Muôn kiểu thưởng Tết giáo viên

Cứ mỗi dịp cuối năm, thưởng Tết lại trở thành chủ đề nóng được mọi người quan tâm, và câu chuyện thưởng Tết của giáo viên có lẽ khiến cho không ít người cảm thấy xót xa.

Giáo viên là nghề cao quý, những người thầy đã dạy dỗ nên bao thế hệ học trò, đào tạo nên biết bao nhân tài của đất nước, những người đã vượt qua bao khó khăn gian khổ để mang con chữ đến những vùng cao xa xôi hẻo lánh cho trẻ em dân tộc. Nhưng cuộc sống của những con người cao quý ấy còn gặp muôn vàn khó khăn, thiệt thòi, mà câu chuyện thưởng Tết của giáo viên là minh chứng rõ ràng nhất.

Thưởng Tết "bèo bọt"

Trong khi nhiều cơ quan, doanh nghiệp có mức thưởng Tết hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, thì hầu hết giáo viên chỉ có mức thưởng Tết bằng “phần lẻ” của những con số đó.

Cô Nguyễn Thị Thanh – Trường THCS Bích Hòa (Thanh Oai) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, thưởng Tết cho giáo viên ở trường cao nhất chỉ 500 nghìn đồng thôi. Tết dương lịch giáo viên chúng tôi còn chẳng có gì. Ngoài ra, nếu giáo viên được xếp lao động tiên tiến thì nhà trường thưởng thêm cho từ 50 đến 100 ngàn đồng nữa”.

Tết này, ban lãnh đạo Trường PTCS Hợp Nhất (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng chắt bóp mọi khoản chi tiêu dành dụm được để tặng cho GV thêm 300.000đ gọi là thưởng Tết. Cô Bùi Thị Kim Ngân, GV của trường cho hay, mức thưởng Tết này không lớn, song đây đã là nỗ lực lớn của nhà trường.

Còn bà Đỗ Thị Ngọc - Hiệu trưởng trường mầm non Lao Và Chải (Yên Minh, Hà Giang) thì kể: “Năm nay, thưởng Tết cho GV của trường là một phần quà trị giá 200.000đ và một tờ lịch, như thế đã “khởi sắc” hơn so với mọi năm”.

Cô Nguyễn Thị Thúy – Trường tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì) cho biết: "Cũng như mọi năm, Tết năm nay, giáo viên chúng tôi cũng chỉ được 400 – 500 ngàn đồng và món quà nhỏ. Đó cũng là niềm vui rồi, nhưng nếu đem ra so sánh với ngành nghề khác thì chẳng thấm vào đâu”.

Ông Lê Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Chính Thắng 1 (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Công đoàn của nhà trường sẽ thưởng Tết mỗi giáo viên 100.000 đồng. Năm nay, Hội Phụ huynh học sinh trường cũng trích quỹ tặng thêm cho mỗi giáo viên 200.000 đồng. Chúng tôi cũng đang chờ UBND huyện, thành phố chi thêm ngân quỹ để các thầy cô có thêm khoản tiền đón Tết. Cộng hết các khoản thì chắc mỗi thầy cô được gần 1 triệu đồng".

Thưởng Tết bằng dầu ăn, nước mắm

Tuy các thầy cô giáo ở trên có mức thưởng Tết không cao, nhưng họ vẫn còn may mắn hơn những đồng nghiệp ở nhiều nơi khác, những người “mang con chữ” đến với con trẻ ở những nơi đó hàng năm nhận được món quà thưởng Tết rất “đặc biệt”.

ông Lê Văn Tiền - Trưởng phòng GDĐT huyện An Minh - bật mí: “Do chủ yếu được trích từ nguồn tiền tiết kiệm hoạt động phí, nên số tiền không nhiều, giá trị hàng hoá chỉ 40.000-50.000 đồng, chủ yếu là đường, dầu ăn, nước mắm... nhưng có lẽ do cách tặng đặc biệt: Ban giám hiệu trực tiếp mang đến tận nhà tập thể, từng điểm trường tặng... nên nhiều giáo viên đã rất vui khi nhận quà”.

Cô Nguyễn Thị Năm - giáo viên Trường mầm non Hoa Pơ Lang (xã Gào) - nói hôm nghe một đồng nghiệp ở Trường THCS xã Gào háo hức kể tết này sẽ được thưởng tết bằng hiện vật, ai cũng nghĩ món quà thật đẹp. Không ngờ “hiện vật” mà các thầy cô giáo nhận được là bịch quà gồm can dầu ăn 3 lít, một chai nước mắm và nửa ký hạt dưa kèm tấm thiệp chúc mừng năm mới. “Vậy chứ thầy cô nào cũng vui vẻ, ấm cúng vô cùng” - cô Năm kể.

Thầy Lê Minh Tùng ngồi nhẩm tính rồi đưa cho chúng tôi xem qua danh sách các “hiện vật” mà công đoàn sẽ thưởng cho giáo viên. Danh sách và số tiền quy ra mỗi thầy cô giáo được nhận quà như sau: 2 lít dầu ăn x 40.000 đồng/lít, nửa ký hạt dưa hết 55.000 đồng, 1 gói Knorr 30.000 đồng, một chai nước mắm hết 20.000 đồng. Tổng cộng phần thưởng tết là 185.000 đồng.

Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng - Công đoàn ngành giáo dục tỉnh Kon Tum - cho rằng “thưởng tết” đối với giáo viên là từ xa xỉ: “Nói là quà tết cho cán bộ viên chức mới đúng chứ không thể gọi là thưởng tết được. Đơn vị hành chính, không có khoản thu nào thì lấy đâu ra mà thưởng”. Theo thầy Dũng, quà tết cụ thể như thế nào là tùy ở các trường chi tiêu, nhưng hầu như giáo viên chỉ được tặng quà bằng dầu ăn, vải vóc hoặc nhu yếu phẩm phục vụ tết.

Xa vời khái niệm “thưởng Tết”

Ở những nơi khó khăn, đặc biệt là vùng cao ngoài khoản tiền ngân sách thì các trường chẳng có khoản thu thêm nào, thì khái niệm thưởng Tết là một điều rất xa vời, giáo viên tại đây phải dạy học trong điều kiện gian nan, đường sá cách trở, phải lội bộ lên điểm trường cả chục cây số nhưng khoản thưởng tết cũng mịt mù như nơi mà các thầy cô dạy học.

Hơn 20 năm dạy học, thầy Hà Văn Kha, hiệu trưởng Trường THCS Cát Tân (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) chưa một lần biết đến thưởng Tết. “Từ khi tôi về nhận công tác chưa biết thưởng tết cho giáo viên là gì”, thầy Kha cho biết.

Thầy Lương Văn Tuấn, giáo viên trường phổ thông Dân tộc nội trú Canh Liên (huyện Canh Liên, tỉnh Bình Định) cho biết: “Tôi công tác ở đây cũng được bốn năm rồi nhưng chưa bao giờ biết đến khái niệm thưởng Tết là gì!Mình cũng thường hay đọc báo nghe đài thấy các cơ quan thưởng Tết cả vài chục triệu, có khi cả vài trăm triệu đồng mình lại thấy chạnh lòng. Nhưng người dân ở đây còn nghèo khổ lắm quanh năm bám lấy ruộng nương, học sinh chủ yếu là con em đồng bào Bana, dân còn nghèo thì lấy gì mà thưởng với phạt”.

Giáo viên là nghề cao quý, nhưng việc chăm lo cho đời sống của thầy cô còn nhiều hạn chế, chưa biết tới lúc nào trên báo chí mới có những bài viết mang dòng tít “100% giáo viên được thưởng Tết”.