Mỹ - Trung Quốc hào hứng thảo luận về Biển Đông, Philippines kiệt sức

Mỹ và Trung Quốc ngày 10/7 tiến hành đối thoại hàng năm về an ninh-kinh tế ở Washington, trong đó dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông.

Làm thế nào để giải quyết một cách êm thấm tranh chấp Biển Đông là một phần của nghị trình của các cuộc thảo luận Mỹ-Trung ở Washington tuần này.

Trong cuộc gặp tuần trước giữa Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị cấp cao ASEAN ở Brunei, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói: “Cả Trung Quốc lẫn các nước ven biển Nam Hải (Biển Đông) đều đang nỗ lực để có được một vùng biển ổn định. Tôi tin rằng bất kỳ hành động của những nước đòi chủ quyền đi ngược với xu thế này sẽ không có được sự ủng hộ của đa số các nước và sẽ không thành công”.

Trong những năm gần đây, Mỹ và Philippines đã thường xuyên tiến hành những cuộc tập trận hải quân hỗn chung gần Biển Đông, nơi được cho là một trữ lượng dầu khí rất lớn.

Philippines tố cáo Trung Quốc “quân sự hóa” tranh chấp và giới hữu trách ở Manila đang ra sức nâng cấp các cơ sở ở Vịnh Subic, nơi Mỹ từng xây dựng một căn cứ hải quân lớn.

Tuy nhiên, các nước khác trong khối ASEAN có thái độ dè dặt hơn và theo nhận định của các nhà phân tích, sự chia rẽ này có lợi cho Trung Quốc.

Giáo sư Pek Koon Heng của American University nhận định: “Nếu nhìn vào phản ứng của các nước ASEAN, người ta  sẽ thấy một phía đang có thái độ nhún nhường. Họ phải nhường nhịn Trung Quốc. Và phía kia là chống đối thẳng thừng. Và Philippines ở phía chống đối thẳng thừng”.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng tránh xung đột ở một khu vực có tuyến vận chuyển quan trọng của thương mại toàn cầu là một việc cực kỳ quan trọng.

Tuy Mỹ không ngả về bên nào trong vụ tranh chấp, Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại Brunei rằng Washington muốn thấy vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình.

Ông nói: “Là một quốc gia Thái Bình Dương và là một cường quốc, Mỹ có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải ở Biển Ðông”.

Liên quan đến vấn đề đàm phán trên Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm qua 9/7 đã cho biết cách tiếp cận một cách hòa bình giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc đã thất bại khi trao đổi với các quan chức của liên minh châu Âu EU tại Brussels, Bỉ.

"Philippines đã nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm một giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp với Trung Quốc, tuy nhiên (những nỗ lực này) đã không thành công", ông Rosario cho biết.

Nhà ngoại giao Philippines kỳ cựu này phát biểu trong một cuộc thảo luận bàn tròn rằng Philippines gần như đã "kiệt sức" khi thử tất cả các kênh chính trị và ngoại giao để tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong tranh chấp với Trung Quốc.

Tuy nhiên Trung Quốc đã duy trì một sự hiện diện hải quân và hàng hải áp đảo Philippines trên Biển Đông.

"Do đó phương sách cuối cùng chúng tôi lựa chọn khi phải đối mặt với sự xâm nhập ngày càng tăng vào lãnh thổ của chúng tôi là dùng các quy phạm luật pháp để quản lý tranh chấp", Rosario cho biết.

Ngoại trưởng Philippines cũng nỗ lực thuyết phục các quan chức châu Âu về tầm quan trọng của Biển Đông trong các hoạt động thương mại đối với khu vực này và nó phải được đảm bảo tự do hàng hải cũng như loại trừ những hiểm họa quân sự.