Tính đến thời điểm này là gần 3 tháng kể từ khi nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, người thiệt mạng tại thẩm mỹ viện Cát Tường, số 45, Giải Phóng, Hà Nội) bị phi tang. Cùng với đó là rất nhiều "kịch bản" và hàng loạt giả thiết, nghi vấn được độc giả đưa ra và cũng có nhiều luồng ý kiến khi nói về tội danh của đối tượng Nguyễn Mạnh Tường.
Một trong những giả thiết được đưa ra là nếu chị Huyền trở về sau một vài năm nữa thì sẽ buộc tội như thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm chủ tịch hội đồng tư vấn Công ty luật Hợp Danh Hồng Bách và cộng sự cho rằng: Phải xem xét việc thủ tục pháp lý được thực hiện theo đề nghị của ai và vấn đề xoay quanh quyền và lợi ích hợp pháp về mặt dân sự của những người đưa ra đề nghị.
Dù 3 tháng trôi qua nhưng gia đình chị Huyền vẫn không từ bỏ mọi hy vọng tìm kiếm thi thể chị.
Nếu gia đình nạn nhân Huyền đề nghị thì rõ ràng tòa phải thực hiện, hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người đã chết khi người đó trở về thì các quyền lợi về mặt dân sự của con người sẽ lập tức được phục hồi.
Chúng ta chỉ nói đến oan sai trong hình sự còn dân sự không nói đến câu chuyện oan sai. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người đã chết rồi lấy đó làm căm cứ pháp lý để cho rằng người đó đã chết để xử lý hình sự thì cơ quan nào thực hiện việc oan sai, thì theo trình tự của luật Bồi thường Nhà nước, cơ quan đó sẽ phải bồi thường.
Luật sư Trần Đình Triển, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cũng cho rằng: Tôi tin trong vụ việc này không có bức cung, mớm cung. Và việc diễn tả hành động đó tại cầu Thanh Trì diễn ra rất khách quan, vô tư dưới sự chứng kiến của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng, không ai ép buộc anh cả.
Còn theo luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa: Nếu bám vào giả thiết không tìm được xác, cơ quan chức năng sẽ chiếu theo điều 81 BLDS tuyên bố chị Huyền đã chết. Vậy hậu quả pháp lý chị Huyền chết đã được pháp luật công nhận.
Yếu tố thứ 2 là các căn cứ liên quan đến lời khai mà cơ quan công an thu thập được nó liên đới đến hành vi gây chết người. Trong trường hợp không tìm thấy xác chị Huyền mà pháp luật đã công bố chị Huyền chết và các tình tiết liên quan đến nhân chứng, lời khai phù hợp thì khởi tố hành vi Giết người không có gì khó khăn.
Tuy nhiên, vấn đề giải quyết trong trường hợp 5, 6 hay 7 năm chị Huyền quay về thì có dấu hiệu oan sai hay không? Chắc chắn có oan sai nhưng hậu quả pháp lý do ai gây ra đối với oan sai này thì tôi cho rằng, khi chị Huyền quay về không thể buộc tội ai.
Vì chúng ta đã áp dụng tất cả mọi yếu tố quy định pháp lý cũng như về khoa học. Hành vi, hậu quả gây ra oan sai không phải do cá nhân, không phải do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Không thể buộc những người đó. Đây là vấn đề rất hy hữu của pháp luật.