Hãng tin RIA dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga Nikolai Makarov: “Việc lắp đặt vũ khí tấn công tại miền Tây Bắc và Nam Nga chống lại thành phần tên lửa phòng thủ của NATO, kể cả việc triển khai hệ thống tên lửa Iskander tại vùng Kalinigrad, là cách có thể vô hiệu hóa cơ sở hệ thống tên lửa phòng thủ tại châu Âu”. Tướng Makarov nói rằng quyết định sử dụng biện pháp đánh chặn trước bằng vũ khí thích hợp sẽ được thực hiện trong tình thế nghiêm trọng.
Nga không loại trừ việc sử dụng vũ khí đánh chặn trước chống lại hệ thống tên lửa phỏng thủ của NATO. ( Ảnh RIA)
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cũng trình bày tại hội nghị này rằng hệ thống tên lửa phòng thủ ở châu Âu sẽ có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga, khi hệ thống này được hoàn tất vào năm 2020 như kế hoạch.
Trước đó, đặc sứ Mỹ về ổn định chiến lược và tên lửa phòng thủ Ellen Tauscher tuyên bố qua cuộc họp truyền hình rằng Mỹ vẫn xúc tiến đầy đủ việc hoàn tất hệ thống tên lửa của NATO tại châu Âu, ngay cả khi Nga hứa dùng mô hình vi tính để thể hiện rõ tại hội nghị nói trên rằng hệ thống tên lửa này đe dọa an ninh Nga như thế nào. Tuy nhiên, bà Tauscher khẳng định rằng hệ thống tên lửa của NATO không đe dọa Moscow.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Tauscher: “Chúng tôi không thể đồng ý những điều kiện mà chính quyền Nga phác thảo trước. Chúng tôi không thể đồng ý bất cứ giới hạn nào cho sự triển khai tên lửa phòng thủ của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý khẳng định bằng tuyên bố rằng chúng tôi không nhắm vào nước Nga”. Washington luôn lặp lại rằng hệ thống tên lửa này nhằm đối phó với mối đe dọa từ Iran.
Tranh cãi về vấn đề này làm chậm việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ và vẫn có thể vẫn tiếp tục gây trở ngại khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin trở lại Điện Kremlin vào tuần tới sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.