Nơi tôn nghiêm bị biến thành nơi đùa nghịch
Được phát lộ, khai quật từ năm 2004 và được phục dựng vào đầu năm 2012, đàn tế Nam Giao nhà Hồ (ngự trên núi Đốn Sơn, thuộc địa phận xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là một trong những di tích quan trọng nằm trong hệ thống quần thể di tích thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Xưa kia, đàn tế Nam Giao nhà Hồ là nơi chỉ dành riêng cho vua khi tế lễ. Hàng năm, nhà vua thường tiến hành lễ tế trời, cầu cho quốc thái, dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Vì vậy đàn tế Nam Giao được xem là nơi tôn nghiêm và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuy nhiên thời gian gần đây rất nhiều du khách khi đến tham quan di tích lịch sử đàn tế Nam Giao tỏ ra bức xúc khi chứng kiến cảnh một số thanh niên thiếu ý thức đã ngang nhiên giẫm đạp lên mặt đàn tế giao để chụp ảnh.
Nhảy nhót...
Thậm chí, sau khi giẫm đạp “tạo dáng” để chụp hình, nhiều bạn trẻ còn không ngần ngại “khoe” hành động này của mình trên mạng xã hội Facebook như một kiểu… chiến tích (!)
Cách đây không lâu, dư luận cũng đã tỏ ra phẫn nộ trước hành động của hai cô gái cưỡi lên đầu rùa trong Văn Miếu Quốc Tử Giám để chụp ảnh, sau đó còn cho đăng tải những hình ảnh này lên mạng xã hội Facebook.
“Cần giáo dục đưa giới trẻ về đúng quỹ đạo”
Trao đổi với PV về vấn đề này, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng: “Tình trạng một bộ phận giới trẻ gồm cả nam lẫn nữ hiện nay muốn thể hiện mình bằng các “hành động mạnh” như ăn nhậu phá phách, đua xe, hò hét, cưỡi đầu rùa, thóa mạ các giá trị di tích lịch sử… là rất đáng báo động và cần được quan tâm, giáo dục”.
Mặt đàn tế Nam Giao được xem là nơi tôn nghiêm và linh thiêng, không ai đượcxâm phạm và được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng một số thanh niên lại ngồi lên chụp hình.
Nhà sử học Lê Văn Lan phân tích: “Những hành động nói trên hầu hết xuất phát từ sự bồng bột, hứng khởi nhất thời của giới trẻ, muốn tự thể hiện cũng như khẳng định mình trước cộng đồng. Tuy nhiên hành động đó lại đi ngược lại quy chuẩn văn hóa và đạo đức mà cộng đồng cho phép. Tôi cho rằng những hành động trên là đáng phê phán.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những hành động trên mà phê phán giới trẻ không thôi thì tôi nghĩ cũng chưa thỏa đáng. Quan trọng hơn cả là các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường cũng phải thể hiện trách nhiệm của mình bằng cách phải quan tâm thường xuyên hơn để giáo dục họ, định hướng cho họ. Làm sao để cho sự sôi nổi, niềm hứng khởi của tuổi trẻ kia phải được kết hợp và thể hiện bằng những hành động có ích và phù hợp với văn hóa, đạo đức, giá trị lịch sử của cộng đồng, dân tộc. Cần phải giáo dục đưa giới trẻ về đúng quỹ đạo. Đến lượt mình, giới trẻ cũng cần phải biết tự kiềm chế mình.
Ngoài ta, nhà sử học Lê Văn Lan cũng cho rằng: qua một số vụ việc trên, các lực lượng chức năng, cơ quan bảo vệ các di tích lịch sử cũng cần phải làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ di tích của mình, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.