Sinh ra trên vùng lúa Yên Thành gió Lào nắng gắt, thuộc xã Đại Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ làm nông nghiệp, anh trai mât sớm, đứa em trai út lại bị bệnh đao. Vì vậy trong tâm tưởng của cô thôn nữ Nguyễn Thị Lý, sinh năm 1990 lúc nào cũng muốn rời quê đi đến một phương trời xa để làm ăn, kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Hết lớp 9 em xin bố mẹ nghỉ học vào Đồng Nai kiếm sống. Thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, em làm công nhân cho một xí nghiệp may với đồng lương ít ỏi. Hai năm trời bám trụ lao động vất vả chỉ nuôi đủ bản thân, Lý chán nản bỏ việc và trở về quê nhà. Được một thời gian, cô lại ra Bắc, theo bạn bè xin vào làm công nhân tại một xí nghiệp bánh kẹo ở khu công nghiệp Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Tại đây, Lý thuê trọ tại nhà trọ Ước Mơ. Cuộc sống công nhân dù vất vả nhưng công việc và thu nhập ổn định đã giúp em vượt qua những gian khổ nhọc nhằn. Đang tuổi thanh xuân, nên càng ngày Lý càng xinh đẹp hẳn lên với khuôn mặt trái xoan, làn da mịn màng trắng muốt. Thế rồi, vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm, tinh khiết của cô thôn nữ vùng lúa đã lọt vào tầm ngắm của vợ chồng gã nhà trọ. Tên Ước đôi lúc đã ởm ờ với cô: “Nhìn dáng em chỉ có sống ở Trung Quốc mới sướng, chứ sống ở Việt Nam chi cho khổ”. Bọn chúng vẽ ra một viễn cảnh huy hoàng ở chân trời xa lắc xa lơ mà cô chưa một lần được đặt chân tới. Hắn bảo, cô đến đó sẽ chỉ ngồi bán hàng, ăn ngon, mặc đẹp, lại có nhiều tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Nghe những lời mật ngọt như rót vào tai đó, Lý cũng thây xuôi xuôi…
Rồi vào khoảng nửa đêm tháng 4/2012, khi cô vừa tan ca về thì vợ chồng Ước Mơ nói có người nhà của hắn đang buôn bán ở bên Trung Quốc về tuyển người, Lý thích thì đi ngay kẻo lỡ chuyến. Lý mừng rơn, chẳng kịp gọi điện về cho mẹ, cô líu ríu theo chân một bà tên là Phởn đi bộ xuống quốc lộ 1A. Tại đây, có một chiếc xe đã đậu sẵn, trên đó có một cô gái và một cháu trai khoảng 28 tháng tuổi đang chờ sẵn, đón Lý rồi xé màn đêm lao đi. Xe chạy suốt ngày đêm ra đến Quảng Ninh. Phởn phát cho mỗi đứa một gói cơm, một chai nước và nói: “Sắp đến chỗ sung sướng rồi, làm ra nhiều tiền nhớ đừng quên chị nhé”. Cả bọn phấn chấn uống nước rồi bỗng lịm dần…Khi tỉnh lại, Lý hoảng hồn thấy mình bị nhốt trong một tầng hầm, còn Phởn biến đâu mất dạng. Xung quanh toàn những kẻ lạ mặt nói toàn tiếng lạ lơ lớ. Họ không hề biết rằng mình đã bị bán trao tay cho mẹ mìn bên Trung Quốc…
Bà Nguyễn Thị Bình sinh năm 1963, sau một thời gian mất liên lạc với con gái, bỗng thấy nóng ruột, trong lòng như có lửa đốt. Gọi điện thì “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”. Bà giục chồng: “Ông Thiết à, có lẽ ông vay ít tiền đi Hưng Yên ít hôm xem tình hình con Lý thế nào mà không có tin tức gì cả.”
Trong lúc hai vợ chồng đang lo lắng chuẩn bị đi tìm con thì đột nhiên vào quãng tháng 9/2012, Lý gọi điện thoại về xin số chứng minh nhân dân của mẹ. Lý nói với mẹ giọng run run “con vẫn khoẻ, công việc bình thường, khi nào nhận lương con gửi về cho mẹ”. (Thực ra đó những lời mà Lý bị bọn chủ chứa bên Trung Quốc bắt phải nói ). Bà Bình nhận được điện thoại con mừng như bắt được vàng, nhưng bà bỗng ngạc nhiên khi nhìn lại số máy con gọi về. "Quái lạ, con Lý nó dùng sim gì mà có nhiều số thế này, lại có dấu + đằng trước". Bà vội chạy ra bưu điện xã hỏi thì được biết đây là số máy từ Trung Quốc gọi về.
Lại nói về Lý, đêm ấy, cô bị đẩy vào một căn phòng. Chưa kịp định thần, cô đã hét lên kinh hãi khi thấy một người đàn ông trần như nhộng cười nhăn nhở lao đến vật mình xuống, rồi lột quần áo cô ra. Cô dùng hết sức bình sinh nhè bụng hắn đạp một phát, hắn rống lên như trâu bị chọc tiết. Cửa bật mở, hai tên đầu gấu lôi Lý xềnh xệch đến trước mặt bà Tú, một cái tát như trời giáng làm Lý ngã sấp đầu đập xuống nền nhà, máu tươi chảy lênh láng. Do bướng bỉnh không chịu tiếp khách nên Lý bị bà chủ bỏ đói một ngày đêm, tạm thời điều xuống bộ phận phục vụ chuyên bưng bê, dọn dẹp, giặt giũ quần áo. Hàng ngày, cô phải chứng kiến cảnh hàng chục cô gái Việt bị hành hạ chẳng khác gì địa ngục trần gian. Họ tiếp khách quần quật. Ai không nghe lời liền bị đánh đập dã man, bỏ đói, bỏ rét cho đến khi phải chịu tiếp khách mới thôi. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng hãi hùng ấy, một ý nghĩ loé lên trong đầu Lý: “Phải trốn, nếu không chết mất”. Thế rồi, vào một đêm tối trời, cô bỏ trốn, chạy bán sống bán chết qua nhiều ngọn đồi, nhiều khe cạn khô nước, đói khát ập đến, mắt hoa lên, may mắn cô lạc được vào nhà một công an Trung Quốc, người này đã chở cô đến đồn biên phòng Trung Quốc, và từ đó cô vượt biên giới trở về Việt Nam…
Tôi gặp lại Lý khi em đang điều trị tại bệnh viện Tâm thần Nghệ An, quãng thời gian em sống trong địa ngục ở Trung Quốc đã biến em từ một cô gái xinh đẹp giờ trở thành một bông hoa úa héo tàn cả về tinh thần và thể chất. Bác sĩ nói em bị sang chấn về tinh thần nên phải điều trị một thời gian dài. Nhưng dù sao em vẫn là người còn may mắn…