7h ngày 1/6/2013, Lê Văn Thông (sinh năm 1996, ngụ thị trấn Chợ Vàm), Nguyễn Thị Dựa (tự Hạnh, sinh năm 1997, ngụ xã Phú An) và Võ Thị Thúy Bảo (sinh năm 1999, cùng ngụ xã Phú An, Phú Tân) gặp nhau ở một quán nước thuộc xã Phú An. Cả ba đều muốn đi làm ăn xa, muốn thay đổi cuộc sống hiện tại nhưng lại không có tiền…
Từ những lời khai rời rạc của Thông và Dựa tại phiên tòa, chúng tôi xâu chuỗi lại để câu chuyện trở nên liền mạch. Với đầu óc non nớt của một đứa trẻ, Bảo đề nghị mọi người nên lấy nữ trang của bà P.T.T (sinh năm 1927, bà cố ngoại của Bảo) để làm lộ phí đi đường, vì “lấy tài sản của người thân sẽ không bị gì hết”. Thấy có lý, Thông và Dựa đều đồng ý. Dĩ nhiên, cả nhóm hiểu rằng, không dưng bà T. lại đưa vàng cho họ!
Phương án đầu tiên được đưa ra: Chuốc thuốc ngủ để bà T. ngủ say, rồi họ lén vào lấy vàng. Dựa tư vấn: “Hay là mình bỏ thuốc ngủ vào ly nước mía cho bả dễ uống?”. Hai người kia vội can ngăn: “Để vô nước mía thì mất chất thuốc hết. Tốt nhất là để vào nước lọc”.
Sau khi thống nhất, Bảo và Dựa có nhiệm vụ đi mua thuốc, còn Thông ở lại quán nằm ngủ. Tuy nhiên, hai cô gái lại trở về cho hay không tiệm thuốc tây nào chịu bán cho họ. Cuối cùng, Thông tìm mua được tại một xe đẩy hàng lưu động và đưa cho Bảo giữ.
Sáng 2/6, Bảo xuống sông tắm, vô tình làm ướt số thuốc trong túi quần. Vậy là phương án 1 đã thất bại. Họ lại hẹn nhau đến quán cũ. Phương án tiếp theo được bàn tính là dùng cây đập vào đầu bà T. Thông sẽ là người thực hiện. Thế nhưng, vừa nghe qua, Thông đã từ chối: “Thôi, tui không dám làm đâu, sợ lắm!”.
Phương án cuối cùng do Bảo đề xuất: “Vậy mình bóp cổ bả đi?”. Cả nhóm đồng ý, hẹn nhau chiều tối sẽ thực hiện, để dễ bề hành động.
Y hẹn, khoảng 18h, cả ba lén chuẩn bị quần áo đi xa. Địa điểm gặp vẫn là quán nước cũ. Thông và Bảo sẽ ra tay với bà T., còn Dựa có nhiệm vụ “ở lại quán canh giữ đồ đạc”. Ngoài ra, họ không muốn đi đông, sợ gây sự chú ý. Đến nơi, Bảo gọi cửa, bà T. mở cửa sau để Bảo bước vào, rồi tiếp tục trở ra nhà trước xem tivi. Bảo lén cho Thông vào.
Thông đứng núp trong góc tường, gần tủ quần áo, chờ đợi. Thời điểm ấy, có người phụ nữ nào đó đứng trò chuyện cùng bà T. Khi câu chuyện kết thúc, bà T. kêu Bảo lấy dao gọt xoài cho bà ăn. Người bà đáng thương nào ngờ rằng, trong mắt đứa cháu cố không còn suy nghĩ điều gì khác ngoài ý định giết bà! Thông nhào đến bóp cổ đến khi bà T. không còn cử động, sau đó lấy bông tai, nhẫn và dây chuyền trên người bà T.
Khi trở lại quán nước, cả ba đến mấy tiệm vàng ở xã lân cận, nhưng không ai đồng ý mua. Thất vọng, cả bọn kéo nhau về. Cùng lúc ấy, bà T. tỉnh dậy, kêu cứu và kể lại sự việc. Bảo bị người nhà đưa đến Công an xã Phú An đầu thú. Tội ác của Bảo, Thông và Dựa bị phát hiện trong sự hoang mang, bàng hoàng của mọi người.
Thấy tình hình không êm, Thông bỏ trốn ngay sau đó. Đến TP Hồ Chí Minh, cậu ta bán số vàng được 4.850.000 đồng. Chỉ trong 3 ngày lang bạt, Thông xài hết 1,8 triệu đồng. Chẳng tìm được việc làm, chỗ trọ hay viễn cảnh tươi đẹp nào, cậu trở về quê nhà đầu thú, giao nộp cơ quan Điều tra số tiền còn lại.
Thông và Dựa bị khởi tố, tạm giam điều tra về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Theo kết luận giám định pháp y độ tuổi của Phân viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), vào thời điểm giám định (tháng 9-2013), Bảo từ 13 năm 10 tháng đến 14 năm 4 tháng tuổi; Dựa từ 15 năm 10 tháng đến 16 năm 4 tháng tuổi; Thông từ 17 năm 4 tháng đến 17 năm 10 tháng tuổi. Do đó, Thông và Dựa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, còn Bảo chỉ bị áp dụng biện pháp hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.
Với tư cách người đại diện hợp pháp cho bị cáo, ông T. (cha Thông) cho biết: “Vợ chồng tui đi làm thuê, không biết gửi con cho ai nên dắt chúng theo, thành thử 3 đứa con đều dốt hết. Ban ngày, tui uống rượu lai rai, rồi ngủ, tới tối thức dậy đi làm, ít chăm sóc con, nhưng đâu ngờ Thông dám làm chuyện ác đức như vậy”.
Bà D. (mẹ Dựa) lại than thở: “Đẻ Dựa xong, tôi và cha nó chia tay. Tôi có chồng khác, có thêm đứa con. Nhà nghèo, khi Dựa học tới lớp 6, tôi cho nó nghỉ đi bẻ ớt, mót lúa tiếp tôi. Bữa trước, nó xin tôi về nhà ngoại vài tháng chơi. Ai dè, nó tụ tập với bạn bè gây án như vầy!”.
Hội đồng xét xử nhận định rằng, chính sự lơ là, thiếu trách nhiệm của bậc phụ huynh, nên các bị cáo mới nhận thức lệch lạc về cuộc sống, về pháp luật. Họ chưa dạy dỗ con mình nên người, để những đứa trẻ ấy phải tự học, tự trả giá đắt khi sai lầm…