Cướp mạng vợ ngay giữa chợ đông
Chị Nguyễn Thị Bé (37 tuổi, ngụ ấp Suối Cát, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) không còn trên cõi đời, Đào Văn Phượng (47 tuổi, chồng chị Bé) cũng vướng vào vòng lao lý, căn nhà cấp bốn vừa hoàn thiện của vợ chồng này trở nên trống hoác không bóng người. Ba đứa con nheo nhóc đang trong độ tuổi đến trường từ đây chịu cảnh mồ côi bơ vơ. Chẳng thể khoanh tay nhìn những đứa cháu tội nghiệp, bà ngoại Nguyễn Thị Sách (67 tuổi) đón mấy đứa trẻ về chăm sóc trong ngôi nhà nhỏ được dựng tạm giữa vườn điều cằn cỗi.
Đến giờ phút này, người nhà nạn nhân vẫn không thể ngờ rằng vì một phút ghen bóng gió, người chồng lại ra tay tàn nhẫn với người vợ từng đầu ấp tay gối với mình hàng chục năm nay. Em trai nạn nhân kể lại, vụ việc xảy ra vào khoảng 6h ngày 12/3. Khi đó, chị Bé đang cầm xấp vé số đi bán dạo ở gần chợ Suối Cát thì bất ngờ bị chồng vung dao thủ sẵn trong người tấn công từ phía sau lưng. Nạn nhân gục ngã ngay ven đường, được những người dân ở gần hiện trường nhanh chóng đưa đến bệnh viện Đa khoa Xuân Lộc cấp cứu song 3 vết thương quá nặng, máu ra nhiều nên nạn nhân đã tử vong ngay sau đó.
Trước thời điểm gây án khoảng một tiếng đồng hồ, Phượng tìm đến phòng trọ của vợ gây sự, chửi rủa. Người vợ tức giận cự lại vài câu rồi bỏ đi, cầm theo xấp vé số ra chợ bán dạo như mọi ngày. Phượng thấy vậy vẫn không buông tha mà lẽo đẽo đi theo ra tới chợ. Đến nơi, Phượng tiếp tục chửi bới, đòi đánh đập vợ. Sợ người ngoài nhìn vào sẽ dị nghị không hay, người vợ cố gắng kìm nén làm ngơ. Phượng được nước lấn tới, lao về phía vợ chặn đường, yêu cầu “quay về nhà nói chuyện”. Người vợ nhìn xấp vé số trên tay còn dày, quay sang hướng khác rảo bước đi tiếp. Phượng gây án ngay sau đó.
Cặp vợ chồng này đã xảy ra mâu thuẫn hơn một tháng trước đó. Nguyên nhân xuất phát từ việc thị lực bị suy giảm nên người chồng chỉ đi bán vé số dạo từ sáng đến 11h trưa. Thương chồng, thương con, người vợ khuyên chồng ở nhà chăm lo nhà cửa, còn mình sẽ kiêm việc kiếm tiền nuôi cả gia đình 5 miệng ăn. Từ hôm ấy, ngày nào chị cũng bắt đầu công việc bán vé số dạo từ 6h – 22h hàng ngày mới về nhà, mỗi ngày cố kiếm 200 - 300 ngàn đồng. Cũng từ hôm ấy người chồng vu oan vợ “đi ngoại tình với trai trẻ”. Một số người xấu bụng biết tính Phượng hay ghen đã thêm thắt vài ba câu khiến ông chồng càng nổi cơn thịnh nộ. Ghen bóng ghen gió, Phượng hết la mắng lại đánh đập vợ con suốt ngày. Để tránh mặt người chồng vũ phu, bốn mẹ con chị Bé quyết định dọn ra ngoài thuê phòng trọ tá túc một thời gian, không lâu sau thì xảy ra vụ án mạng thương tâm trên.
Công an lấy lời khai của Đào Văn Phượng
Quá khứ không hạnh phúc
Từ lúc vợ con dọn ra khỏi nhà, Phượng phần nào nhận ra lỗi của mình. Ngày nào Phượng cũng lân la đến hỏi thăm sức khỏe các con và năn nỉ vợ quay trở về. Vợ chồng chung sống với nhau suốt 10 năm nay, chị Bé có lẽ quá hiểu “lời hứa gió bay” của chồng nên chưa chấp nhận mà muốn thử thách chồng thêm một thời gian. Vốn kém nhẫn nại, lại thêm những lần ghé phòng trọ chỉ thấy các con khiến người chồng càng nghi ngờ chuyện vợ ngoại tình. Bị mắng chửi oan ức, người vợ một lần buột miệng tuyên bố: “Tôi sẽ không bao giờ trở về chung sống với anh nữa, anh biết tôi có người mới rồi thì làm ơn để mẹ con tôi yên”. Vin vào lời nói đó của vợ, Phượng hằm hằm mặt mày bỏ về, vài ngày sau gây nên tội lỗi tày đình.
Thủ phạm là con thứ 4 trong gia đình 8 anh chị em. Từ nhỏ, hung thủ đã chịu nhiều thiệt thòi bởi đôi chân dính tật từ nhỏ, thị lực kém. Bởi những khiếm khuyết trên, Phượng được cha mẹ và các anh chị khác quan tâm chu đáo. Thế nhưng chính sự quan tâm của người thân khiến Phượng càng sa ngã, bước vào tuổi thành niên nhưng chỉ ăn không ngồi rồi. Từ khi đi bán vé số dạo, Phượng đem lòng yêu chị Bé cũng là người chung nghề. Dù biết rõ chị Bé đã có một đời chồng và hai đứa con riêng nhưng Phượng quyết thưa chuyện cưới xin với gia đình đôi bên. Mẹ thủ phạm nhớ lại ngày con trai cưới vợ: “Hay tin con nhỏ đã từng có một đời chồng, có con riêng, nhưng gia đình tôi vẫn chấp thuận cho hai đứa đến với nhau. Lúc đó đơn giản nghĩ hai đứa đến với nhau để xây dựng hạnh phúc mới, đâu có gì là lỗi lầm”.
Gia đình nhà trai ủng hộ tuyệt đối nhưng gia đình nhà gái lại kịch liệt phản đối, ngăn cấm chuyện cưới xin. Lí do như lời thuật lại là gia đình nhà gái e ngại chú rể mới không thể cáng đáng công việc gia đình. Bất chấp mọi lời khuyên can, chị Bé vẫn quyết tâm đến với Phượng “góp gạo thổi cơm chung”. Ngày cưới của đôi vợ chồng diễn ra hết sức đơn giản, chỉ làm hai mâm cơm ra mắt họ hàng.
Đám cưới xong, vợ chồng tiếp tục công việc bán vé số dạo mưu sinh. Cũng bắt đầu từ đây, Phượng lộ rõ tính ghen tuông. Người thân kể lại chị Bé đã hết mực nhẫn nhịn chồng, bỏ qua mọi chuyện. Nhờ vậy cuộc sống gia đình dần đi vào ổn định, cả con chung lẫn con riêng đều được đối xử công bằng, bọn trẻ được cho đi học tử tế.
Ít lâu sau ngày cưới, họ hàng bên nội tặng cho con mảnh đất để dựng nhà. Nhà ngoại thương tình cho thêm 2 sào đất trồng điều. Sau nhiều năm gom góp, vợ chồng đã cất được ngôi nhà cấp 4 khá kiên cố. Hơn một năm trở lại đây, Phượng sức khỏe giảm sút nên mọi việc trong gia đình đều do một tay vợ cáng đáng. Buồn bực trước thể trạng của chính mình, Phượng đâm ra chán nản. “Nhàn cư vi bất thiện”, Phượng đâm ra ghen bóng ghen gió. Theo thời gian, mâu thuẫn giữa vợ chồng càng căng thẳng.
Hai bên sui gia vốn đã không hòa thuận từ trước, sau án mạng cái hố sâu ngăn cách càng sâu hơn. Đáng thương nhất là đàn con thơ rơi vào cảnh bơ vơ không cha không mẹ. Thực cảnh cha tù tội, mồ côi mẹ, kinh tế cả họ hàng nội ngoại đều khó khăn, ai nấy e ngại khả năng những đứa trẻ sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bỏ học.