Theo phép nhà binh, ban tham mưu quân sự bao giờ cũng giữ bí mật hoạt động tác chiến của mình. Thế nhưng mấy ngày qua, Mỹ đã dồn dập công khai hoá các quyết định như đưa máy bay ném bom B52, rồi B2, sau đó đưa chiến đấu cơ tàng hình F22, đến tham gia tập trận với Hàn Quốc. Ngoài ra, việc điều khu trục hạm có hệ thống chống tên lửa đến vùng biển Triều Tiên cũng được cập nhật hàng ngày. Hành động khác thường này của Mỹ được giới phân tích xem là nhằm hai mục tiêu: vừa để trấn an đồng minh trong khu vực và cả dân chúng Mỹ, vừa để răn đe Bình Nhưỡng đừng leo thang căng thẳng.
Một “bí mật không đóng dấu mật”
Tuy nhiên, còn một “bí mật không đóng dấu mật” không thấy truyền thông Mỹ theo sát, hay có đề cập thì cũng cố giảm nhẹ tầm quan trọng của nó. Đó là tận dụng tối đa cơ hội “trời cho”, nghĩa là nhân cơ hội Triều Tiên đưa ra một loạt các quyết sách “sắt máu”, Mỹ đã khai triển một cách mạnh mẽ và không che đậy các lực lượng tinh nhuệ của mình trên các vùng biển châu Á. Thử hỏi nếu trong hoàn cảnh “trời yên biển lặng”, liệu Trung Quốc có bỏ qua mà không cự nự om sòm về những động thái răn đe của Mỹ và đồng minh Hàn Quốc?
Thông tin mới nhất được Lầu Năm Góc tung ra ngày 4/4 là quyết định phái thêm một khu trục hạm có trang bị hệ thống bắn chặn tên lửa đến vị trí ở Tây Thái Bình Dương (đối với Mỹ). Trước đó, ngày 1/4, bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận việc phái một khu trục hạm đến khu vực gần bán đảo Triều Tiên thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa. Theo phát ngôn viên bộ Quốc phòng George Little, hai chiến hạm USS Decatur và USS John McCain đã ở trong tư thế sẵn sàng đáp trả lại bất kỳ mối đe doạ bằng tên lửa nào nhắm vào các đồng minh của Mỹ hoặc vào lãnh thổ Mỹ.
Ngoài các chiến hạm, một số nguồn tin còn cho biết là quân đội Mỹ cũng đang cho triển khai một hệ thống radar nổi X – band ngoài khơi Nhật Bản. Đây là loại radar chuyên dùng trong một hệ thống phòng thủ chống tên lửa để theo dõi hoả tiễn của đối phương. Việc Hoa Kỳ khẩn trương bố trí hệ thống phòng thủ chống tên lửa trên biển cũng đi kèm với việc tăng cường các phương tiện phản công trên không. Nhằm đối phó với các mối đe doạ của Triều Tiên, Mỹ đã liên tục phô trương các loại máy bay ném bom hiện đại trên không phận Hàn Quốc, trong khuôn khổ cuộc tập trận chung kéo dài đến ngày 30/4.
“Tái cân bằng” sự hiện diện
Không chỉ ở biển Triều Tiên hay Hoa Đông, ngay cả trên Biển Đông, gần đây Mỹ cũng tái khẳng định lập trường và công khai hoá các hoạt động của mình. Các hành động này của Mỹ rõ ràng nhằm đối phó với tham vọng không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng trên biển cũng như trên đất liền của Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương. Trước các cuộc tập trận kiểu “múa gậy vườn hoang” của Trung Quốc, các nước láng giềng châu Á hết sức quan ngại. Philippines và Singapore đã kêu gọi Hoa Kỳ củng cố sự hiện diện về ngoại giao và quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương – một chiến lược được biết dưới cái tên chính sách “xoay trục về châu Á”.
Căng thẳng ở châu Á những tháng qua còn gia tăng thêm với các hành động của Triều Tiên. Tất cả đấy là bối cảnh của việc Singapore bật đèn xanh cho Mỹ triển khai bốn tàu chiến thế hệ mới tại căn cứ của mình. Với sự hiện diện tại chỗ của các phương tiện này, Hoa Kỳ có thể nhanh chóng tung lực lượng đến các vùng nước nông ven biển. Chiến hạm đầu tiên, USS Freedom đang trên đường đến Singapore.
Ngày 3.4, ngoại trưởng Mỹ vừa sang Philippines tái xác định là Hoa Kỳ “quan ngại sâu sắc” về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Ông đồng thời bày tỏ lập trường ủng hộ hướng giải quyết tranh chấp chủ quyền trong khu vực thông qua cơ chế trọng tài. Đối với phía Philippines, tuyên bố này đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ bày tỏ lập trường ủng hộ quyết định của Manila kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc trước toà án trọng tài Liên hiệp quốc. Hành động này loại trừ tin đồn gần đây cho rằng Philippines sẽ rút đơn kiện Trung Quốc về Biển Đông ở Liên hiệp quốc. Những ngày qua, có một số thông tin cho rằng Trung Quốc đang vận động ngầm trong ASEAN để Philippines rút lại đơn kiện. Hôm 3.4, ngoại trưởng Albert del Rosario đã khẳng định: “Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng tôi muốn thấy tiến trình tài phán đi đến nơi đến chốn. Không nên có chút hoài nghi nào về quyết tâm của chúng tôi”.
Chưa hết, cũng vào ngày 3.4, đích thân bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gọi điện thoại cho đồng nhiệm Trung Quốc để kêu gọi Bắc Kinh hợp tác trong việc đối phó với tham vọng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Trước cuối tháng 4 này, tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tướng Martin Dempsey sẽ đi thăm Trung Quốc. Mối đe doạ đến từ Bình Nhưỡng, khủng hoảng Senkaku, “cuộc chiến tiêu hao” của Trung Quốc trên Biển Đông chắc chắn sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hai bên.