Liên quan đến việc người dân tại một số tỉnh đổ xô đi đổi bằng lái xe bằng giấy sang vật liệu PET những ngày gần đây, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, không có chuyện buộc phải đổi GPLX mô tô, xe gắn máy trong năm nay.
Cụ thể, ông Ngọc cho biết, đổi GPLX được Bộ GTVT quy định tại Thông tư số 38/2013 theo lộ trình: Giấy phép lái xe (GPLX) ôtô chuyển đổi trước ngày 31/12/2014; GPLX hạng A4 chuyển đổi trước ngày 31/12/2015.
Riêng GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) có lộ trình như sau: GPLX cấp trước năm 2003, chuyển đổi trước ngày 31/12/2016; GPLX cấp trước năm 2004, chuyển đổi trước ngày 31/12/2017; GPLX cấp trước năm 2007, chuyển đổi trước ngày 31/12/2018; GPLX cấp trước năm 2010, chuyển đổi trước ngày 31/12/2019; GPLX cấp sau năm 2010, chuyển đổi trước ngày 31/12/2020.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng Cục đã có văn bản đề nghị các Sở GTVT tăng thêm các bàn đón tiếp để phục vụ đổi GPLX, tránh tình trạng quá tải và thực hiện tốt chủ trương hiện đại hóa công tác quản lý người lái xe. Trường hợp đến thời điểm đó vẫn còn người chưa đổi được bằng, Tổng cục Đường bộ sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.
Lệ phí cấp GPLX đã được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 73/2012/TT-BTC ngày 14/05/2012. Theo đó, mức lệ phí cho một lần cấp giấy phép lái xe bằng vật liệu PET là 135.000 đồng/lần.
Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Hồ sơ đổi bằng lái xe gồm: Đơn đề nghị theo mẫu quy định; giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; bản sao chụp GPLX. Khi đến đổi GPLX, người lái xe được cơ quan cấp GPLX chụp ảnh và phải xuất trình GPLX, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu để đối chiếu.
Thời gian đổi GPLX là không quá 5 ngày làm việc nếu như nộp hồ sơ tại cơ quan đang trực tiếp quản lý GPLX hoặc không quá 25 ngày làm việc đối với cơ quan không trực tiếp quản lý GPLX. Kể từ ngày 1/12/2014, thời gian đổi GPLX đối với cả hai trường hợp trên là không quá năm ngày.