Từng là một giang hồ gai góc, Hùng “Sầu” (biệt danh của Lê Thừa Dương Hùng) từng là nỗi khiếp sợ của nhiều gia đình. Sau khi trả giá bằng bản án 6 năm tù cho các hành vi sai trái, trở lại cuộc sống, anh lao vào kinh doanh và thành công khi trở thành chủ của 2 cơ sở điêu khắc ở huyện Hóc Môn (TP HCM) và Đăk Nông.
Nước da đen nhẻm, đôi mắt sâu, sắc lạnh, người đàn ông kể về một phần cuộc đời của mình khiến nhiều người nghe phải gai người. Đã 12 năm kể từ ngày rũ bỏ chiếc áo tù trở về với đời thường, song đến nay anh vẫn giật mình thức giấc, vã mồ hôi vì quá khứ đâm chém ám ảnh.
Ngày đó, quen với cuộc sống lang thang từ khi còn nhỏ, Hùng đi bốc vác thuê và cả móc túi người qua đường. Đêm đến, anh cùng lũ bạn tụ tập dưới cầu để ngủ. Từng dưới trướng của giang hồ Lê Lam - đại ca có tiếng trong thế giới ngầm ở Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản - với bản tính lì lợm, Hùng thực hiện nhiều vụ đâm chém theo lệnh đại ca.
Sau khi bị bắt và trốn trại, Hùng từ Huế lang bạt khắp nơi rồi cuối cùng dừng chân ở đất Sài Gòn, gia nhập băng nhóm đòi nợ thuê ở khu vực An Sương. Với bản chất liều lĩnh, hung bạo nên vài năm sau đó, khi đại ca của băng nhóm đòi nợ thuê này gặp nạn, Lê Thừa Dương Hùng đã được đám đàn em tôn lên cầm đầu băng.
Gây ra rất nhiều vụ đâm chém, anh thẳng thắn thừa nhận, cuộc đời mình dù không trực tiếp giết người, nhưng bản thân cũng gián tiếp tước đi sinh mạng của 2 người. “Những ám ảnh này đến tận bây giờ vẫn chưa phai hết trong lòng. Tôi vẫn còn day dứt ăn năn”, anh kể.
Với anh, quá trình làm lại cuộc đời gặp rất nhiều trắc trở bởi bề dày “thành tích” bất hảo. Mang nhiều tiền án, tiền sự và thậm chí từng bị truy nã toàn quốc nên khi về lại cộng đồng, muốn làm lại con người tốt thì hầu như tất cả mọi người xung quanh không ai tin tưởng.
“Không ai tin rằng một tên giang hồ như tôi có thể làm được những điều lương thiện và đi xin việc làm ở đâu cũng chẳng ai chấp nhận cho mình. Bởi lý lịch xấu, đi xin học nghề hay xin vào các công ty làm họ cũng đều không cho”, anh nhớ lại.
Tuy nhiên, với quyết tâm làm lại cuộc đồi, anh Hùng đã vượt qua nhiều dèm pha, dị nghị thậm chí coi thường để tìm hiểu và học được nghề điêu khắc gỗ. Nhưng dù tay nghề có cao đến mấy, nhưng do không có giấy chứng nhận, bằng cấp nên để xin vào các công ty làm việc là điều không thể. Nhờ bạn bè giúp đỡ, cuối cùng anh cũng được vào làm tại một công ty mỹ nghệ ở quận 12.
Biết được khó khăn luôn chờ đón đối với những thân phận từng một thời lầm lỗi. Anh Hùng luôn tâm niệm sau này nếu có điều kiện sẽ giang tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình. Sau 4 năm siêng năng làm việc, đến năm 2005, anh Hùng đã ra ngoài tự thuê mặt bằng để mở xưởng điêu khắc cho riêng mình.
Ước mơ hoàn lương đã hoàn thành và sau 10 năm gầy dựng, tên giang hồ ngày nào hiện đã là chủ của 2 cơ sở tại TP HCM và Đăk Nông. Trong khoảng thời gian này, anh Hùng đã đào tạo hàng trăm người, trong đó chủ yếu là trẻ cơ nhỡ và những người vừa chấp hành hình phạt tù. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình đã đưa con em đến đây để nhờ anh cai nghiện và dạy nghề. Sau thời gian đào tạo, những người này đã tự nuôi sống bản thân và gia đình với mức lương trung bình từ 12-15 triệu đồng mỗi tháng.
Đã làm được nhiều việc, tuy nhiên anh vẫn cho rằng chưa trả hết nợ với đời khi ấp ủ một khao khát chưa thể thực hiện. Anh kể đã từng đến các trại giam, cơ sở phục hồi nhân phẩm, cai nghiện… để giúp đỡ mọi người. Tiếp xúc nhiều chị em, nghe họ bày tỏ ước mơ làm lại cuộc đời khi bước ra khỏi những chốn ấy, anh lại trăn trở bởi họ cần có một cái nghề thì mới bớt bị coi thường, xa lánh như mình ngày xưa.
“Tại xưởng tôi cũng có nhiều bạn nữ đến xin việc nhưng nghề điêu khắc rất cực, chỉ dành cho đàn ông. Tôi ước mình có đủ điều kiện để mở một tổ may, có thể nhận các chị em vào dạy nghề, làm việc. Tâm niệm là thế nhưng đã hai năm rồi chưa làm được", anh Hùng nói.
Còn về lý do anh giang tay với những người lầm lạc, anh cho biết đối với những người như anh, ngay cả gia đình cũng coi thường chứ đừng nói đến bên ngoài xã hội. “Tôi đã làm được và thành công nên tôi muốn nhân rộng cho những người có hoàn cảnh như tôi, giúp ích cho gia đình cho xã hội. Nhìn các bạn thành công, tôi cũng cảm thấy mình đi đúng hướng”, anh Hùng nói với ánh mắt rạng ngời.
Ngày 5/8, anh Hùng được Công an TP HCM tuyên dương vì thực hiện tốt công tác "tái hoà nhập cộng đồng đối với những người chấp hành xong án phạt tù" . Trong buổi lễ, một tấm gương khác là ông Liên Khui Thìn cũng khiến nhiều người thán phục. Từng là một tử tù, nhưng nhờ được ân xá và cải tạo tốt ông đã có ngày trở về với cuộc sống. Từ đây, người đàn ông nổi tiếng trong đại án kinh tế EPCO - Minh Phụng năm nào nào gầy dựng lại cơ ngời và lập Quỹ hoàn lương để giúp nhiều người từng lạc lối.