Nghịch lý của đội tuyển Việt Nam

Nghịch lý ở đây không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực chuyên môn mà cả sự lạnh nhạt từ dư luận dù đội tuyển nam là đại diện số một cho cả nền bóng đá quốc gia.

Tất nhiên, đội tuyển nào, từ lứa U đến lớn, từ nữ tới nam, từ bóng đá sân cỏ đến futsal, khi đã thi đấu quốc tế chính thức thì cũng đều là đội tuyển quốc gia. Nhưng khái niệm ấy với bóng đá Việt đôi khi khá nhạt nhòa, nguyên nhân chính xuất phát từ căn bệnh thành tích.

Việc đặt kỳ vọng vào từng đội tuyển, từng giải đấu là dễ hiểu, nhưng tính từ năm 1991, khi bóng đá Việt Nam trở lại với sân chơi quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 16 tại Philippines và tới nay khi chúng ta vẫn chưa thể vượt nổi tầm khu vực, thì đã thành lệ: Mối quan tâm thực sự của người hâm mộ, lẫn cả giới chuyên môn trong nước được chia thành “chu kỳ một năm” lần lượt dành cho hai đội tuyển nam. Đó là đội tuyển nam quốc gia với những năm có Tiger Cup trước đây cùng AFF Cup sau này và đội tuyển U23 nam quốc gia tại  SEA Games.

Đơn giản, đây không chỉ là hai giải đấu hàng đầu của vùng trũng Đông Nam Á mà bóng đá Việt dù đã cố cũng mới chỉ một lần lên đỉnh (vô địch AFF Cup 2008) mà còn bởi, đó là những sân chơi vừa sức có khả năng tranh chấp cao, trong lúc châu Á đã là giấc mơ xa, nói gì đến Olympic, World Cup ! Vài năm trở lại đây, khi những lứa U, kể cả lứa U19 vừa nổi lên, hay bóng đá nữ sau nhiều lần lên ngôi hậu và đang cận kề giấc mơ World Cup, cũng không có được sự quan tâm đầy đủ, lẫn sức ép lớn giống như hai đội tuyển bóng đá nam.

Đội tuyển nam quốc gia hiện đang dự vòng loại Asian Cup 2015 cũng không nằm ngoài vòng xoáy chu kỳ trên. Trong một năm diễn ra SEA Games, đương nhiên mọi nguồn lực lẫn sự quan tâm đều dồn cả cho đội tuyển U23, bất chấp đội tuyển quốc gia có mặt tại sân chơi danh giá hơn (nhưng quá tầm) là vòng loại châu Á.

Tập trung tới bốn đợt kể từ đầu năm, bên cạnh nhiệm vụ chính là dự vòng loại Asian Cup 2015, đội tuyển nam quốc gia còn có khá nhiều trận giao hữu đáng chú ý như với Arsenal, Hyundai Mipo Dolphin (Hàn Quốc). Nhưng hai thất bại trước Các Tiểu Vương Quốc A-rập Thống Nhất và Hong Kong đã khép cánh cửa có mặt tại Asian Cup 2015 và cũng khép luôn cả mối quan tâm (của nhiều phía) với đội tuyển.

Bằng chứng: đội tuyển số một quốc gia nhưng chìm nghỉm trong làn sóng dư luận đang ưu ái dành cho lứa U19. Tin tức về đội tuyển Việt Nam lọt thỏm trong rừng thông tin về thể thao trong nước. Các buổi tập của thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ  tại Trung tâm đào tạo trẻ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) không thu hút được sự quan tâm, chú ý của giới truyền thông. Thậm chí, chỉ khi một vài tờ báo lên tiếng, lãnh đạo VFF mới xuống “thăm và động viên”, dù đội tuyển tập luyện ngay sát vách với liên đoàn. Hay như việc huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ cùng các học trò có hai chiến thắng ấn tượng trên đất Qatar qua hai trận giao hữu với đội tuyển chủ nhà cùng một câu lạc bộ hàng đầu, thì có người còn tỏ ý nghi ngờ: Thử kêu, đốt xịt?

Trong một năm mà SEA Games được xem là mục tiêu chính của cả nền bóng đá, đội tuyển quốc gia bị chính VFF đặt xuống hàng thứ yếu, thì hỏi sao dư luận và người hâm mộ còn sự quan tâm với đại diện số một này?

Trong lĩnh vực chuyên môn, đội tuyển quốc gia được tập trung lần này còn là nghịch lý lớn hơn thế. Chỉ được dẫn dắt bởi một ông thầy phụ, trong lúc ông thầy chính “bận” cho U23, mà lý do là các trận đấu còn lại tại vòng loại Asian Cup chỉ còn mang tính thủ tục. Chưa hết, danh sách 21 cầu thủ được triệu tập đợt này, trong đó có không ít trụ cột bị chấn thương hoặc đang trong thời gian hồi phục, rồi khi tập được vài ngày, thêm ba trường hợp phải rút lui vì chấn thương cùng thủ môn Dương Hồng Sơn “điếc đột ngột” đặt ra không ít dấu hỏi.

Tập trung tới 10 ngày, các học trò của huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ cũng không có nổi một trận giao hữu khi chẳng có đối thủ nào nhận lời. Ngay cả việc chia đôi đội hình ra thi đấu, để đủ thì cả thầy lẫn trò đều phải xách giày vào sân. Nghịch lý là đội tuyển quốc gia tập trung tập huấn, vậy mà hàng ngày vẫn có một cầu thủ trẻ xách xe máy chạy từ nhà lên chỗ tập trung để… “tập thuê” cho đủ người!? Chuyện có lẽ chỉ có ở… bóng đá Việt Nam!

Lý giải về nghịch lý chuyên môn của đội tuyển, một quan chức liên đoàn phân bua: “Nói VFF tham cái nhỏ, bỏ cái lớn là không đúng bởi bất kỳ quốc gia nào cũng đặt mục tiêu phấn đấu ở những giải chính thức, trong khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên chúng ta cần xác định được thực lực của mình để đặt ra những mục tiêu phù hợp. Trình độ đội tuyển hiện nay chưa thể so với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á”. Không sai, nhưng bóng đá cũng như cuộc sống luôn là quá trình tích lũy cho sự phát triển. Nếu muốn nhắm tới những mục tiêu cao hơn, thì bóng đá Việt Nam phải bắt đầu từ những U19, U23… cho cái đích là đội tuyển quốc gia; từ những sân chơi trẻ như SEA Games, tới AFF Cup, cho châu lục và thế giới, chỉ không thể chỉ cứ “nhìn xuống” mà không dám “ngước lên” như hiện tại.

Bóng đá Việt Nam và Asian Cup

Vào thời hoàng kim, đội tuyển bóng đá nam miền Nam đã từng hai lần lọt vào vòng chung kết giải vô địch châu Á và cả hai lần đều xếp hạng tư, đó là năm 1956 khi giải diễn ra tại Hong Kong và năm 1960 tại Hàn Quốc. Sau này, phải tới năm 1996, đội tuyển Việt Nam mới chính thức tham dự vòng loại, nhưng tới nay chưa một lần vượt qua.

Riêng vào năm 2007, khi Asian Cup được tổ chức tại bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, với tư cách chủ nhà, đội tuyển lúc đó do huấn luyện viên Alfred Riedl dẫn dắt đã vào đến tứ kết. Tại bảng B tổ chức trên sân Mỹ Đình, tuyển Việt Nam đã thắng UAE 2-0, hòa Qatar 1-1 và thua Nhật Bản 1-3, xếp vị trí thứ hai chung cuộc.

Tới tứ kết, phải sang Bangkok (Thái Lan) thi đấu, tuyển Việt Nam đã thua Iraq, đội sau đó vô địch, 0-2. Tại vòng loại Asian Cup 2015, Việt Nam ở bảng E cùng UAE, Hong Kong và Uzbekistan. Sau trận đấu với Uzbekistan trên sân khách vào ngày 15/10, tuyển Việt Nam vẫn còn ba trận lượt về nữa.

Cụ thể, gặp Uzbekistan trên sân nhà ngày 15/11/2013; gặp UAE ngày 19/11/2013 và cuối cùng là gặp Hong Kong trên sân Mỹ Đình ngày 5/3/2014.