Nạn phân biệt chủng tộc tàn nhẫn trong làng mốt quốc tế

Bị đối xử bất công chỉ vì khác màu da là vấn nạn đang nhũng nhiễu làng mẫu.

Khi thế giới đang dần xích lại gần hơn với những hợp tác đa phương và sự hòa trộn của đa văn hóa, đa sắc tộc, thì tiếc thay, trong nhiều lĩnh vực người ta vẫn bắt gặp đâu đó những câu chuyện buồn về tệ phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo…, từ lĩnh vực kinh doanh với câu chuyện Apple gặp rắc rối vì nhân viên phân biệt chủng tộc, đến cả lĩnh vực thể thao, giải trí.

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ nỗi buồn của Psy“nhí” Hwang Min Woo khi bị người dân Hàn Quốc bài xích, hay Psy “lớn” đã bị khán giả la ó phản đối không thiện cảm khi biểu diễn khai mạc một trận bóng đá tại Ý, thậm chí sao nữ Lucy Liu cũng than thở cô từng là nạn nhân của tình trạng phân biệt chủng tộc tại Hollywood.

Mặc dù phân biệt chủng tộc hay tôn giáo là vấn đề rất “nhạy cảm” trong xã hội hiện đại, nhưng không vì thế mà tệ nạn này bị “khai trừ”, mà ngược lại vẫn âm thầm “làm đau” những nạn nhân của chúng ta, ngay tại những quốc gia luôn tự hào có nền kinh tế phát triển và hệ tư tưởng tiến bộ như Mỹ, Ý, Pháp…

Đặc biệt, càng rõ nét hơn trong ngành kinh doanh đầy khắc nghiệt và mang tính đào thải cực lớn như lĩnh vực thời trang.

Thực tế xót lòng trên sàn diễn

Christian Dior là thương hiệu từng bị dính vào rất nhiều scandal liên quan đến kì thị màu da trên sàn diễn, vì hầu như họ chỉ sử dụng mẫu da trắng. Cựu giám đốc sáng tạo John Galliano từng bị cho thôi việc do thể hiện sự kì thị tôn giáo, chủng tộc

Xuất hiện trên những sàn diễn xa hoa, khoác lên mình các thương hiệu đẳng cấp thế giới như Chanel, Saint Laurent, Christian Dior, được lên ảnh bìa của những tạp chí danh tiếng quốc tế như Vogue, Elle, Harper's Bazaar…, thành danh tại những kinh đô thời trang lừng lẫy như Paris, London, New York, Milan luôn là mơ ước và là mục tiêu phấn đấu của nhiều mẫu trẻ xinh đẹp và quyến rũ.

Nhưng tiếc thay, cánh cửa đến với vinh quang này không phải dễ bước qua, nhất là với những cô gái không sở hữu làn da trắng, tóc vàng, mắt xanh. Với những cô gái gốc Á hay Phi, cánh cửa vốn rất hẹp này, lại càng thêm hẹp.

Theo thống kê mới nhất vào năm 2012 tại sự kiện New York Fashion Week, có đến gần 80% người mẫu da trắng xuất hiện trên sàn catwalk, trong khi tỷ lệ người mẫu da đen và gốc Á chỉ chiếm khoảng 8 – 8,5 %, mặc dù đây đã được xem là tỷ lệ đáng mừng của việc cởi mở hơn khi sử dụng người mẫu nhiều màu da.

Con số người mẫu độc quyền cho các hãng thời trang lại càng thê thảm, khi nhãn hàng danh tiếng Christian Dior hầu như chỉ sử dụng mẫu da trắng, còn Chanel thì “đối phó” với việc chỉ trích nạn phân biệt chủng tộc trên sàn diễn bằng việc casting duy nhất một mẫu da màu.

James Scully, người chịu trách nhiệm casting người mẫu cho các thương hiệu lớn như Tom Ford, Jason Wu, Derek Lam, Stella McCartney, Lanvin và Carolina Herrera, đã thẳng thừng chỉ rõ tình trạng kì thị mẫu da màu đang tồn tại đầy rẫy trong làng thời trang, nhất là ở nhãn hàng Christian Dior vào tháng 3 năm nay như sau: “Tôi thấy Dior vẫn chỉ nhắm vào các người mẫu da trắng trong quá trình tuyển chọn. Tôi xem các show diễn của họ mà rất bực mình vì điều này”.

Đồng tình với James Scully, John Pfeiffer - giám đốc casting của Michael Kors, Donna Karan, Diane von Furstenberg và Victoria's Secret, cho rằng sự đa dạng hóa trong quá trình tuyển chọn người mẫu là rất quan trọng, tuy nhiên nếu trong một show diễn mà chỉ có 1 cô gái châu Á hay da màu thì sự đa dạng hóa đó chỉ mang tính đối phó hình thức.

Đã qua rồi thời vàng son của mẫu da màu vào những năm cuối thập niên 70, đầu 80, khi cả xã hội tập trung ủng hộ phong trào đòi quyền công dân cho người da đen, và sàn catwalk cùng các tạp chí thời trang là những điểm sáng tiên phong trong việc ưu tiên dùng người mẫu da màu. Khi đó, họ là những ngôi sao.

Ngày nay, sự ưu ái cho người mẫu da màu đã không còn nữa. Nhận xét về tình trạng này, bà Hardison, cố vấn kỳ cựu của hai siêu mẫu Naomi Cambpell và Iman, đã phát biểu đầy bi quan: “Thế giới thời trang không mấy cảm tình với phụ nữ da màu. Tạp chí Vogue ở Mỹ thậm chí không hề đặt hình ảnh người mẫu da đen lên trang bìa, vì ban biên tập cho rằng trang bìa có hình ảnh “đen” như thế sẽ không bán được.

Những ông chủ của các tạp chí thời trang nổi tiếng thậm chí còn suy nghĩ trước khi đặt hình ảnh người mẫu da màu lên trang trong của tạp chí. Trong danh sách 15 người mẫu kiếm tiền nhiều nhất trong năm 2007 theo bình chọn của tạp chí Forbes, chỉ có duy nhất một mẫu da đen: Liya Kebede”.

Để minh chứng cho việc kỳ thị người mẫu da đen và gốc Á, bà đã chỉ ra dẫn chứng, ở Louis Vuitton, trong tổng số 54 người mẫu chỉ có 4 người mẫu da đen.

Trong bộ sưu tập ra mắt năm 2008, Chanel không có người mẫu da đen nào, tương tự với các nhãn hàng Yohji Yamamoto, Giorgio Armani hay Jil Sander. Còn lại, các nhãn hàng lừng danh thế giới khác như Balenciaga, Gucci, Christian Lacroix và Prada chỉ có 1 người mẫu da đen.

Chỉ duy nhất có mỗi mẫu da màu Liya Kebede được vinh danh trong danh sách 14 người mẫu có thu nhập nhiều nhất năm 2007 của Forbes

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng kì thị chủng tộc đầy tàn nhẫn này, Carole White, giám đốc công ty quản lý người mẫu Premier cho biết: “Các cô gái da đen sẽ phải khởi nghiệp ở nghề người mẫu một cách chật vật hơn gấp nhiều lần so với một cô gái da trắng.

Một phần nguyên nhân là do đôi khi nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ trang điểm e ngại làm việc với các mẫu da đen, vì sẽ rất khó để làm tỏa sáng làn da của người mẫu hay tạo điểm nhấn trên khuôn mặt so với mẫu da trắng.

Nhiều khi, doanh nghiệp cũng ngại sử dụng mẫu da đen hay da màu cho các chiến dịch của họ, vì sợ sẽ không bán được hàng hay đảm bảo doanh số như dùng các mẫu da trắng”.

Những lý do này nghe có vẻ rất bình thường trong giới kinh doanh thời trang, nhưng lại tạo nên những vết cứa đầy đau đớn cho ai từng là nạn nhân của thói kì thị chủng tộc tàn nhẫn này.

Thiên thần Victoria’s Secrect – Chanel Iman, dù là đại diện thường xuyên của Vogue, Versare hay YSL, cũng đã đắng lòng khi chia sẻ về những cảm giác mà mình phải trải qua: “Tôi bị những nhà thiết kế gạch tên và nói thẳng rằng, họ đã có một người mẫu da đen rồi nên không cần tôi nữa. Tôi thật sự cảm thấy buồn. Khi ai đó nói với bạn rằng họ không cần bạn chỉ bởi đã có trong tay một người giống đồng loại với bạn, đó là một sự sỉ nhục lớn”.

Chuyện phân biệt đối xử giữa mẫu da trắng và da màu không chỉ có ở các nhà thiết kế, mà còn ở các tạp chí nổi tiếng thế giới như Vogue ở Anh.

Ngay cả “báo đen” Naomi Cambpell cũng từng than thở về việc mình bị phân biệt đối xử khi mong muốn được xuất hiện trên trang bìa của tờ tạp chí danh tiếng này: “Tôi chưa một lần nào được lên trang bìa của tạp chí Vogue ở Anh cả. Tôi đã đề nghị họ hàng ngàn lần, nhưng hàng ngàn lần, tôi bị từ chối. Nửa năm qua, trên bìa của tạp chí Vogue là hình của nhiều siêu mẫu da trắng. Phải tới 6 lần tôi cũng mặc những bộ cánh mà họ mặc nhưng vô ích…”.

“Báo đen” Naomi Cambpell dù là siêu mẫu vẫn bị Vogue ở Anh từ chối không cho lên trang bìa của tạp chí danh tiếng này

Mẫu gốc Phi, mẫu châu Á vất vả tiến thân

Để trở thành một trong những siêu mẫu lừng danh và nổi tiếng nhất thế giới như hiện nay, ít ai biết rằng “báo đen” Naomi Cambpell đã phải trải qua giai đoạn đấu tranh đầy vất vả với tệ phân biệt màu da trên sàn diễn.

Ngoài việc phải làm việc gấp đôi các mẫu da trắng để khẳng định mình, Naomi còn phải đối diện với sự ganh ghét, đố kị và tẩy chay từ đồng nghiệp và những người mang tư tưởng bảo thủ hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Nhiều khán giả và những người trong nghề không thích thú gì với việc một người mẫu da đen có thể có được vị trí cao trong làng mẫu – vốn vẫn mặc định là mảnh đất của người da trắng.

Điều may mắn nhất trong sự nghiệp người mẫu của mình, theo Naomi, chính là sự ủng hộ nhiệt tình từ đông đảo bạn bè – đa số là những nhà thiết kế thời trang nổi tiếng và quyền lực.

Năm 18 tuổi, cô gái da đen đầy gợi cảm này được xuất hiện trên trang bìa của Vogue ở Pháp nhờ vào sự giúp đỡ của nhân vật nổi tiếng Yves St. Laurent, người đã tuyên bố sẽ không ký tiếp các hợp đồng quảng cáo với tạp chí này nếu Vogue của Pháp tiếp tục từ chối không sử dụng những người mẫu da đen trên trang bìa.

Thậm chí 2 ông chủ của Dolce & Gabbana thẳng thắn nói với báo giới: “Nếu không dùng Naomi, các anh sẽ chẳng có chúng tôi – những mẫu thiết kế, quảng cáo hay các bài phỏng vấn”.

Tuy đã vươn lên vị trí hàng đầu trong làng mẫu thế giới, nhưng Naomi cũng thẳng thắn thừa nhận cô chưa baogiờ và sẽ không bao giờ có khả năng kiếm được nhiều tiền như những cô bạn da trắng cùng thời. Hơn 20 năm trong làng mẫu cũng là khoảng thời gian Naomi hoạt động không mệt mỏi để chống lại tệ nạn phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực của mình.

Tâm sự về nghề, Naomi đã không giấu nổi tiếng thở dài: “Luôn có định kiến về người da đen trong làng mẫu. Thị trường này luôn chỉ dành cho những cô gái tóc vàng, mắt xanh. Trước kia có nhiều cơ hội cho người mẫu da màu hơn nhưng giờ đây, xu hướng ưu tiên phụ nữ tóc vàng đã trở lại rõ rệt.

Trên các tạp chí hay sàn catwalk, tôi nhìn thấy những người mẫu tóc vàng, mắt xanh ở mọi nơi. Mặc dù Tổng thống Mỹ là một người da đen, nhưng tôi vẫn luôn là một ngoại lệ trong làng người mẫu, và phải nỗ lực hơn rất nhiều để được đối xử bình đẳng”.

Phải làm việc gấp đôi đồng nghiệp da trắng để thành danh, và dù đã là một trong những thiên thần được yêu chuộng nhất của Victoria’s Secrect, Chanel Iman vẫn rất chạnh lòng khi bị đối xử không công bằng vì màu da của mình

Thực tại khắc nghiệt này cũng từng xảy ra với thiên thần da màu Chanel Iman khi cô chia sẻ quá trình vươn lên trong nghề mẫu đầy cay đắng của mình: “Khi tôi nhận hợp đồng quảng cáo, họ thường nói thêm rằng: “Một người mẫu da màu quay đấy, có được không?”.

Khi đó, đối tác sẽ nói: “Không, hạn chế tối đa nhé, vì người mẫu da đen đại diện sẽ khó bán sản phẩm”. Thật buồn khi cả Valentino, Calvin Klein, Louis Vuitton hay Prada cũng thường tuyển chọn người mẫu thông qua màu da”.

Những khó khăn này cũng không buông tha cho những chân dài châu Á muốn chinh phục lãnh địa thời trang phương Tây, như Liu Wen, Sui He, Shu Pei Quin, Mengyao Ming Xi…, và cả những chân dài Việt Nam đang “tập tễnh” bước chân vào guồng quay của làng thời trang chuyên nghiệp quốc tế như Huyền Trang, Tuyết Lan, Hoàng Thùy.

Để ghi dấu ấn của mình trong lĩnh vực thời trang, các gương mặt châu Á đã phải đầu tư rất nhiều công sức, tiền của và gồng mình theo những yêu cầu khắt khe của ngành thời trang chuyên nghiệp. Siêu mẫu châu Á thành công nhất trên thị trường quốc tế Liu Wen đã 4 năm liền không được được đón tết cổ truyền cùng gia đình, Sui He liên tục đánh mất các mối quan hệ tình cảm cá nhân vì lịch diễn dày đặc, kéo dài từ nước này qua nước khác.

Trong khi đó, những mẫu trẻ như Huyền Trang đã phải dự đến 50 buổi casting để có được 5 show diễn trong Tuần lễ Thời trang New York 2012, hay Tuyết Lan, Hoàng Thùy và công ty quản lý phải tự trang trải toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian ở New York để tham dự những hoạt động biểu diễn bên lề sự kiện đình đám này.

Trải lòng về những khó khăn của một mẫu châu Á khi chinh phục các kinh đô thời trang quốc tế, Liu Wen, siêu mẫu châu Á hàng đầu từng xuất hiện trong show diễn danh giá của Victoria’s Secret vào năm 2010, là mẫu châu Á đầu tiên được chọn làm gương mặt đại diện cho hãng mỹ phẩm cao cấp Estee Lauder, đã không ngại chia sẻ: “Thách thức với tôi, cũng như các người mẫu châu Á là chúng tôi phải thuyết phục được các biên tập viên thời trang, các stylist, các nhiếp ảnh gia rằng hình ảnh của chúng tôi có sức hấp dẫn công chúng. Điều này đôi khi không dễ dàng chút nào…”.

Liu Wen, siêu mẫu châu Á thành danh nhất trên làng thời trang quốc tế đã phải trải qua hơn 4 cái tết cổ truyền cô độc trên đất khách để đạt được giấc mơ chạm đến đỉnh cao trong làng mẫu

Những mảng sáng trên sàn diễn

Hoạt động trong lĩnh vực thời trang hơn 20 năm cũng là chừng ấy thời gian Naomi Cambpell đấu tranh không ngơi nghỉ cho vấn đề phân biệt chủng tộc đối với mẫu da đen và mẫu da màu nhằm tìm cơ hội cho chính cô và những chân dài cùng màu da được đối xử bình đẳng hơn.

Naomi còn hợp lực cùng với những chân dài da đen đình đám khác như Liya Kebede, Iman, Tyson Beckford, Veronica Webb, bên cạnh những tên tuổi sáng chói của thế giới thời trang như Andre Leon Talley, Tổng biên tập tạp chí Vogue ở Mỹ, và nhà thiết kế Vera Wang, nhà tạo mẫu và đại diện của các công ty người mẫu, tổ chức những cuộc hội họp ở New York để bàn luận về đề tài từng coi là cấm kị trong giới thời trang này.

Những nỗ lực này từng bước đang tạo ra làn sóng lan tỏa để mọi người hiểu và thông cảm hơn những khó khăn mà người mẫu da màu đang gặp phải, từ đó có cái nhìn thiện cảm và đối xử công bằng hơn.

Những siêu mẫu da đen trên trang bìa của Vogue Italy tháng 7/2008 (từ trái qua): Liya Kebede, Sessilee Lopez, Jourdan Dunn, Naomi Cambpell

Tín hiệu đáng mừng đã bắt đầu khởi sắc, vào năm 2008, tạp chí Vogue tại Ý đã phát hành một ấn phẩm đặc biệt được mệnh danh là “ấn phẩm đen”.

Ấn phẩm gồm 4 số phát hành trong tháng 7, với ảnh bìa là 4 gương mặt mẫu da màu đang rất nổi tiếng thời điểm này gồm Naomi Cambpell, Liya Kebede, Sessilee Lopez, Jourdan Dunn cùng hàng loạt chân dài da màu khác như Iman, Alek Wek, Pat Cleveland, Chanel Iman, Veronica Webb, và Karen Alexander dưới ống kính của nhiếp ảnh gia tài năng Steven Meisel.

Mặc dù gây nên tranh cãi trái chiều trong làng thời trang khi đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm của ngành công nghiệp không khói này, nhưng “ấn phẩm đen” đã cổ vũ và là niềm động viên tinh thần rất lớn cho những chân dài da màu trên con đường chinh phục đỉnh cao siêu mẫu đầy gập gềnh và cay đắng tại các kinh đô thời trang thế giới.

Liya Kebede – “viên ngọc đen” của làng thời trang thế giới, đã chia sẻ niềm vui của mình với tạp chí New York Times khi nói về tác dụng từ “ấn phẩm đen” của Vogue – Ý: “Trong mùa trước, đã có thêm 2 người mẫu da đen trên sàn diễn so với thông thường, và thật tuyệt khi được chứng kiến điều đó. Tôi thực sự hy vọng chúng ta sẽ sớm sang trang mới trong lịch sử làng thời trang kể từ ngày hôm nay.

Tôi đã có buổi làm việc thật nhiều niềm vui và tiếng cười với Campell và Meisel. Nhưng trên hết, chúng tôi đã tạo ra một câu chuyện phản ánh giấc mơ cũng như khát khao của của những người da đen. Sẽ không có gangster, không có những khu nhà ổ chuột …”.

Sự thay đổi về việc dùng người mẫu da màu cũng bắt đầu thể hiện rõ nét hơn tại một trong những chương trình thời trang đình đám của thế giới: New York Fashion Week. Ngày càng có nhiều mẫu da đen và gốc Á được sải bước trên sàn diễn của New York Fashion Week qua các mùa, trong những bộ trang phục đến từ các thương hiệu thời trang danh giá thế giới.

Nếu trong Tuần lễ New York Fashion năm 2008 là 4,9% mẫu da đen và 5,4% mẫu châu Á được bước chân lên sàn diễn hoành tráng này, thì đến năm 2012, đã có đến 8% mẫu da đen và 8,5 mẫu gốc Á tỏa sáng trên sàn diễn. Con số mặc dù còn khiêm tốn, những người mẫu gốc Phi và Á còn phải vất vả gấp đôi mẫu da trắng để chứng tỏ mình trên sàn diễn, nhưng sự gia tăng này đã cho thấy một trong những chương trình đẳng cấp thế giới đã bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về sắc tộc.

Cùng với những mẫu da màu đang ngày càng khẳng định tên tuổi trong làng thời trang thế giới, từ siêu mẫu đã quá nổi tiếng như Naomi Cambpell, Tyra Banks, Liya Kebede… đến những mẫu thành danh còn rất trẻ như “thiên thần Victoria’s Secrect” Chanel Iman, Liu Wen… đã góp phần thắp sáng thêm niềm tin và nghị lực để những chân dài da màu khác tiếp tục vững bước trên con đường chinh phục đỉnh cao của làng thời trang thế giới.

New York Fashion Week 2012 mang đến những tín hiệu đáng mừng cho sự đa dạng hóa màu da, chủng tộc trên sàn diễn quốc tế

Một vấn nạn nhức nhối nhất của làng thời trang thế giới chính là tình trạng mại dâm của các chân dài, đây không chỉ là sự tha hóa đạo đức của một số mẫu trẻ mà còn là vấn đề “con sâu làm rầu nồi canh” để rồi xã hội có cái nhìn không mấy thiện cảm về nghề mẫu.