Sống ảo...
Theo thông tin từ Viện sức khỏe tâm thần, hiện nay có rất nhiều người tới viện khám và điều trị tâm thần do nghiện game, nghiện internet, nghiện facebook...
Trường hợp điển hình là em Nguyễn Thanh Sơn, đang học lớp 11 tại Hà Nội. Sơn mới được gia đình cứu sống sau khi uống thuốc ngủ tự tử.
Qua lời kể của Sơn khi đang điều trị tại Viện tâm thần, Sơn đã quen và yêu một người bạn gái trên mạng internet, hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp, thậm chí còn xưng hô với nhau là vợ - chồng. Tuy nhiên, khi gặp mặt ở ngoài đời thực thì Sơn lúng túng nói không nên lời. Qua hai lần gặp mặt thì "bạn gái online" của Sơn đã chủ động nói lời chia tay vì cho rằng Sơn bị tự kỷ.
Sơn cho biết thêm: "Cũng không biết tại sao, em chỉ cảm thấy mình tự tin khi nói chuyện online, còn khi ra ngoài đời thực thì em chẳng biết nói gì, làm gì. Sau khi bị chia tay, em chat nói thế nào bạn gái cũng không quay lại. Em chỉ cảm thấy đau khổ, lo âu, tự ti mặc cảm về bản thân mình, cảm thấy mình không đáng sống nên chết đi”.
Khác với Sơn, Thanh Quang 14 tuổi, ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tâm thần hoảng loạn. Quang luôn nghĩ mình là Tôn Ngộ Không và tất cả những người xung quanh là yêu quái và phải giết chết hết. Khi các bác sĩ khám kiểm tra thì phát hiện Quang bị loạn thần, hoang tưởng do nghiện game.
Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, có lần Quang dùng gậy gỗ gõ vào đầu bố mình vì tưởng ông là Ngưu Ma Vương. Thậm chí còn dùng kéo cắt tóc mẹ vì tưởng bà là yêu tinh nhện.
Giống như tình trạng của Sơn và Quang, tại Viện tâm thần nhiều thanh niên trong độ tuổi từ 10 đến 20 đang phải điều trị tâm thần vì nghiện game, nghiện sex, nghiện internet.
... Tâm thần thật
Theo bác sĩ Thân Thái Phong, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tâm thần TƯ 1: “Việc vùi đầu vào máy tính, vào những giao tiếp ảo làm cho thế giới của nhiều người trẻ thu hẹp lại. Thời gian dành cho thế giới ảo qua màn hình vi tính ngày càng nhiều còn thời gian, giao tiếp cho thế giới thật bị cắt xén đi. Đặc biệt, khi thế giới thật không được như ý, thì giới trẻ càng xa lánh nó để đắm chìm vào thế giới ảo".
Những người nghiện game, internet thường thiếu khả năng kiểm soát về hành vi, không làm chủ được hành vi của mình. Từ đây có thể dẫn đến nhiều hành vi khác, trong đó có cả việc tự tử… Người chơi game quá độ và lâu dài cũng có thể bị chính những trò chơi đó ám ảnh không phân biệt được đâu là thật, đâu là game, đưa game ra cuộc sống thật, coi mọi hành động ở cuộc sống thật như trong game.
Bác sĩ Phong cho biết thêm, với những người sử dụng máy tính nhiều trong thời gian quá dài (trên 8 tiếng 1 ngày) khi vì một lý do gì đó mà không được sử dụng máy, hoặc không có máy tính để dùng sẽ dễ rơi vào tình trạng bải hoải, bồn chồn, khó chịu, giống như nghiện game vậy. Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để có máy tính để sử dụng thì mới cảm thấy yên tâm.
Bên cạnh đó việc dùng lâu bàn phím có thể dẫn tới những chấn thương các ngón tay không đáng có, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt và các phản ứng cơ thể như mỏi mệt, căng thẳng, kém tập trung chú ý. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.
Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).