Cuộc gặp gỡ định mệnh với cô gái Hà Bắc
Dù 33 năm không ngủ nhưng ông Kha ở xóm 5, đội xung kích (thị trấn nông trường Việt Trung, huyện Bố Bạch, Quảng Bình), không gầy ốm chút nào, chỉ có hai hố mắt sâu và mái tóc lốm đốm bạc. Ông kể cho chúng tôi về biến cố cuộc đời khiến ông trở thành người đàn ông không ngủ suốt 33 năm.
Năm 1997, ông nhập ngũ và trở thành lính của sư đoàn 304. Ông cùng nhóm hơn 10 người khác đều là người cùng làng được đơn vị đưa vào huấn luyện bộ binh ở Đà Nẵng. Sau mấy tháng huấn luyện bộ binh, ông cùng đơn vị hành quân vào biên giới Tây Nam. Đóng quân ở biên giới Tây Nam chưa ấm chỗ thì ông sang chiến trường K (Camphchia – PV). Chưa kịp đánh trận nào lớn với bọn lính Khmer Đỏ thì ông lại phải đeo ba lô cùng đồng đội hành quân ra biên giới phía Bắc.
Trên đường đi, đơn vị ông Kha đóng quân ở làng Việt Hương. Làng này ở gần một cây cầu nhỏ tên là cầu Lường, thuộc tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Cạnh nơi ông đóng quân lúc đó có một gia đình Việt kiều mới về nước từ Thái Lan. Ông nhớ rõ nhà này có một cô gái trẻ, nhìn rất xinh xắn. “Tôi rất có cảm tình với cô gái. Vốn con nhà nông nên tui biết mần nhiều việc lặt vặt trong gia đình. Tui trổ tài mần nghệ mộc giúp họ lúc thì sửa cái cửa, lúc thì nêm lại cái cối xay lúa… Chắc cô gái thấy tui siêng năng, hay làm, lại hiền lành, nên cô ấy cũng có tình cảm với tui. Cho đến ngày đơn vị hành quân đi thì cô chủ động nói có tình cảm với tui, rồi cô khóc…” – ông Kha bộc bạch.
Năm 1981, ông Kha rời quân ngũ về lại địa phương nhưng ông không bao giờ quên được hình ảnh và tình cảm của cô gái mà ông vô tình gặp trên đường hành quân tại tỉnh Hà Bắc cũ. Ngày đó, ở làng có nhiều cô gái xinh tươi vẫn thiết tha yêu trộm ông vậy mà ông không rung cảm chút nào.
Ônh nói: "Không biết cô gái Hà Bắc đó có bỏ bùa mê thuốc lú chi cho tui không, để tui không yêu được người nào khác nữa, chứ tui không hiểu được”. Cũng từ đó, ông bắt đầu có biểu hiện khó ngủ.
33 năm không có nổi một giấc mơ
Ông Kha nhớ từ năm 1981, những giấc ngủ của ông ngày càng ít dần. Cho đến khoảng từ năm 1985 đến nay thì ông Kha hầu như không còn biết giấc ngủ là như thế nào. Giấc ngủ của ông chỉ là những giây phút ông nhắm hai mí mắt lại. “Khi mô tui nghĩ mình đã ngủ được chút ít là khi có cảm giác hai mắt mình cay cay, nhằm nhặm so với những lúc bình thường khác. Chú coi cái sự ngủ của tui có lạ lùng không?” - Ông Kha hóm hỉnh nói.
Ông kể: ”Cứ đêm xuống là tui vắt tay lên trán vẩn vơ ngĩ ngợi, hay nhìn lên góc màn và ngồi dậy uống nước đêm như… cụ già 80 tuổi. Nhiều đêm thấy trong người bứt dứt, tui dậy đi thơ thẩn trong nhà. Chán đi trong nhà thì đi ra ngoài vườn, quanh quẩn đến khi mô mỏi chân thì lại vô nhà… nhìn trần màn cho đến sáng là… hết một đêm ngủ”.
Vốn có nghề thợ mộc nên những đêm không ngủ như thế, ông dậy mở máy bào gỗ, đục mộng một mình. Ban đầu hàng xóm tưởng ông có hẹn gấp sản phẩm với khách hàng nên cần làm nhanh, vì vậy họ thông cảm. Nhiều đêm như vậy thì người ta ngạc nhiên, rồi dần đâm ra khó chịu, có người nhắc khéo ông vì họ bị mất ngủ bởi tiếng bào, tiếng đục của ông.
Nhưng không ai biết là ông không ngủ được nên mới phải làm vậy cho qua những đêm dài. Sau này, ông thôi nghề mộc, chuyển sang làm ruộng, làm vườn lấy cái ăn.
Những đêm không ngủ được của ông Kha “có ích” nhất với mọi người là những khi trong làng… có người chết. Khi đó ông là người thức suốt đêm để chia buồn cùng gia chủ. Có ông ngồi trò chuyện cùng, gia chủ không ai còn buồn ngủ nữa.
Chị Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm của ông Kha, nói về ông bằng giọng thương cảm: “Không phải vì anh ấy không ngủ được nên mới lo lắng công việc với mọi người. Mà bản tính của anh ấy là vậy: hiền lành, ham làm, thích chia sẻ công việc với bà con chòm xóm. Cũng tội lắm, mất ngủ chi nhiều năm như rứa mà chịu nổi. Như tui mà bị mất ngủ vài đêm thôi là chắc không chịu nổi. Cũng may là bị rứa nhưng mà anh ấy vẫn khỏe người, vẫn làm ăn bình thường chứ không bị mất sức”.
Ông Kha nói vui: ”Ở nơi tui mà có việc chi mần ban đêm, kiểu gián bao gián bì gia công cho người ta như thời còn bao cấp, rồi trả tiền theo thời gian hay số lượng sản phẩm thì tui sẽ đứng nhất”.
Ngồi nói chuyện, thỉnh thoảng lại thấy ông lấy cái tay quẹt vào hai mắt. Ông giải thích: Mần như rứa cho đỡ cay nơi mắt. Hàng xóm với ông Kha nói rằng, từ khi ông mất ngủ, tình hình an ninh trật tự… yên ắng hẳn. Bọn trộm cắp sợ ông thức, đi lang thang lỡ ra bắt gặp nên đã chuyển địa bàn hoạt động sang… huyện khác.
Ông cho biết là bây giờ có tivi nên ông xem tivi suốt đêm cho khuây khỏa. Ở thị trấn Nông trường Việt Trung chưa kéo được đường dây cáp nên tivi cảu nhà ông Kha chỉ bắt được sóng của bốn kênh truyền hình là VTV1, VTV2, VTV3 và kênh của Đài PT-TH tỉnh Quảng Bình. Thế nên, đêm nào tivi nhà ông cũng “chơi” đến sáng mới tắt.
Nhiều khi ông nhắm mắt thật chặt, cố ngủ nhưng cũng chỉ thấy cay cay, vương vướng một vài phút rồi lại tỉnh rụi. Ông bảo: “Thời gian của đêm hay ngày chi với tui cũng… giống nhau, chỉ khác là đêm thì tối, ngày thì sáng. Ban đêm tôi thấy cần mần việc chi là đi mần, nên không có thói quen đếm thời gian trong ngày”.
Từ khi mất ngủ tới giờ, ông Nguyễn Văn Kha sống một mình trong căn nhà gỗ nhỏ. Căn nhà nằm lọt giữa một vườn trồng đầy cây chè, mít, tiêu xanh tươi. Đó cũng là nguồn sống của ông sau khi bỏ nghề làm mộc.
Đêm thức trắng, ngày ông vẫn đủ sức khỏe để lụi cụi trồng cây. Thấy ông lủi thủi một mình trong căn nhà giữa vùng vườn rộng lớn, tôi hỏi ông sao không lập gia đình cho vui vẻ, có người đỡ đần khi ốm đau? Ông cười nói: “Thủ phận thôi. Nếu đã lấy vợ thì phải sinh con. Mà sinh con ra lỡ đâu nó lại mắc chứng bệnh mất ngủ như tôi thì khổ thân con. Thôi thì chẳng muốn làm khổ người ta mần chi”.
Không đi chữa bệnh vì… sợ
Những năm mới mất ngủ ông Kha có tìm một vài thầy thuốc Đông y ở tỉnh chữa bệnh, rồi cả Tây y ở tỉnh chữa bệnh nhưng đều không thành. Năm 2002, một ngân hàng ở thành phố Hồ Chí Minh đã có thư mời ông vào trong đó làm bảo vệ, ông từ chối vì không muốn một mình vào nơi xa đó làm việc.
Năm ngoái cũng có một tổ chức bác sĩ ở Hàn Quốc cũng tha thiết mời ông sang Hàn Quốc chữa bệnh, rồi sau đó tham gia vào một cuộc hội thảo liên quan tới bệnh mất ngủ. Ông cũng từ chối nốt, lý do là ông sợ người ta mang ông đi để làm thí nghiệm. Ông đành chung sống với bệnh mất ngủ.
Dù vậy, ông vẫn muốn có một ước ao được ngủ như bao người khác. “Vậy nhưng ước ao đó của tôi coi ra khó bề đạt được” – ông Nguyễn Văn Kha buồn bã trải lòng…