Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân phân tích về vụ máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga gặp nạn ở Indonesia.
Thưa Trung tướng, từng là phi công chắc hẳn ông rất quan tâm đến vụ máy bay Sukhoi Superjet 100 của Nga vừa gặp nạn ở Indonesia. Theo kinh nghiệm của ông, vụ tai nạn có thể do nguyên nhân nào?
Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, luôn có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước cho một cuộc trình diễn máy bay mới tại hội chợ hàng không. Phi công phải là người rất giàu kinh nghiệm xử lý tình huống. Đặc biệt, khi bay ở khu vực có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, phi công phải tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ mọi tình huống có thể xảy ra, từ khí hậu, thời tiết, áp suất không khí...
Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng Phạm Tuân
Thực tế, Nga (trước đây là Liên Xô) đã từng có bài học về vụ tai nạn máy bay Tu-144 trong chuyến bay trình diễn tại hội chợ hàng không Paris cách đây gần 30 năm?
Sukhoi rất nổi tiếng về sản xuất máy bay quân sự, nay mới chuyển sang sản xuất máy bay dân sự. Đây lại là cuộc chào hàng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, chắc chắn họ phải chuẩn bị kỹ càng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo một số thông tin, trước khi xảy ra tai nạn, khi đang bay trên độ cao 3.000m, phi công lại xin hạ xuống 1.800m, trong khi núi Salak (nơi xảy ra tai nạn) cao gần 2.200.m. Nếu đúng như vậy, có thể thấy phi công đã vi phạm an toàn về độ cao. Đối với từng loại địa hình luôn phải có quy định nghiêm ngặt về độ cao tối thiểu cho phép.
Trong chuyến bay, nếu nhận thấy cần hạ độ cao, phi công phải phát tín hiệu xin hạ, nhận được sự đồng ý từ phía điều hành bay mới được hạ. Chỉ trừ trường hợp gặp sự cố quá bất ngờ thì phi công buộc phải phản ứng ngay tức khắc.
Thông tin báo có nêu chi tiết cơ trưởng chuyến bay xin hạ độ cao, nhưng không thấy nói đến việc bộ phận điều hành có đồng ý hay không.
Chiếc Sukhoi Superjet 100 cất cánh ở sân bay Indonesia trước khi gặp nạn
Báo chí Indonesia cũng cho hay, các rada theo dõi chuyến bay đã không nhận được tín hiệu khi máy bay gặp nạn. Theo Trung tướng, vì sao xảy ra trường hợp này?
Bất cứ chuyến bay nào cũng có rada phát sóng để theo dõi. Như vậy sẽ nhận biết được máy bay đang ở khu vực nào. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi máy bay hạ độ cao như vậy có thể đã thoát ra khỏi vòng kiểm soát của rada. Hoặc trong trường hợp gặp khu vực thời tiết xấu, mây mù cũng có thể khiến rada mất sóng, không quan sát được máy bay nữa.
Sukhoi vốn nổi tiếng về sản xuất máy bay quân sự. Việc chuyển sang khai thác lĩnh vực máy bay dân sự liệu có gặp khó khăn nào không?
Theo tôi là không! Bởi yếu tố kỹ thuật sản xuất máy bay đều phải tuân thủ cơ chế hoạt động theo quy chuẩn. Vả lại trong các vụ tai nạn, suy cho cùng, tôi thấy yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Nếu phi công tuân thủ mọi quy định an toàn bay, lại là người có kinh nghiệm nhiều giờ bay, có thể dễ dàng nhận biết trục trặc của máy bay dù rất nhỏ. Từ đó, họ có thể nhanh chóng phát tín hiệu thông báo cho bộ phận điều hành và đưa ra giải pháp. Thậm chí, nếu không thể tiếp tục bay an toàn thì có thể nhảy dù.
Sau vụ tai nạn này, chắc chắn uy tín của hãng Sukhoi sẽ bị ảnh hưởng hưởng nặng nề. Chúng ta cũng từng biết đến những thảm kịch tương tự. Đó là Tu- 144, máy bay siêu thanh đầu tiên cũng là cuối cùng của Liên Xô, gặp nạn trong khi trình diễn tại hội chợ hàng không Paris năm 1973. Máy bay sau đó chỉ được sử dụng chở hàng hóa trong nước một thời gian ngắn rồi chấm dứt hoạt động. Hay trường hợp máy bay Concorde của Pháp gặp tai nạn rồi hãng này phải đóng cửa.
Xin cảm ơn Trung tướng!