Nga công bố ảnh chấn động về máy bay MH17

Ngày 14/11, kênh 1 truyền hình Nga cho biết tấm ảnh chấn động được cho là “được chụp bởi vệ tinh do thám nước ngoài vào những phút cuối của chiếc máy bay Malaysia MH17”.

Bản tin kênh 1 truyền hình Nga hôm qua (14/11) cho biết: hồi tháng 8, Liên đoàn kỹ sư Nga đã công bố báo cáo của họ về những nguyên nhân có thể của thảm họa này, được giới thiệu rộng rãi trên truyền thông Nga cũng như trên Internet.

Báo cáo cung cấp thông tin chi tiết của việc phân tích tất cả những dữ liệu đã có từ tất cả các nguồn tin, từ những tính toán kỹ thuật và các giả thiết được đưa ra.

Kết luận của các chuyên gia trong báo cáo này: giả thiết kỹ thuật khả dĩ duy nhất là máy bay Malaysia đã bị tấn công bởi tên lửa của một máy bay khác.

Trong báo cáo có một chi tiết đáng lưu ý: không có bằng chứng nào về việc phóng tên lửa đất - đối - không.

Trong khi việc bắn tên lửa “Buk” (mà một số nguồn tin phương tây và Ukraine cho rằng là nguyên nhân thảm họa) luôn kèm theo một đám mây lửa, tiếng nổ chói tai vang xa trong phạm vi bán kính 10km, và các dấu vết có thể thấy rõ trên bầu trời tới 10 phút.

Bản tin kênh 1 tóm tắt: “Báo cáo này đã phủ nhận giả thiết về việc MH17 bị tên lửa Buk tấn công: hàng chục nhà quan sát chuyên nghiệp từ các phía lẫn hàng nghìn những người quan sát không chuyên, không ai ghi nhận được một chi tiết gì để ủng hộ giả thiết về tên lửa Buk. Trong khi đó, lại có ghi nhận về các máy bay trên bầu trời Ukraine khi ấy. Và chắc chắn không phải máy bay Nga. Các lập luận của các chuyên gia từ báo cáo này đã được lan truyền trên Internet và được dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức”.

Sau báo cáo này, như lời phó chủ tịch thứ nhất Liên hiệp các kỹ sư Nga Ivan Andrievski được bản tin Kênh 1 trích dẫn: “Chúng tôi nhận được khối lượng lớn thông tin, trong số này có các dữ liệu khác nhau và các tính toán kỹ thuật và cuối cùng, vào ngày 12-11, chúng tôi nhận được những thông tin này: một người đàn ông tự giới thiệu đã tốt nghiệp MIT (Đại học công nghệ Massachusetts), có 20 năm kinh nghiệm của một chuyên gia hàng không và cuối email ký tên George Bilt, viết rằng: “Tôi hoàn toàn đồng tình với các kết quả phân tích của các ông về nguyên nhân lâm nạn của MH17. Nó bị bắn hạ bởi một máy bay chiến đấu bay theo phía sau. Lúc đầu nó bị bắn bằng đạn, sau đó cabin bị tấn công bởi tên lửa không - đối - không, khi động cơ phải và cánh phải của máy bay bị bắn bởi tên lửa hướng nhiệt”.

Kèm theo email này là tấm ảnh cho thấy tên lửa được phóng từ cánh trái của máy bay chiến đấu nhắm vào buồng lái của MH17. Theo các chỉ dấu về địa hình, thời tiết, kích thước máy bay thì tấm ảnh hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh của tai họa.

Các thông số ghi nhận trên ảnh đều khớp với hoàn cảnh xảy ra thảm họa

Ông Ivan Andrievski phân tích thêm: “Trước mắt chúng ta là một tấm ảnh vũ trụ chụp từ quỹ đạo không cao lắm. Đây là những tấm ảnh thường được chụp nhằm mục đích do thám không gian cũng như khoảng không mặt đất. Theo các tọa độ ghi trong ảnh, có thể giả định nó được chụp bởi vệ tinh Mỹ hay Anh. Chúng tôi đã phân tích chi tiết bức ảnh và không phát hiện một dấu vết làm giả nào”.

Bản tin kênh 1 truyền hình Nga kết luận: “Tất cả các giả thiết đều cần được xem xét, kể cả phương án khét tiếng Buk. Người gửi tấm ảnh mà trên đó thấy rõ chiếc Mig-29 tiêu diệt máy bay hành khách Boeing, dù là ai thì ông ta cũng là một người chuyên nghiệp. Vì để làm giả một tấm ảnh như thế, cần tay nghề rất cao để tiếp cận một thông tin như thế… 

Cho đến thời điểm hiện nay, có tất cả mọi lý do để tin rằng những tội ác cấp quốc gia đã được thực hiện bởi những kẻ cố tình và ác độc hủy diệt chiếc máy bay. Và những ai cố tình và độc ác che giấu nó, đang nắm thông tin toàn diện”.

Chuyến bay MH17 khởi hành từ Amstersam đi Kuala Lumpur đã bị bắn hạ trên vùng trời của  khu vực chiến sự ở đông Ukraine hôm 17-7, làm toàn bộ 298 hành khách và phi hành đoàn tử nạn.

Một báo cáo sơ bộ sau đó của Ủy ban an toàn Hà Lan về thảm họa MH 17 đã cho rằng máy bay bị tấn công bởi “những vật thể năng lượng cao từ bên ngoài thân máy bay”, nhưng không nói rõ “vật thể năng lượng cao” này là từ tên lửa đất- đối- không hay vũ khí nào khác.

Trước cuộc gặp G 20 ở Brisbane - Úc (diễn ra trong hai ngày 15 và 16-11), thủ tướng Úc Tony Abbott đã tuyên bố sẽ đặt những “câu hỏi rắn” cho tổng thống Nga V. Putin về thảm họa này.