Mới đây, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hương (Thanh Sơn, Phú Thọ) chưa hết sốc khi phải móc túi 100.000 đồng trả 2 cốc nước mía mà có tới 3/4 là đá.
Chị Hương kể, thứ 4 vừa rồi, chị và đứa con nhỏ từ Phú Thọ xuống Hà Nội đến chơi nhà người bà con. Xuống tới bến xe Mỹ Đình, trong lúc chờ người thân ra đón, chị và con trai tạt vào quán nước mía ngay cạnh bến xe gọi hai cốc nước mía.
Vừa ngồi xuống ghế, chủ hàng nước mía đã nhanh nhảu: “Trời nóng chị cho nhiều đá để hai mẹ con uống cho mát nhé”. Chưa đầy ba phút sau, hai cốc nước mía được đem ra. Trời thì nắng, đường thì xa nên cậu con trai làm một hơi là hết, cốc nước mía còn trơ lại 3/4 là đá. “Đến lúc tính tiền, chủ quán nói hai cốc hết 100.000 đồng mà tôi phát hoảng, bởi cốc mía đá những chỗ khác giá chỉ từ 8.000-10.000 đồng”.
Thắc mắc sao giá đắt thế, chị Hương nhận được câu trả lời: “Trời nắng nóng chỗ nào giá chẳng thế, ai bán đắt cho em làm gì. Nước mía chỗ chị là mía đá sạch mà!”. Quá bức xúc, chị Hương đành ngậm ngùi trả tiền mà không khỏi choáng với kiểu “chặt chém” khách của chủ hàng nước vỉa hè này.
Tương tự, chị Bùi Thanh Tâm ở phố Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng phải trả tới 20.000 đồng cho một cốc trà đá và 5.000 đồng cho một cái kẹo cao su khi ngồi uống nước tại một quán nước vỉa hè.
Chị Tâm kể, chủ nhật tuần vừa rồi chị ra bến xe Giáp Bát để lấy đồ người nhà gửi từ Hà Nam lên. Ra sớm, trong lúc chờ xe ô tô chạy tới bến và để tránh nắng, chị tạt vào hàng nước ở ngay bên hông bến xe gọi một cốc trà đá ra uống cho đỡ khát và ăn một cái kẹo cao su khi ngồi chờ.
“Khoảng 15 phút sau, thấy xe ô tô chạy vào bến, tôi đứng dậy trả tiền, chủ quán bảo hết 25.000 đồng. Trong đó 20.000 đồng/cốc trà đá, kẹo cao su hết 5.000 đồng nữa”, chị cho hay.
Kêu đắt bởi trà đá bình thường chỉ 2.000-3.000 đồng/cốc còn kẹo cao su chỗ nào bán đắt giá mới 1.000 đồng/cái, không thì chỉ có 500 đồng/cái. Song, chủ hàng nước còn chẳng buồn giải thích mà chỉ nói một câu: “Vào uống nước sao không hỏi giá, còn uống rồi thì trả tiền đi đi chứ thắc mắc đắt rẻ làm gì”.
Chị Tâm bức xúc: “Không phải nấu bằng chè tươi mà pha bằng chè mạn vậy mà còn hét giá những 20.000 đồng/cốc. Ở trước cổng cơ quan tôi, một cốc trà đá to đùng, uống thỏa mái mới có 2.000 đồng, cốc nhỏ chỉ 1.500 đồng. Cứ kiểu làm ăn này thì khách không dám quay lại lần thứ hai ”.
Chuyện khách bị “chặt chém” khi ăn uống ở các hàng quán vỉa hè đã có từ lâu, nhất là ở các bến tàu, bến xe. Song, vẫn có rất đông người dân từ quê lên, thậm chí người dân ở thủ đô qua bến xe uống nước, cũng bị các chủ quán nước vỉa hè “chặt chém” không thương tiếc.
Cách đây không lâu, báo chí cũng đã phản ánh trường hợp một chủ quán phở bình dân ở ngõ 23 Kim Đồng, ngay cạnh bến xe Giáp Bát tính 70.000 đồng/tô phở hay 130.000 đồng/đĩa cơm rang cho khách...
Trên thực tế, tại các quán nước vỉa hè ở gần bến tàu, bến xe, giá đồ ăn, thức uống thường cao gấp đôi, gấp ba lần so với giá ngoài thị trường. Còn nếu các chủ hàng thích ra tay “chắt chém”, nhìn mặt khách để tính tiền thì giá hàng hóa có thể cao gấp chục lần giá bình thường.
Bác Toản chạy xe ôm ở bến xe Giáp Báp được gần chục năm nay cho biết, chỉ có cánh xe ôm quen mặt vào quán nước, quán cơm hay phở ở bến xe này mới không bị chặt chém. Còn khách lạ là dân tỉnh lẻ, kẻ cả dân thủ đô vào ăn uống, ít nhất cũng bị chủ hàng tính giá cao gấp đôi, gấp ba lần. Nhiều chủ hàng ăn còn hét giá cao gấp cả chục lần.
“Ở bến xe chủ yếu toàn khách lạ từ các tỉnh đổ về chứ chẳng mấy khi có khách quen, nên chủ hàng vô tư hét giá mà không lo sẽ bị mất khách”, bác Toản nói.