Ngô Phương Lan: Hoa hậu không phải một danh xưng đặc biệt

"Mọi người luôn cho rằng tôi được sống trong nhung lụa từ tấm bé, trong một thế giới đầy hoa hồng. Nhưng trên thực tế cuộc sống mỗi người đều có những khó khăn riêng nên sự đánh giá của mọi người về người nào đó chỉ đúng một phần."

Đi thi hoa hậu vì tò mò khi tất cả người thân trong gia đình đều quan tâm đến cuộc thi, Ngô Phương Lan bất ngờ giành vương miện. Nhưng cuộc sống dạy cô, trong xã hội vị trí của mỗi người cần được coi trọng như nhau nên cô thấy bất ngờ khi trở về Việt Nam danh hiệu của mình lại trở thành sự quan tâm của nhiều người đến vậy. Coi đó là một may mắn nhưng Ngô Phương Lan đã và đang cố gắng để đáp lại sự yêu mến của công chúng không phải bằng những ảo tưởng mà bằng những việc làm thiết thực của mình.

Tôi luôn thấy mình may mắn

Tìm hiểu về chị được biết chị là người thích rượu. Tại sao vậy?

Cái này không phải là đam mê, chỉ là sở thích riêng. Trong tôi có một chút máu nghệ thuật và những đam mê về văn hóa nên tôi tìm hiểu về lĩnh vực đó và ngày càng bị cuốn hút.

Năm trước tôi định mở một câu lạc bộ rượu vang, có không gian chơi nhạc sống và nhạc jazz được bạn bè và bố mẹ rất ủng hộ. Tiếc là vì bây giờ tôi đang tập trung cho công việc mở viện nghiên cứu riêng nên tạm thời phải dừng lại. Hy vọng một ngày khi công việc ở viện đã ổn tôi sẽ quay trở lại.

Hoa hậu Ngô Phương Lan

Có vẻ sự trở về nước của chị sau khi đoạt vương miện đã được trải thảm đỏ?

Khi trở về tôi rất bỡ ngỡ, nhưng đến hôm nay tôi luôn cho rằng mình rất may mắn khi đã tham gia và đoạt danh hiệu trong cuộc thi đó. Trở về là để hoàn thành trách nhiệm với cuộc thi và xã hội. Tuy nhiên, tôi đánh giá mình là người hết sức bình thường, chỉ là có chút may mắn. Khi ở Thụy Sĩ tôi học cùng lớp với hoa hậu nước này, bạn ấy được nhìn nhận như một người thường. Lớn lên ở một đất nước mà người xung quanh coi vương miện cũng chỉ là một thứ bình thường, tôi nghĩ mình không dễ bị rơi vào ảo tưởng.

Nhưng chị có thừa nhận ở Việt Nam vương miện hoa hậu được đánh giá cao hơn và điều đó có khiến chị bất ngờ?

Tôi nghĩ văn hóa của mỗi nơi sẽ đánh giá giá trị này cao hơn giá trị kia ở những thời điểm khác nhau. Một ví dụ rất nhỏ, ở Thụy Sĩ một đầu bếp nổi tiếng thì được xếp vào danh sách người nổi tiếng nhưng ở Việt Nam thì không, người Việt Nam thích những cuộc thi sắc đẹp, những mẩu chuyện trong làng giải trí. Và điều đó khi trở về tôi cũng phải học để thích nghi.

Vậy chị đã đăng ký tham gia cuộc thi vì lý do nào khi chị nhận thấy hoa hậu không phải là một danh xưng đặc biệt?

Tôi thích cái đẹp, thích nhìn những người đẹp, cảnh vật và nghệ thuật và tôi nghĩ trong cuộc sống con người đa phần là như thế. Trước khi tham gia cuộc thi tôi chưa từng nghĩ đến, chưa bao giờ để ý đến những cuộc thi như vậy. Tôi đi thi vì thấy lạ khi gia đình mình ai cũng quan tâm tới cuộc thi. Điều đó đánh vào trí tò mò của tôi. Mẹ tôi bảo: “Đây có thể là một thử thách, nó khác với tất cả những thử thách mà con đã trải qua, vậy tại sao con không thử rồi sau đó đánh giá nó sau”. Và thế là tôi đồng ý.

Cuộc sống dạy tôi cách suy nghĩ nhiều chiều

Sinh ra trong một gia đình ngoại giao, chị được thừa hưởng cách nhìn về cuộc sống luôn rộng mở, chị có thêm điều gì trong cuộc sống?

Mọi người luôn cho rằng tôi được sống trong nhung lụa từ tấm bé, trong một thế giới đầy hoa hồng. Nhưng trên thực tế cuộc sống mỗi người đều có những khó khăn riêng nên sự đánh giá của mọi người về người nào đó chỉ đúng một phần.

Tôi từng gặp khó khăn khi phải di chuyển nhiều trong quá trình học tập. Sinh ra ở Thụy Sĩ, đi học ở Pháp và sau đó lại quay về Thụy Sĩ học, tôi đã phải học qua hệ thống Mỹ, Anh, Pháp và Thụy Sĩ. Một chi tiết rất đơn giản như khi học về chiến tranh thế giới thứ nhất nhé, mỗi đất nước sẽ nhìn nhận và đánh giá nó theo khía cạnh của riêng họ. Vậy mà một cô bé đang lớn, đi học muốn được điểm cao thì sẽ phải trả lời như thế nào cho đúng trước một câu hỏi khi cô bé ấy từng học ở những trường học mà thậm chí quan điểm về cuộc chiến ấy trái ngược nhau. Qua những sự việc đó tôi tự phải tìm sự cân bằng bằng cách bước lại một bước để đánh giá lại mọi thứ ở góc nhìn của người thứ hai.

Tuy nhiên, là một người đánh giá cao sự hòa đồng và muốn tìm hiểu sâu về văn hóa mỗi vùng đất đi qua tôi nghĩ những sự thay đổi này cũng là một khó khăn tôi phải vượt qua để đạt được mong muốn của mình.

Chị ví dụ một chi tiết về lịch sử mà tôi thấy nó rất thú vị. Chị có nghĩ vì ngay từ bé mình có điều kiện nhìn thấy sự phát triển xã hội dưới nhiều góc độ như thế nên mình cũng có sự trưởng thành sớm hơn các bạn khác không, ít nhất là cách nhìn một hiện tượng không còn phiến diện?

Tôi nghĩ có phần nào, bản thân mình biết chấp nhận những điều khủng khiếp hay khó khăn, mình sẽ không nhìn thấy và đánh giá ngay là nó thật khủng khiếp hay xấu xa mà biết đặt mọi thứ dưới góc nhìn nhiều chiều. Tuy nhiên, vì điều đó cũng biến mình thành một con người hay suy nghĩ. Nhưng hơn cả, tôi thấy nó rất thú vị, vì mình sẽ không nhìn mọi thứ ảnh hưởng tiêu cực.

Vậy mong muốn góp sức cho Việt Nam phát triển hiện hữu thế nào trong dự án chị đang nghiên cứu?

Tôi có sự đánh giá riêng, nhìn nhận thấy nhiều vị trí trong xã hội Việt Nam chưa được mọi người đánh giá đúng. Nhiều người làm việc trong các lĩnh vực phục vụ như phục vụ khách sạn, nhà hàng đa số chỉ làm vì thu nhập chứ không có đam mê. Trong khi đó, ở nước ngoài tôi đã chứng kiến có những người đã làm vị trí đó suốt đời một cách say mê.

Tôi suy nghĩ, đánh giá công việc trong xã hội không nên phân biệt sự cao thấp mà nên nhìn vào sự cần thiết. Bởi các công việc là cần thiết như nhau và mỗi người có vai trò riêng trong việc thiết lập và hình thành xã hội. Tôi muốn qua việc thành lập viện nghiên cứu này sẽ có các chương trình đào tạo chuyên nghiệp để mọi người có cơ hội đánh giá đúng về nghiệp vụ và vị trí của mình.

Cảm ơn những chia sẻ của Ngô Phương Lan.