Ngăn chặn bạo hành ở mầm non: Quan chức đẩy trách nhiệm cho phụ huynh

Bà Tâm cho rằng vai trò của gia đình, cha mẹ rất quan trọng vì cha mẹ biết gửi con mình ở đâu để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Cả buổi sáng 23/12, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM chủ trì buổi làm việc với các cơ quan, ban ngành liên quan ở 24 quận, huyện nhằm tìm giải pháp ngăn chặn bàn tay bạo hành từ bảo mẫu, giáo viên mầm non.

Tại buổi làm việc, ai cũng phát biểu những cái khó, cái vướng để “né” trách nhiệm và quy trách nhiệm về gia đình, về “người mẹ” của trẻ.

Măc dù bà Quyết Tâm nhìn nhận thiếu chỗ cho người dân gửi con an toàn để cha mẹ các bé an tâm làm việc là trách nhiệm của lãnh đạo. Mà lãnh đạo cấp nào thì bà cũng không đề cập cụ thể, quy trách nhiệm cụ thể để ngăn chặn những vụ bạo hành dã man như điểm giữ trẻ Phương Anh.

Bà Tâm cũng thừa nhận rằng HĐND TP cũng chưa đưa ra những chương trình hành động, những nghị quyết nào để đảm bảo quyền lợi cho công nhân, cho trẻ em là con của công nhân đang lao động tại TP.HCM.

Đến giờ phút này, việc không có chỗ giữ trẻ cho con em công nhân, lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp là quá rõ ràng. Sự căm phẫn, phẫn nộ của dư luận đối với hai cô giáo, bảo mẫu ở nhà trẻ Phương Anh rồi sẽ chìm dần và người dân cũng phải đem con đến gửi vào những điểm giữ trẻ không phép này vì họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Cán bộ 24 quận, huyện, các sở Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Lao động- Thương binh và Xã hội phát biểu nhiều nhưng cũng chưa có giải pháp nào cụ thể trong thời gian tới để trấn an phụ huynh. Đó chỉ là những phát biểu làm mát lòng, xoa dịu dư luận.

Xem như lãnh đạo còn mắc nợ lời hứa “xây nhà trẻ cho con em công nhân” ít nhất cũng đã 5 năm trôi qua rồi. Cấp nào, ngành nào cũng có lý do để giải thích “vướng” ở đâu.

Tại buổi làm việc sáng 23/12, nhiều phóng viên trông chờ lãnh đạo thành phố làm quyết liệt, bắt buộc các doanh nghiệp phải xây nhà trẻ. Doanh nghiệp nào sử dụng nhiều lao động phải tìm nhà trẻ (nếu chưa xây dựng nhà trẻ), hợp đồng với những người có chuyên môn mở điểm giữ trẻ, có cam kết về hợp đồng, quyền lợi cho trẻ.

Các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn với hàng ngàn, hàng chục ngàn công nhân thì việc làm này càng cấp bách hơn.

Bà Tâm cho rằng vai trò của gia đình, cha mẹ rất quan trọng vì cha mẹ biết gửi con mình ở đâu để đảm bảo an toàn cho trẻ. Người mẹ không được thờ ơ với sức khỏe của con cái mình, nhiều người mẹ vô tâm lắm, con bị đánh thâm tím cơ thể mà cũng không để ý.

Nói thế đối với trẻ bị bảo mẫu bạo hành chẳng khác nào lỗi tại cha mẹ không biết chọn trường tốt cho con.

Một cuộc họp mà không đưa ra được giải pháp tạm thời thì coi như việc chặn đứng bạo hành trẻ rơi vào vòng lẩn quẩn: phát hiện, phẫn nộ, xử lý, bỏ tù… rồi phát hiện tiếp…