Với sắc vóc “mi nhon”, tóc thề xõa ngang vai ôm lấy gương mặt thanh tú, cặp mắt đen láy, trong veo như biết nói, chiếc cằm chẽ dễ thương cộng với cái nốt ruồi duyên nơi khóe môi, giọng nói trong trẻo, nhỏ nhẻ, chưa nói đến tài năng, Thanh Lan đã đủ làm rung rinh bất cứ trái tim nam nhân nào. Có lẽ, vì vậy mà đường tình cô sớm rơi vào cảnh lận đận, bẽ bàng.
Học hành bài bản
Cô Thanh Lan chào đời ở thành phố Vinh, Nghệ An vào năm 1948, tên đầy đủ là Phạm Thái Thanh Lan. Theo tư liệu của nhà báo Hà Đình Nguyên thì ông ngoại của cô là cụ Thái Nguyên Đào, từng là hiệu trưởng trường Petit Lyceé Thanh Hóa (năm 1940) và là một thuộc quan của Bộ Học (triều Nguyễn). Cậu của cô chính là ông Thái Thúc Nha – chủ hãng phim Alpha đình đám một thời. Sinh trưởng trong một gia đình học thức, khá giả nên từ nhỏ, cô đã được gia đình cho vào Sài Gòn, theo học trường Tây. Thời tiểu học, cô học trường Saint Paul - một trường dòng nội trú nổi tiếng dành cho con gái những gia đình quý tộc Sài Gòn nằm trên đường Cường Để (Tôn Đức Thắng bây giờ). Chính tại đây, cô đã được các sơ dạy hát và học đàn piano. Sau đó, cô được mẹ dắt đến nhờ vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn thêm. Nhờ nên khả năng cảm thụ nhạc lý và biểu diễn của Thanh Lan ngày càng tinh tế. Mẹ của cô – bà Thái Chi Lan – rất cưng chiều và hãnh diện trước năng khiếu của cô con gái xinh đẹp.
Về sau, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đã giới thiệu và gởi gắm Thanh Lan đến ban nhạc Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Giọng hát vui tươi, tràn đầy sức sống của Thanh Lan đã gây được sự chú ý và làm hài lòng ông thầy khó tính. Bầu Nguyễn Đức cho cô thu âm bài Vui đời nghệ sĩ (Văn Phụng) phát trên đài. Cái chất giọng nhỏ nhẹ, tròn rõ, trong trẻo ấy cuốn hút đến nỗi ban biên tập ở đài đã mời cô phụ trách mục trả lời thư và các bài sưu tầm giới thiệu danh nhân. Cũng cần nói thêm, khi ấy, “lò” (trung tâm đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ) của nhạc sĩ Nguyễn Đức là một trong những lò có tiếng vang (cùng với “lò” Tùng Lâm) tạo dựng tên tuổi cho hàng loạt ca sĩ nổi tiếng có nghệ danh bắt đầu từ chữ “Phương”: Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Quế… So với những ca sĩ chuyên trị dòng boléro này thì Thanh Lan “ra ràng” trễ hơn, vì thế mà cô có lợi thế hơn là được tiếp cận với trào lưu nhạc trẻ đang tràn vào miền Nam.
Năm lớp 11, khi ấy Thanh Lan đang theo học trường Marie Curie – cô gia nhập ban nhạc Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà – ban nhạc đầu tiên có khuynh hướng Việt hoá nhạc trẻ ở Sài Gòn. Rời ban văn nghệ Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh – sinh viên Nguồn Sống. Ở đây, cô thường hát dân ca và nhạc tiền chiến cùng các bạn sinh viên học sinh.
Cuộc hôn nhân bất hạnh
Một thiếu nữ học trường Tây, xinh đẹp, tâm hồn mẫn cảm như Thanh Lan, ở cái tuổi mơ mộng, hẳn ôm ấp, kỳ vọng nhiều về người trong mộng lý tưởng. Chẳng ai biết mối tình đầu của cô lúc cô bao nhiêu tuổi hay cô từng yêu ai. Chỉ biết, đùng một cái, ở tuổi 18, Thanh Lan phải làm vợ và làm mẹ. Đó là một khởi đầu cho nỗi bất hạnh trong chuỗi ngày lận đận về đời sống tình cảm của cô mãi đến sau này…
Cuối những năm 60, khi ấy, Thanh Lan hãy còn là một cô gái ngây thơ và chưa mấy nổi tiếng. Trong một chuyến đi chơi ở Đà Lạt, cô gặp Phạm Mạnh Dũng – quý tử của chủ hiệu chụp hình Long Biên trên đường Đồng Khởi, nổi tiếng với kiểu ăn chơi “ném tiền qua cửa sổ” nên được giới ăn chơi gọi chết với cái tên “Dũng Long Biên”. Thanh Lan, khi ấy, là cô gái với tâm hồn trong sáng, bước vào đời bằng đôi mắt mộng mơ, màu hồng đã bị vẻ ngoài điển trai, phong cách phóng khoáng, sự săn đón, những lời có cánh ngọt ngào và những món quà đắt tiền của Dũng Long Biên làm “lác mắt”. Chẳng bao lâu thì Dũng Long Biên đã “đốn ngã” trái tim non nớt của Thanh Lan, và dụ con nai tơ lao vào vòng tình ái. Thanh Lan phát hiện mình có thai. Một đám cưới rình rang được diễn ra ngay sau đó.
Hạnh phúc chưa tày gang, Thanh Lan bắt đầu bước vào chuỗi ngày địa ngục với đòn ghen lút trí khôn của Dũng. Không ít lần cô mất mặt với bạn bè, ê-kíp làm việc vì Dũng đến tận trường phim, đài phát thanh, lôi cô xềnh xệch, “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” tối mắt tối mũi. Nỗi ám ảnh đeo bám vào trong cả những giấc ngủ. Những trận đòn thù ấy khiến cô rơi vào tâm trạng hoảng loạn, cô trốn tránh cả bạn bè, người thân. Suốt ngày, Thanh Lan chẳng dám ló mặt ra đường vì đòn ghen của chồng làm mắt thâm, vết bầm tím khắp người… Ở độ tuổi tươi sáng, cái tuổi mà theo tôi là đẹp nhất của đời người, vậy mà Thanh Lan đã phải nhìn đời bằng tâm hồn thương tổn, u ám. Có lần, một ký giả đến xin phỏng vấn về một bộ phim mới của cô, xong ký giả ấy lặng lẽ thu dọn đồ nghề mà không đả động gì đến những đòn ghen thủ ác của chồng, khiến cô Thanh Lan vô cùng ngạc nhiên. Cô nói với vị ký giả ấy, nghe thương vô cùng: “Ai đến gặp em cũng chỉ để hỏi chuyện ấy thôi…”
Chịu đựng gã chồng vũ phu được vài năm thì Thanh Lan tự giải thoát bằng phán quyết ly dị của tòa án. Cô gởi con gái về cho mẹ chăm sóc và xuất hiện trở lại, rực rỡ trong vòm trời nghệ thuật miền Nam, đánh dấu giai đoạn hoàn kim của cô trên nhiều lĩnh vực.
Ở cái tuổi đôi tám đầy hoa mộng, vì một phút nông nổi mà cô Thanh Lan đã phải gánh chịu một cuộc hôn nhân đầy bất hạnh, với những dèm pha nhức nhối. Khủng khiếp hơn, người ta đã vận cái định kiến ấy vào cô cho đến tận sau này, khiến danh vọng cô oằn mình trước những thị phi tình ái. Cuộc đời người đàn bà đa tài, có cái nốt ruồi duyên khóe miệng, sao mà lắm truân chuyên?