-Trước hết xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này. Xin Bộ trưởng cho biết đồng chí đánh giá đánh giá thế nào về kết quả chuyến thăm?
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga có truyền thống hữu nghị lâu đời, và trong tất cả các thời kỳ bạn luôn luôn có sự hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quốc phòng. Và trong tất cả các thời kỳ, quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ bị gián đoạn.
Hiện nay hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong đó hợp tác kỹ thuật-quân sự và quốc phòng có bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Chuyến thăm Nga lần này của chúng tôi trước hết nhằm thực hiện các thỏa thuận cấp cao đã đạt được giữa lãnh đạo hai nhà nước về hợp tác song phương, trong đó có hợp tác quốc phòng và kỹ thuật-quân sự.
Thứ hai là thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Nga, đại tướng Sergey Shoigu hồi tháng 3 đầu năm nay.
Thứ ba là triển khai tiếp các bước hợp tác sâu hơn về đào tạo và kỹ thuật quân sự. Qua chuyến thăm của đoàn quân sự cấp cao Việt Nam, bạn trao đổi nhiều tình hình, hai bên thống nhất quan điểm đánh giá, tầm quan trọng và sự cần thiết phải hợp tác ngày càng sâu rộng hơn, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào giữ gìn hòa bình khu vực và không nhằm vào nước thứ ba. Đây là quan hệ song phương.
Chuyến thăm đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy chính trị và đáp ứng được các yêu cầu hiện nay. Trong đó, bạn đồng ý đào tạo cho Việt Nam cán bộ quân sự ở các cấp và các lĩnh vực khác không thuộc về an ninh. Học viện quân sự của Bộ tổng tham mưu quân đội Liên bang Nga và các trường quân sự đồng ý đào tạo cho Việt nam cán bộ biên phòng, bảo vệ an ninh quân đội và các lĩnh vực khác.
Về hợp tác kỹ thuật quân sự, hai bên đã bàn các biện pháp triển khai thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trước đây. Hai bên thống nhất đối với các hợp đồng mua sắm vũ khí đã ký kết, Liên bang Nga đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý và có ưu đãi với Việt Nam; đảm bảo hậu mãi, sửa chữa bảo dưỡng, cung cấp vật tư phụ tùng. Hai bên cũng thống nhất bàn phương hướng thành lập liên doanh sửa chữa bảo dưỡng đối với các khí tài trước đây Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam và cả vũ khí hiện nay. Trong đó có nhiều vũ khí công nghệ cao cần đào tạo con người và chuyên môn kỹ thuật để khai thác có hiệu quả, thông qua sửa chữa bảo dưỡng để bạn giúp Việt Nam làm chủ hoàn toàn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chúng tôi còn đi thăm một số đơn vị quân đội của bạn như Bộ tổng tham mưu, sư đoàn bộ binh cơ giới số 2 và một số đơn vị khác, qua đó chúng tôi tìm hiểu và học hỏi được những điều cần thiết để xây dựng quân đội Việt Nam.
- Thưa Bộ trưởng, ngài có thể cho biết, ngoài đào tạo, phía Nga còn quan tâm đến những lĩnh vực nào trong hợp tác kỹ thuật-quân sự với Việt Nam?
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Bạn có đề nghị ta đơn giản hóa các thủ tục hành chính để khi bạn có nhu cầu vào cảng Cam Ranh của Việt nam để sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền và cho quân nhân nghỉ ngơi trong quá trình hành quân. Về vấn đề này, quan điểm nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự với nước ngoài, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam, chúng ta cũng không có chủ trương hợp tác với nước lớn này làm phương hại đến quan hệ với nước lớn khác.
Chủ trương nhất quán của chúng ta là độc lập, tự chủ trong các hoạt động đối ngoại, đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế.
Lợi thế của chúng ta là có cảng Cam Ranh, là cảng nước sâu, kín gió lại nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Đây là tuyến đường biển hết sức nhộn nhịp, chiếm đến trên 45% tổng lượng hàng hóa thương mại quốc tế đi qua khu vực này.
Các nước lớn cũng có lợi ích ở đây, vì vậy họ có nhu cầu tuần tra, bảo vệ các đường vận tải quốc tế nhằm chống cướp biển và giao lưu quốc tế. Họ có nhu cầu vào cảng của chúng ta để bảo dưỡng tàu thuyền, làm các dịch vụ kỹ thuật và cho thủy thủ nghỉ ngơi sau hành trình dài ngày trên biển. Đó là nhu cầu không chỉ của Nga mà rất nhiều nước cũng có nhu cầu đó.
Chủ trương của chúng ta là quy hoạch cảng Cam Ranh thành nhiều phần, trong đó phần thứ nhất là khai thác kinh tế, thu hút đầu tư làm du lịch. Nếu Nga cũng có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nghỉ dưỡng thì chúng ta cũng hoan nghênh, trên tinh thần theo luật đầu tư của Việt Nam.
Khu vực thứ hai là làm các cảng biển thương mại quốc tế, sửa chữa tàu thuyền. Theo tôi nắm được thì hiện nay đã có 7 tàu thuyền của Mỹ vào sửa chữa ở Việt Nam, trong đó có cảng Hồ Chí Minh và Cam Ranh.
Khu vực thứ ba được quy hoạch dành riêng cho Hải quân, ở đây sẽ làm các cảng chuyên dụng phục vụ cho các tàu của hải quân.
Khu vực thứ tư chúng ta sẽ làm các dịch vụ hậu cần kỹ thuật, do Tổng công ty Tân Cảng của hải quân Việt Nam làm chủ đầu tư, quản lý điều hành và khai thác sử dụng, chủ quyền hoàn toàn thuộc Việt Nam. Chúng ta cũng đang dự định liên doanh với công ty Vietsopetro xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật với chức năng đóng mới, sửa chữa các loại tầu biển, giàn khoan, sửa chữa tàu vận tải, quân sự và dân sự, không chỉ của Nga mà tất cả các nước có nhu cầu. Tất nhiên, khi vào đây họ phải chịu sự quản lý, điều hành của Việt Nam và theo các thủ tục của Việt Nam và các hợp đồng kinh tế.
- Nga là cường quốc có nền quốc phòng và kỹ thuật quân sự rất hùng mạnh. Vậy theo Bộ trưởng, hợp tác quân sự với Nga có ảnh hưởng tích cực thế nào đối với Việt Nam?
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: như tôi nói lúc đầu, quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga có truyền thống hữu nghị lâu đời, và bạn giúp ta là chính, chúng ta chỉ giúp lại được phần nào. Liên xô trước đây và Nga ngày nay là cường quốc quân sự, có bề dày về lịch sử, kiến thức quân sự, tiềm năng nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện rất lớn.
Trong thực tiễn rất nhiều thế hệ cán bộ của chúng ta do Liên Xô và Nga đào tạo đã chứng minh được thành công trong công cuộc bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Về mặt kỹ thuật quân sự, Nga có trình độ công nghệ cao và cách sử dụng đã khá quen thuộc với chúng ta. Khối lượng vũ khí Liên Xô trước đây viện trợ cho Việt nam thì quân đội chúng ta do công tác bảo quản, sử dụng bảo dưỡng và kéo dài tuổi thọ rất tốt nên mặc dù một số nước đã thanh loại song đối với chúng ta vẫn còn rất quý. Chúng ta cần nâng cấp, số hóa, kéo dài tuổi thọ, tăng tầm bắn và độ chính xác.
Vì vậy hợp tác kỹ thuật quân sự, đào tạo cán bộ, chuyển giao công nghệ và lập liên doanh để bảo dưỡng sửa chữa kỹ thuật là hết sức cần thiết. Điều đó còn góp phần vào nâng cao năng lực và sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng là đóng góp chung vào hòa bình khu vực và thế giới.
Khi trả lời các phương tiện thông tin đại chúng của Nga, chúng tôi cũng nói rằng đây là hợp tác song phương, phục vụ lợi ích của hai bên và không nhằm vào nước thứ ba, không có liên minh quân sự và cũng không có căn cứ quân sự của Nga ở Việt Nam.