Nghịch tử đánh cha mẹ còn dọa tạt axít, "chẻ đầu"

Công an phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên vừa tổ chức họp dân để kiểm điểm Phạm Hồng Đức vì nhiều lần gây mất an ninh trật tự và có hành vi ngược đãi cha mẹ.

Vào rất sâu trong ấp, chúng tôi mới đến được nhà Phạm Hồng Đức (SN 1984, ngụ khóm Tây Huề 2). Gặp khách, trong đó có một Cảnh sát khu vực, Đức khoanh tay chào rất lễ phép. Rồi anh ta nạt lớn một bà cụ đang bước ra: “Kiếm nước cho mấy anh này uống lẹ coi!”. Người đó chính là mẹ ruột anh ta – bà Trần Thị Cúc (sinh năm 1941).

Trong nhà, chỉ có chiếc phản và chiếc tủ bàn thờ là vật đáng giá nhất. Thậm chí, nền nhà vẫn chưa được lót gạch, mà chỉ nhấp nhô những ụ đất đắp qua loa. Từ trước ra sau, căn nhà cứ thông thống... Như hiểu cái nhìn của tôi, bà khẽ lắc đầu: “Đồ đạc có còn gì đâu cô ơi, nó đập nát hết rồi, từ chén ăn cơm tới cái thùng nước đá. Vợ chồng tôi đành phải đem đi giấu các món đồ khác, chứ tiền đâu mà sắm hoài. Nhà trống huơ trống hoác vậy cho vừa lòng nó!”.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện, Đức cứ đứng bên cạnh, tỏ thái độ hăm dọa phóng viên hoặc nạt mẹ mình vì “nói thêm nói bớt”. Cảnh sát khu vực buộc phải mời anh ta ra ngoài để tránh xảy ra chuyện.

Xen lẫn tiếng thở dài, bà Cúc kể lại cuộc sống đau khổ của mình. Hai vợ chồng bà sống với nhau được 7 người con, Đức là con trai út. Trong khi nhiều anh chị em khác chí thú làm ăn, thì Đức vẫn thong dong… đi nhậu. Ngặt một nỗi, khi có rượu, Đức thường xuyên dùng lời lẽ thô tục chửi rủa và rượt đánh cha mẹ mình.

“Nó cứ lôi cha mẹ ra mà chửi như tát nước. Không vừa lòng cái gì thì chửi cái ấy. Nhiều bữa, nó đi đâu về, nghe tiếng nó ngoài cửa là hàng xóm lẫn gia đình tôi liền tắt đèn, tắt tivi, đóng cửa lại giả vờ ngủ. Vậy mà nó cũng cố kiếm cho ra chuyện để chửi. Có hôm tôi đang ngủ, nửa khuya nó lôi đầu tôi dậy, đánh tôi bầm tím mình mẩy.

Tôi già thế này rồi, làm sao chống lại sức trẻ của nó, đành cắn răng chịu trận đòn. Có khi, nó hăm đòi tạt axít, hoặc “chẻ đầu” cha mẹ nó. Tôi khóc với chồng hàng trăm lần: Không lẽ mình tự vẫn cho khỏe cái thân, chứ sống kiểu này hoài sao chịu nổi?”.

Hơn 10 năm nay, Đức cứ hung hãn như thế. Chịu không xiết đứa con ngỗ ngược, cha mẹ Đức thay phiên nhau “lánh nạn” nhà con cháu. “Bữa nào ổng buồn bực mà đi, tôi ở lại mệt mỏi với nó vô cùng. Tôi qua nhà đứa con gái kế bên, Đức cũng sang kiếm chuyện, chửi mắng, thậm chí dỡ nhà chị nó. Con gái tôi buộc phải rào khuôn viên nhà lại, cắt đứt mối quan hệ với thằng em không ra gì. Những đứa con khác cũng hiếm khi về thăm nhà, vì tụi nó không muốn chạm mặt Đức”.

Câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi Đức hành hung ông Phạm Văn Hận, cha ruột anh ta. Vài tuần trước, trong một trận chửi mắng cha mẹ “như thường lệ”, Đức bị họ la ngược lại vài tiếng. Thế là, hắn rượt theo ông Hận để “nói chuyện”. Ông Hận vội bơi xuồng qua sông để tránh đòn thì Đức vốc một nắm ớt bột ném vào mặt cha mình. Vốc ớt ấy đã làm ông Hận điều trị nhiều ngày mới mở mắt ra được. Nhưng ông đã vĩnh viễn mất 30% thị lực, mắt mờ hẳn so với trước.

Từ sau khi bị kiểm điểm trước dân, Đức ít quậy hơn trước, nhưng vẫn đều đều chửi mắng cha mẹ. Bà Cúc nhói lòng: “Làm cha mẹ, tôi đâu muốn con mình bị chính quyền địa phương đưa ra giáo dục như thế. Nó đánh tôi 10 lần, tôi chỉ dám báo 1 - 2 lần, cũng vì muốn bảo vệ nó. Nhưng đến mức thế này thì tôi không thể nào che chở được nữa. Vợ chồng tôi không thể dạy con thì phải cậy nhờ cơ quan chức năng giáo dục tiếp, để nó trở thành người lương thiện. Nhưng nó vẫn còn bướng lắm. Hễ có ai đó đến nhà nói chuyện về nó, một lát mọi người về hết thì nó lại quay sang chửi mắng vợ chồng tôi…”.

Quả thật, chia tay bà, chạy xe vòng qua bờ kênh bên kia, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng bấc tiếng chì của Đức. Người mẹ già lưng còng nhẫn nại ra năn nỉ con vào nhà. Ánh mắt mờ đục của bà dường như tối hơn, khi chiều vừa tắt nắng.