Hình ảnh sao Kim di chuyển qua đĩa mặt trời vào năm 2004.
Theo CLB Thiên văn Nghiệp dư TP. HCM, sự kiện hiếm này có tên là Venus transit, xảy ra vào sáng ngày 6/6 (giờ Việt Nam). Trong hơn 7 tiếng đồng hồ, “hành tinh song sinh” với trái đất sẽ di chuyển chầm chậm ngang qua mặt trời.
Tại Việt Nam không quan sát được quá trình đi vào đĩa mặt trời của sao Kim nhưng sẽ quan sát được các diễn biến tiếp theo cho đến tận khi sao Kim ra khỏi mặt trời. Đó là thời điểm ngay từ khi mặt trời vừa ló dạng, sao Kim đã nằm trong đĩa mặt trời, và tiếp tục diễn tiến đi qua đĩa mặt trời cho đến khi kết thúc vào khoảng 11h50 phút trưa 6/6.
Hiện tượng này xảy ra theo chu kỳ 2 lần một, mỗi lần cách nhau 8 năm. Và mỗi chu kỳ cách nhau gần một thế kỷ. Lần gần đây nhất là vào năm 2004 nên tháng 6 này sẽ là lần cuối cùng cho những người đang sống do lần kế tiếp sẽ vào năm 2117.
Sao Kim di chuyển qua đĩa mặt trời được đánh giá là sự kiện thiên văn nổi bật nhất năm 2012 do việc khó quan sát, nhiều năm mới xuất hiện, và nó chiếm vị trí quan trọng trong lịch sử thiên văn học. Vào thế kỉ 18, các nhà khoa học và các nhà thám hiểm đã đi khắp nơi trên trái đất nhằm quan sát chúng với mục đích tính toán kích cỡ của hệ mặt trời. Ngày nay các nhà khoa học vẫn hào hứng quan sát hiện tượng này vào tháng 6 nhằm kiểm tra thiết bị và nghiên cứu thêm về khí quyển của sao Kim....
Hướng dẫn quan sát
Để quan sát một cách an toàn, các bạn có thể mua những tấm kính lọc mặt trời để bao phủ thiết bị quan sát hoặc mua một chiếc kính lọc để đeo vào mắt. Nhưng cách an toàn và đơn giản nhất là quan sát gián tiếp mặt trời – sử dụng kính thiên văn hay một mắt của ống nhòm để chiếu ảnh của đĩa mặt trời lên một tấm bìa trắng. Hình ảnh xuất hiện trên tầm bìa sẽ an toàn cho việc quan sát cũng như chụp ảnh. Nhưng phải chắc chắn là đã che đi ống finder của kính thiên văn hay mắt không sử dụng của ống nhòm và nghiêm cấm tất cả mọi người nhìn qua đó.
Như vậy, thời gian tới, người Việt cũng như các nước trên thế giới được chiêm ngưỡng 2 hiện tượng thiên nhiên hiếm có là nhật thực hình khuyên (21/5) và sao Kim di chuyển qua đĩa mặt trời.
Xem một số hình ảnh sao Kim di chuyển qua đĩa mặt trời: