“Nghệ sỹ trại giam” với bản án 14 năm bóc lịch

Ngày 2/9 vừa qua, Tuấn đã được ân xá để trở về đoàn tụ với gia đình. Tuấn chia sẻ: "Ước mơ của em là sẽ mở được một xưởng cơ khí và kết hợp nặn tượng...

Một phút nông nổi

Gọi một tù nhân lĩnh án giết người là “hiền lành” hẳn là một nghịch lý, nhưng nhìn gương mặt Đỗ Đình Tuấn (sinh năm 1983, quê Phúc Thọ, Hà Nội), không ai nghĩ anh là một kẻ ác. Cơ nguyên nào dẫn đến hành động phạm tội của một thanh niên thật thà, chân chất, Tuấn cúi mặt, kể lại cho chúng tôi nghe về giây phút nông nổi đã khiến anh phải trả giá bằng những tháng ngày đằng đẵng “bóc lịch” ở trại Phú Sơn (Thái Nguyên).

Ngày trước em đi làm công trình đóng cọc bê tông. Ông Nguyễn Văn Hồng – chủ công trình có nợ tiền em, nợ hơn 10 triệu đồng. Em đã đòi ông ấy rất nhiều lần để trả cho đội thợ nhưng ông Hồng cứ khất lữa mãi không chịu trả. Đội thợ đến tận nhà em đòi tiền, đòi nhiều lần nhưng em cũng không xoay đâu ra tiền để trả họ. Đội thợ của em đến gặp trực tiếp ông Hồng thì ông ấy chửi bới. Ức chế quá nên em đã quyết định sẽ dạy cho ông ấy một bài học.

Ngày 3/7/2006 em có gọi ông Hồng nói rằng có một công trình cần ký hợp đồng gấp, hẹn ông ấy đến trụ sở công ty. Khi đến cánh đồng ở xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội, em bảo ông ấy dừng lại để nói chuyện. Lúc ấy, không hiểu vì sao, em không làm chủ được hành động của mình nên đã chém ông Hồng 3 nhát vào đầu rồi bỏ đi. Em bỏ trốn đến Công ty Đóng tàu Hà Nội ở Thanh Trì. Một ngày sau, em quá ăn năn và sợ hãi nên đã ra đầu thú. Thật may mắn cho em là ông Hồng không chết. Em bị kết án 14 năm tù. Đó cũng là cái giá mà em phải trả cho hành động nông nổi của mình”. Tuấn nói nhát gừng, vẫn cúi mặt, hai bàn tay đan chặt vào nhay, miệng mím lại: “Em hối hận lắm anh chị ạ!”.

Trở thành “nghệ sỹ trại giam” làm đẹp cho đời

Tuấn đã có vợ và một cậu con trai nhỏ, vì thế, ngay từ khi nhận ra tội lỗi tày đình của mình, Tuấn đã quyết tâm phải cải tạo cho tốt để sớm được về đoàn tụ với vợ con. Vốn là một thợ cơ khí, khi vào trại, Tuấn được phân công làm đá mỹ nghệ. Đến năm 2009, Tuấn chuyển sang làm thợ hàn. Buổi chưa không nghỉ, anh xem một phạm nhân khác đắp những con giống. Sau nhìn thấy thích, Tuấn làm theo. Sau đó anh nhờ người thân gửi vào những cuốn sách nặn tượng, tự học hỏi làm thử. Hỏng, anh làm lại cho đến khi nặn được mới thôi.

Trong khoảng hơn 1 năm, Tuấn đã làm gần 100 bức tượng đẹp mê hồn. Nếu một làn đặt chân đến trại giam Phú Sơn 4, hẳn không ai là không ấn tượng với khung cảnh nơi đây. Nó giống như một công viên chứ chẳng phải là nơi giam giữ những kẻ phạm tội. Hàng trăm bức tượng với nhiều chủ đề, kiểu dáng, hình khối khác nhau, từ những bức tượng phụ nữ thời Phục hưng đến tượng các cô gái Việt Nam tha thướt trong tà áo dài duyên dáng, rồi tượng theo chủ đề dân gian như Chí Phèo, Thị Nở, ông già đánh cờ, con trâu mục đồng, văn hóa Chămpa… Bức nào Tuấn cũng thổi vào cái hồn “nghệ sỹ” vào trong đó.

Từ hôm có quyết định của chủ tịch nước, em rất bồi hồi chờ đợi ngày đoàn tụ của cả gia đình. Cái án này là tự em gây ra, tự mình đi thì tự mình về được nên em sẽ không thông báo cho gia đình để đi đón. Em muốn dành sự bất ngờ này cho vợ con.

Khi nhắc đến việc làm tượng, Tuấn rất hào hứng và xin phép giám thị dẫn chúng tôi đi giới thiệu. Tuấn chỉ vào bức trâu mục đồng: “Đây là bức đầu tiên em làm, để gửi lời xin lỗi tới vợ”. Rồi Tuấn mời chúng tôi xem bức cô gái Việt Nam: “Ý tưởng bức này là do em nghĩ ra, em làm liên tục trong 3 ngày, làm bằng xi măng và bột đá nên rất chắc chắn”. Tuy nhiên, bức Chí Phèo, Thị Nở mới là bức tượng mà Tuấn tâm đắc nhất. Tuấn bảo: “Ngày trước em đọc truyện này rồi, em rất thích nhân vật này nên quyết tâm nặn cho bằng được”.

Tuấn thổi vào những bức tượng này một sự quyến rũ và vui mắt đến kỳ lạ. Thú thực, tôi đã xem rất nhiều những bức tượng ở khắp mọi miền đất nước nhưng chưa có bức tượng nào khiến tôi ấn tượng như những bức tượng được làm bằng cả tâm huyết và niềm khao khát được sống, được cống hiến của người phạm nhân tài hoa này. Ngoài những bức tượng đẹp mê hồn trong khuôn viên xanh mát, cảnh quan của Trại Phú Sơn 4 còn được Tuấn trang hoàng bằng những bộ bàn ghế giả gỗ trông rất đẹp mắt. Tự tay Tuấn vừa trộn vữa vừa làm. Hơn chục bộ bàn ghế trong Trại đều do một tay Tuấn thực hiện bằng niềm đam mê của mình. Tuấn đã có quá trình cải tạo rất tốt nên đã được giảm án tới 3 lần, hưởng khoan hồng của nhà nước tới 4 năm 7 tháng 3 ngày. “Từ hôm có quyết định của chủ tịch nước, em rất bồi hồi chờ đợi ngày đoàn tụ của cả gia đình. Cái án này là tự em gây ra, tự mình đi thì tự mình về được nên em sẽ không thông báo cho gia đình để đi đón. Em muốn dành sự bất ngờ này cho vợ con”, mắt Tuấn sáng lên khi nhắc tới ngày anh được ân xá.

Tuấn kể với tôi: “Trong quá trình cải tạo ở trại, điều em tâm niệm nhất là con người sống cới nhau phải có cái tình”. Tuấn đã từng gọi điện xin lỗi ông Hồng: “Em đã sai rồi. Lỗi lầm em gây ra giờ em đang phải trả giá bằng 14 năm “bóc lịch”. Xin anh tha thứ cho em”. Cách ngày được ân xá hai tháng (khoảng tháng 7/2013), Tuấn gọi điện lại một lần nữa hỏi thăm sức khỏe ông Hồng. Tuấn bảo: “Nhất định sau khi ra trại, việc đầu tiên em làm là đi gặp lại anh Hồng để tạ tội với anh ấy”.

Quá khứ không thể thay đổi được nhưng tương lai thì có thể. Mong rằng bằng sự quyết tâm của mình, Tuấn sẽ thực hiện được ước mơ làm lại cuộc đời!.