà Trần Thị Tuyết (Hưng Hà, Thái Bình). So với bao gia đình khác trong xóm chài nhỏ bé này, nhà bà Tuyết vẫn được coi là “có điều kiện” hơn, vì ít ra còn có điện để dùng. Bà Tuyết tâm sự: “Dân ở đây nghèo lắm, nên quanh năm có khi không dám dùng điện, sợ tốn tiền. Nhưng nhà tôi có trẻ con, nghĩ không có điện thì thương chúng nó quá, nên cố “cắn răng” dùng điện. Điện muốn dùng cũng phải xin ròng từ nhà dân ở trên bờ xuống”.

Nước sạch ở đây cũng là một sự hiếm hoi, bởi cuộc sống lên đênh trên sông, lấy đâu ra nước sạch. Vì thế các hộ dân ở đây phải mua nước của dân bơm từ trên bờ xuống, rồi mỗi lần dùng nước lại phải lặn lội đi gánh về. Như bà Tuyết năm nay cũng đã gần 70 tuổi mà ngày nào cũng phải đi một đoạn xa để gánh nước về dùng. Có hôm đau ốm không gánh được thì không có cả nước nấu ăn và nước sinh hoạt. Bà kể: “Mùa cạn này còn đỡ, đi gánh nước dù đường khó đi cũng không đến nỗi khổ như mùa nước. Mùa nước to, có những hôm trời rét căm căm mà tôi vẫn phải lội đến bụng để đi gánh nước về dùng”.

Túp lều lụp xụp của gia đình bà Tuyết.

Trẻ em nơi đây nếu chưa đến tuổi đi học cũng rất ít khi được “lên bờ”, tuổi thơ của chúng đã sớm gắn liền với sông, với nước, với cỏ, với cây. Còn những đứa lớn hơn, vì không có tiền đi học nên được theo học tại những lớp tình thương, coi như đó cũng là một niềm may mắn lớn.

Sống trên sông, chấp nhận lênh đênh cùng con nước, những người dân nơi đây còn phải chịu những trận rét tê tái của mùa đông, khi gió lồng lộng thổi đến rát mặt mà không thể che chắn, bởi những túp lều đã quá đỗi tồi tàn rồi. Có nhà chỉ có 2 vợ chồng già, tất cả đồ đạc trong lều cũng không có một thứ gì đáng giá, chỉ có một cái nồi, với cái chảo cũ để nấu ăn, lay lắt sống qua ngày.

Nghề chính của những cư dân xóm chài là nghề nhặt ve chai, phế liệu, ngày nào cực nhọc cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn, chính vì thế mà cuộc sống của họ cứ mãi bấp bênh.

Ước mơ “lên bờ” còn xa vời lắm!

Trước căn lều lụp xụp, tồi tàn chỉ rộng chừng 7m2, bà Nga (65 tuổi, quê Thái Bình) trải lòng: “Nhà tôi sống ở đây đã hơn 10 năm rồi, chỉ có hai vợ chồng già nên cuộc sống nghèo càng trở nên cô quạnh hơn. Có 2 đứa con thì đều đã xây dựng gia đình ở trên bờ rồi, thi thoảng mới xuống thăm bố mẹ. Vợ chồng tôi bình thường thì đi nhặt phế liệu để sống qua ngày, nhưng từ đợt rét tới giờ, hết vợ đến chồng thay nhau ốm nên chẳng làm ăn được gì. Có lẽ tuổi già của chúng tôi không còn đủ sức chống trọi với cái giá lạnh giữa bãi sông nữa rồi”.

 

Khung cảnh hoang tàn, đìu hiu nơi xóm chài ven sông.

Mười mấy năm nay, hai vợ chồng bà cùng một số cư dân xóm chài đã quen sống với bóng tối, bởi họ không có tiền để dùng điện. Ban đêm, họ sinh hoạt nhờ những tia sáng leo lét phản chiếu xuống từ những bóng đèn cao áp trên cầu Long Biên. Có lẽ sống trong bóng tối cũng đã quen, nên mọi sinh hoạt của họ dường như cũng dễ dàng hơn. Mùa cạn thì bà trồng rau và nuôi thêm mấy con gà, mùa nước thì cứ lênh đênh trên sông, kiếm được gì ăn nấy, có hôm chỉ có tí cơm trắng với rau xanh.

Sinh hoạt của cả gia đình đều diễn ra trên con thuyền lụp xụp, tồi tàn.

Cũng như bà Nga, bà Tuyết thường xuyên bươn trải cuộc sống bằng việc ban đêm lên các khu chợ đầu mối để nhặt tôm, nhặt phế liệu. Có những hôm trời rét như cắt da cắt thịt, giữa đêm khuya bà phải lên chợ Long Biên nhặt nhạnh các thứ để đổi lấy 20.000 đồng mua gạo ăn.

Biết cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, cũng đã có nhiều các nhà hảo tâm và các đoàn tài trợ giúp đỡ, quyên góp cho họ, nhưng dường như những sự giúp đỡ ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với cái nghèo đói đang đè nặng lên thân phận nhỏ nhoi của những cư dân xóm chài.

Vào mùa nước cạn, người ta phải kê tạm vài tấm vái, trải bao tải lên trên để đi lại cho đỡ bẩn.

Tết đang đến rất gần, nhưng những cư dân nơi đây lại xem Tết là một nỗi buồn, bởi trong khi người ta được đoàn tụ, vui vẻ với gia đình mỗi dịp Xuân về, họ lại càng trở nên lẻ loi ở giữa bãi sông Hồng mênh mông, đơn giản chỉ vì họ không có tiền về quê ăn Tết.
 
Hỏi về dự định rời bỏ những túp lều lênh đênh trên sông để tìm một chỗ ổn định sinh sống, bà Nga trả lời bằng một giọng đầy chua xót: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được lên bờ ở cả, trong khi bữa ăn hàng ngày còn không đủ thế này thì ước mơ lên bờ còn xa vời lắm!”.