Mưu sinh trên "mỏ” nghêu sò - Kỳ 1: Bãi sò dậy sóng

Một ngày cuối tháng 3, hòa theo dòng người đi cào sò giống, chúng tôi thuê vỏ lãi băng qua Xẻo Bần, thẳng tiến ra bãi biển Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang.

“Vừa nghe bãi biển này “có đồ” (có sò giống - PV), hai cha con tui lập tức chạy vỏ lãi ra kiếm ăn, nhưng chỉ hưởng sái được hơn 2kg sò rí (loại sò con cỡ chân nhang) bởi dân các nơi đổ xô về vét hết rồi. Trâu chậm uống nước đục thôi” - ông Bảy Tâm (64 tuổi, ở số 6, xã Nam Thái A, huyện An Biên) cho biết.

Rủ nhau đi bắt “lộc trời”

Ông Võ Văn Đặc (55 tuổi, ở tổ 16, ấp Xẻo Bần, xã Thuận Hòa) nói gần chục năm rồi mới thấy “lộc trời” (sò giống - PV) dày đặc như năm nay, mà thời gian sò xuất hiện cũng sớm hơn thông lệ gần tháng.

Đó là một ngày giữa tháng 3, đôi vợ chồng trẻ ở cầu số hai, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất trong khi cào sò thịt đã tình cờ phát hiện ổ sò giống này. Sợ mọi người biết kéo tới tranh phần, họ đã cào liên tục một ngày đêm được hơn 50kg sò rí. Thời điểm đầu mùa, lái sò từ Bến Tre qua trả hơn 2 triệu đồng/kg, vợ chồng ngư dân thu cả trăm triệu đồng.

Thực hư chưa rõ nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, chỉ trong vài ngày cuối tháng 3, hàng trăm ngư dân ở An Minh, An Biên, Hòn Đất hè nhau kéo tới, bãi biển xã Thuận Hòa “dậy sóng”. Từng tốp ghe xuồng, vỏ lãi theo các con rạch băng ra biển rồi ai nấy nhảy ùm xuống mặt nước đục ngầu, trầm mình tới ngang ngực, dùng vợt hình chữ nhật có gắn lưới mành để cào lớp bùn ở đáy, đãi cho sạch đất, bắt sò giống. Có người không kịp vô bờ, lấy cơm mang theo ra ăn ngay trên mặt biển.

“Những cư dân sống ven biển như chúng tôi trước đây đi cào nghêu, bắt sò tự nhiên theo các bãi bồi, đầm lầy dọc bờ biển. Tuy nhiên hơn tháng qua, cánh cửa mở ra biển bất thần khép lại, sắp tới chúng tôi không biết làm gì để sống” - ông Nguyễn Văn Tâm, hơn 20 năm sống bằng nghề cào nghêu sò ở ấp Xẻo Bần, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang, lo âu.

Người dân rủ nhau đi bắt “lộc trời” tại bãi biển xã Thuận Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang hồi cuối tháng 3 (Ảnh: Tấn Thái)

Gương mặt tái xanh, bàn tay nhăn nheo vì ngâm lâu trong nước, bà Lâm Thị Hạnh - nhà ở ấp Ba Biển, xã Nam Thái A - kể: “Trầm mình cả chục tiếng như thế này lạnh nổi da gà, nhưng năm thì mười họa mới có sò giống nhiều như vầy nên gắng thôi”.

Sát bên mẹ con bà Hạnh là nhóm của ông Lâm Thanh Tùng ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất cũng đang cật lực làm việc. Thấy chúng tôi đến, ông Tùng nghiêng cái thao đựng sò giống vừa đãi xong cho chúng tôi xem và khoe: “Cả nhà tôi cào từ sáng tới giờ được chừng này, chắc hơn 3kg, kể như cầm chắc trong tay khoảng 4,5 triệu đồng...”.

Ông Tùng cho hay mấy bữa qua sò giống đã giảm nhiều nên người đi cào cũng chia bớt qua bãi sò bên Xẻo Ngát, Xẻo Nhàu, Xẻo Lá (huyện An Minh), chứ cách đây hai hôm số người đi cào sò giống lên tới cả ngàn.

Các con kênh đổ ra vàm Xẻo Bần, Xẻo Quao từ 3-4h sáng đã nghe tiếng máy chạy xèo xèo ra vào bãi. Lái sò giống các nơi hay tin cũng chạy vỏ lãi tới đậu mé ngoài, cách chỗ ngư dân vài trăm thước, hễ thấy ai vẫy tay là lao vô tranh mua.

“Tiền trao cháo múc, giá sò cám (nhỏ như trứng cá) cân tại bãi khoảng 5 triệu đồng/kg, sò rí 1,5 triệu đồng/kg. Sò càng lớn giá càng hạ dần, thấy ham quá. Phải chi năm nào cũng được như vầy cho dân nghèo đỡ khổ” - bà Lâm Thị Lụa (53 tuổi, ở ấp Bảy Biển, xã Nam Thái A) hồ hởi.

Bỗng dưng thành... “sò tặc”

Hoạt động khai thác sò giống nhộn nhịp bước sang ngày thứ ba thì mọi người ngỡ ngàng khi thấy lực lượng công an đi trên xuồng cao tốc, bo-bo xuất hiện. Hàng chục ngư dân cùng phương tiện bị đưa về bến sông, gần trụ sở Công an huyện An Minh. Anh Võ Minh Phụng (32 tuổi, ấp Bảy Biển, một trong số những người bị câu lưu vì bị cho là cướp sò) phân trần: “Từ vàm Xẻo Bần kéo dài đến thứ (kênh) 8, thứ 9 cả chục năm qua ngư dân chúng tôi vẫn tới lui cào sò, đãi hến thoải mái có ai nói gì đâu. Chúng tôi là người đi khai thác tài nguyên biển chớ đâu phải sò tặc”.

Khai thác sò giống tại bãi biển vàm Xẻo Quao, huyện An Biên, Kiên Giang (Ảnh: Tấn Đức)

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tâm - người có gần 20 năm sống bám vào biển - bức xúc: “Nếu cho rằng bãi đã có chủ thì phải cắm cây làm dấu chủ quyền chứ. đằng này không thấy gì, dân biển chúng tôi cứ nghĩ là bãi tự nhiên kéo ra khai thác”.

Tình hình “cướp sò” đã lắng dịu kể từ đầu tháng 4. Tuy nhiên chuyện “cướp sò” hiện nay vẫn còn nóng bỏng. Xung đột giữa những người được thuê canh giữ bãi sò cho các chủ bầu (chủ bãi nuôi sò) và người đi khai thác xảy ra liên tục. Máu đã loang trên mặt biển khi anh em ông Võ Văn Hùng bị đâm xuồng tét đầu. Rất may người dân chứng kiến kịp thời can ngăn, đưa ông Hùng đi bệnh viện cấp cứu. Mấy ngày trước do hiểu lầm, anh em Nguyễn Vũ Tuấn, Nguyễn Vũ Bảo cũng suýt mất mạng khi bị một nhân công của một chủ bầu dùng vỏ lớn đâm trực diện.

Lý giải nguyên nhân khiến tình hình tại các bãi nghêu, sò “nóng” lên, ông Nguyễn Hoàng Khải, chủ tịch UBND xã Thuận Hòa, cho biết bãi cạn có thể khai thác, nuôi dưỡng nghêu sò trên địa bàn xã có chiều dài gần 7 cây số, chiều rộng từ bờ ra biển khoảng 0,5-2km hiện phần lớn đã cho thuê, có những khu vực cho thuê từ năm 2008, có những khu vực mới cho thuê gần đây.

Tuy nhiên chỉ có một số khu vực giáp ranh với huyện đội An Minh và một phần khu vực Xẻo Bần thì người thuê cất chòi canh giữ. Phần diện tích còn lại người thuê bỏ trống, việc cắm mốc ranh giới giữa các hộ dân thuê với nhau cũng chưa rõ ràng, vì vậy khi sò xuất hiện dẫn đến nhiều phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

“Do nhiều người dân chưa hiểu hết vấn đề. Thấy những khu vực chưa cắm mốc họ tưởng đâu chưa có chủ nên vô tư vô khai thác sò giống. Ban đầu chúng tôi vận động họ không xâm nhập trái phép ở những nơi đã có chủ. Tuy nhiên vẫn có nhiều người không nghe, vì vậy lực lượng công an đã mời nhiều người khai thác sò trái phép về trụ sở để làm việc và yêu cầu họ cam kết không tái phạm” - ông Nguyễn Hoàng Khải cho biết.

Còn nữa...