Ông Mark Rosenker, cựu chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ, cho biết, sự cố với chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines và máy bay Airbus A330 của Air France trên biển Đại Tây Dương năm 2009 cho thấy sự cần thiết phải nâng cấp khả năng của hộp đen máy bay, vốn đã rất lỗi thời.
Vị tướng đã nghỉ hưu của không quân Mỹ tin rằng các nhà sản xuất cần tìm ra cách truyền thông tin từ hệ thống lưu trữ dữ liệu máy bay và ghi âm buồng lái tới một “đám mây” cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ cơ quan chức năng điều tra tai nạn ngay sau khi nó xảy ra. Đây sẽ là cách thức hoàn hảo nhằm nhanh chóng tìm ra vị trí một chiếc máy bay gặp nạn, tăng khả năng tìm thấy người còn sống.
Ông Rosenker khẳng định: “Đây là vụ mất tích bí ẩn thứ 2 trong 5 năm qua. Các nhà điều tra gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm hộp đen để xác định nguyên nhân gây ra sự cố. Chúng ta cần tạo ra những khái niệm mới trong lĩnh vực điều tra tai nạn hàng không, vốn quá thụ động so với đòi hỏi của thế kỷ 21”.
Ở thời điểm hiện tại, 26 quốc gia đang nỗ lực truy tìm chiếc Boeing 777 của hãng Malaysia Airline trên khoảng diện tích tương đương lãnh thổ Australia trong suốt 13 ngày qua. Tuy nhiên, người ta chưa phát hiện bất kể dấu vết nào về chiếc máy bay mất tích. Nó dấy lên nhiều suy đoán trái ngược về số phận chiếc Boeing cùng tính mạng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Tuy nhiên, việc đưa dữ liệu máy bay lên “đám mây” đòi hỏi những cải tiến kỹ thuật rộng khắp trong ngành công nghiệp hàng không. Những chiếc máy bay cũ khó hợp nhất với loại công nghệ mới này một phần vì yếu tố kỹ thuật, phần vì chi phí quá đắt so với hạn sử dụng của chúng. Các hãng hàng không còn phải trả số tiền lớn để nâng cấp băng thông, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh.
Mô phỏng công nghệ "đám mây" cơ sở dữ liệu. Ảnh: Blogspot.
Các máy bay ngày nay được trang bị hệ thống thông tin dữ liệu tự động (ACARS) hoặc các thiết bị liên lạc qua sóng radio hoặc vệ tinh, cho phép gửi các thông số về tình trạng máy bay, động cơ tới trung tâm chỉ huy trên mặt đất. Tuy nhiên, ACARS chỉ gửi tín hiệu về mỗi một lần/giờ. Người ta cho rằng, dữ liệu này quá ít trong trường hợp máy bay gặp nạn.
Trên thực tế, có khoảng 93.000 chuyến bay mỗi ngày nhưng chỉ hai sự cố hy hữu xảy ra trong 5 năm. Nó khiến việc duy trì băng thông lớn trở nên lãng phí. Việc này sẽ khả thi hơn nếu chỉ áp dụng công nghệ đám mây dữ liệu cho những chiếc máy bay phải vượt các đại dương lớn hoặc những vùng đất hoang vắng.
Hiện tại, các máy bay vận tải quân sự của Mỹ hạng nặng của Mỹ như C-5 đã được trang bị hệ thống ghi dữ liệu trực tiếp vì chúng thường xuyên phải di chuyển vượt đại dương. Tuy nhiên, rào cản kinh tế khiến công nghệ này chưa được phổ biến trên các loại máy bay chở khách thông thường.