Bên cạnh đó, những vấn đề về phân tầng đại học, giao quyền tự chủ, bao cấp kinh phí... vẫn là những vấn đề nóng.
Còn sạn!
Một trong những ý kiến phản biện thẳng thắn là phát biểu của TS Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng. Sau khi phân tích kỹ lưỡng, rạch ròi và góp ý cụ thể, chi tiết cho dự thảo, vị hiệu trưởng này kiến nghị: “Nên bác luật này, trả về cho cơ quan dự thảo làm lại. Và trong luật chỉ cần quy định những điều chung nhất, những điều là tổ chức, công dân không được làm trong giáo dục ĐH rồi giao cho Chính phủ chi tiết hóa thành những quy định trong các văn bản dưới luật để triển khai”.
Luật giáo dục đại học mới được kỳ vọng sẽ cải thiện công tác tuyển sinh
Đồng cảm với ý kiến này, GS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng ĐH Tây Đô) cho rằng: “Một cách khái quát mà nhận định, từ ngữ dùng trong dự thảo luật hiện nay rất rối rắm, đa nghĩa, khó hiểu, đi ngược lại với nguyên tắc “từ ngữ trong luật phải thật chuẩn mực, chính xác và dễ hiểu”. GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: Hiện nay, dự thảo vẫn còn “quay lưng” với nhiều loại hình giáo dục ngoài công lập. Quy định hiện nay chúng ta không hề mang tính logic và bất cập.
Dự thảo hiện tồn tại quá nhiều khái niệm như phân tầng, phân cấp các loại trường ĐH khiến rối rắm. Hay như khái niệm lợi nhuận - phi lợi nhuận mà lại có chia cổ tức là sai về mặt logic (nếu không lợi nhuận thì không thể chia cổ tức). Sao chúng ta không chia làm 3 loại hình như thực tế nó vốn có: Lợi nhuận - phi lợi nhuận và có lợi nhuận một cách hợp lý.
Nhiều vấn đề “nóng”
Để có được quyền tự chủ cho cơ sở, theo TSKH Nguyễn Ngọc Trân, chúng ta cần có hội đồng trường. Về bản chất, đây là HĐ quản trị, bản chất là tách rời rạch ròi giữa hai khái niệm sở hữu và quyền sử dụng. Ở Mỹ có thể có hàng trăm, ngàn người tham gia hội đồng trường để đại diện cho quyền lợi người học, bảo vệ quyền lợi tự chủ cho nhà trường. Không nên để hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường.
Về vấn đề quản lý chất lượng đào tạo - GS Võ Tòng Xuân chia sẻ: Kinh nghiệm ở các nước có nền giáo dục phát triển cho thấy nên thành lập đại học hoặc cao đẳng cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, lao động phổ thông cho địa phương. Quản lý nhà nước của ta siết quá chặt về đầu vào của các đơn vị đào tạo nhưng lại thả lỏng đầu ra (đi ngược lại xu hướng chung của nhiều nước phát triển trên thế giới).
Nếu đổi hướng quản lý theo các nước, chất lượng giáo dục của ta sẽ thay đổi rõ rệt. Bộ cần giảm bớt các quản lý chi ly, vi mô vào việc thành lập trường. Cần kết hợp với các hội nghề nghiệp để đưa ra một chuẩn chung của quốc gia về chuẩn chung từng ngành nghề.
Ghi nhận, chỉnh lý và hoàn thiện
Nhìn nhận lại những ý kiến đóng góp tại hội nghị, bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội - đưa ra quan điểm: Quy trình xây dựng luật thực hiện đúng theo quy định. Nội dung dự thảo luật hiện cũng không tránh khỏi những mảng thiếu sót, chưa phủ hết nội dung... Những ý kiến của các chuyên gia là rất cần thiết và sẽ được xem xét, bổ sung để hoàn thiện luật.
Luật Giáo dục đại học sẽ được hoàn thành trong năm 2012
Ngoài những vấn đề đã đóng góp, phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị giới chuyên gia cần nghiên cứu và quan tâm góp ý thêm về chương về giảng viên, hội nhập phát triển quốc tế và một số vấn đề khác nữa cần phải hoàn thiện theo chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. “Chúng tôi sẽ báo cáo trước Quốc hội mọi ý kiến của hội nghị hôm nay, sẽ cố gắng cao nhất để có thể đưa ra bộ luật này đúng theo yêu cầu. Luật sẽ được hoàn thành và ban hành trong năm 2012 này trên tinh thần cầu thị và từng bước hoàn thiện” - Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng kết luận.
Ở vị trí là người soạn thảo luật, GS-TS Bùi Văn Ga (Thứ trưởng Bộ GDĐT) cho rằng: Luật được xây dựng dựa trên nguyên tắc phải là luật riêng của nước ta, không thể áp dụng luật của bất kỳ quốc gia nào dù ban soạn thảo luật cũng đã tham khảo luật của khoảng 20 quốc gia có nền giáo dục phát triển trên thế giới. GS-VS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB VHGDTNTNVNĐ của Quốc hội - kết luận: Sau hội nghị này, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến thêm một lần cuối (diễn ra vào ngày 9.2 tại Hà Nội). Qua đó, sẽ tiếp thu có chọn lọc, chỉnh lý và hoàn thiện luật để đệ trình lên UB VHGDTNTNVNĐ theo đúng tiến độ.