Muôn chiêu lừa đảo của người nước ngoài

Thời gian gần đây, có khá nhiều vụ lừa đảo mà đối tượng gây án là người nước ngoài nhằm mục đích trục lợi bất chính.

Chúng thường dùng các chiêu như đổi tiền rồi tráo lấy số tiền mệnh giá cao hơn, bán hàng kém chất lượng và mua hàng với số lượng lớn rồi dùng thẻ thanh toán quốc tế giả…

Muôn kiểu… lừa

Nhập cảnh vào Việt Nam bằng đường hàng không với hình thức đi du lịch, các đối tượng lừa đảo người nước ngoài tự khoác cho mình chiếc áo thương gia giàu có. Sau đó, dùng các chiêu khác nhau, đánh vào lòng tin của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo

Khi đến Việt Nam, với mục đích đã có sẵn từ trước, chúng chọn các  khu Trung tâm mua sắm lớn, tiệm vàng bạc đá quý… làm điểm “tiếp đất”. Hoạt động của chúng thường rất tinh vi, xảo quyệt nên phần lớn khi thực hiện chúng đều đạt được mục đích một cách nhanh chóng. Bắt đầu từ việc tự phong cho mình là những thương gia giàu có, từ đó tìm mọi cách “phù phép” để lừa đảo mà người dân ít khi nhận ra hoặc có nhận ra thì khi đó đã quá muộn.

Hẳn nhiều người dân TP Hà Nội vẫn còn nhớ câu chuyện ba người nước ngoài vào Việt Nam rồi bằng nhiều hình thức đã lừa đảo chiếm đoạt với số tiền lên đến 4 tỷ đồng. Để thực hiện mục đích lừa đảo của mình, Zhong Tielin (39 tuổi) và Yang Faqing (40 tuổi), cả hai cùng ở huyện Nhâm Điền, thành phố Thụy Kim, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc và một đối tượng là A Linh (chưa xác định được tên tuổi địa chỉ) đã bàn bạc thống nhất kế hoạch lừa đảo rồi nhập cảnh vào Việt Nam. Sang Việt Nam, chúng phân công mỗi người một vệc, đầu tiên A Linh đã tìm gặp anh Đỗ Thái Hán, Trưởng Văn phòng luật sư Doha tại Hà Nội, rồi giới thiệu mình đang là công nhân thi công xây dựng tại Việt Nam, trong lúc làm việc đã đào được một số cổ vật nhờ anh Hán tư vấn.

Zhong Tielin và Yang Faqing mang theo một pho tượng phật cùng 10 thỏi kim loại màu vàng để anh Hán kiểm tra chất lượng vàng. Trong quá trình trò chuyện trao đổi thông tín chúng đã đánh tráo vàng thật vào đó với mục đích khi anh Hán đi thử thì đúng là vàng thật. Mục đích của chúng đã đạt được và con số 4 tỷ đồng mà chúng cùng nhau lừa đảo chiếm đoạt được càng chứng tỏ các chiêu lừa của chúng đạt đến độ “tuyệt xảo”.

Cũng với các chiêu lừa đảo, nhiều đối tượng nước ngoài đóng làm khách du lịch “xộp”, ghé vào các cửa hàng tạp hóa tương đối lớn để mua hàng, thậm chí nhiều khi không mua mà chỉ là đổi tiền. Chính đằng sau việc đổi tiền tưởng chừng “bình thường” đó chúng đã tạo ra những cái “bất bình thường” rồi khoắng sạch đồ và chuồn thẳng. Tại Hội An, Quảng Nam, thời gian tháng 12 lượng khách du lịch nhiều nên lợi dụng đặc điểm đó chúng đã trà trộn và thực hiện thành công nhiều vụ lừa đảo theo kiểu trên. Chị N.T. X ở Hà Lam-Thăng Bình, Quảng Nam nhớ lại: Chiều ngày 14/12, có hai người đàn ông da đen đi xe ô tô đến mua trà, đưa cho chị tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng rồi yêu cầu trả tiền thừa với mệnh giá lớn để lụa chọn seri. Chị không rõ bằng thủ thuật gì mà khi chúng đã đi xa chị mới tá hỏa khi phát hiện mình đã bị mất gần 4 triệu đồng. Hay trường hợp xảy ra tại phòng giao dịch Bưu điện huyện Thăng Bình, Quảng Nam trước đó ít ngày cũng vậy. Một cặp nam nữ da đen đi xe ô tô đến mua card điện toại di động mệnh giá 50.000 đồng, cũng mua đi đổi lại cuối cùng chúng “cuỗm” đi hơn 6 triệu đồng.

Gần đây nhất vào ngày 4/8, TP Đà Nẵng cũng đã “đón” 3 vị “khách xộp”, quốc tịch Malaysia mang mác thương gia dùng thẻ tín dụng giả mua hàng với số lượng lớn. Nhận thấy thời gian này các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam “làm ăn” có phần hơi “thất sủng” vì vậy 3 đối tượng này phải “diễn” đến cùng. Chúng thuê khách sạn hạng sang rồi đến Trung tâm thương mại Indochina Reverside, nằm trên đường Bạch Đằng để lừa đảo.

Ling Seng Koey và Chong Kon Hoi- bị bắt sau khi thực hiện hành vi dùng thẻ tín dụng giả để mua hàng.

Tang vật mà ba vị “thương gia” giàu có người nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả để mua hàng.

Ba đối tượng là Chong Kon Hoi (SN 1965), Ling Seng Koey (SN 1989) và Wong Kar Wei (SN 1982) khi vào Trung tâm mua sắm, để “lòe” các nhân viên bán hàng nơi đây, ba vị du khách này tỏ ra là những vị khách ngoại ngoại giàu có. Sau khi dạo quanh một vòng, bước đi “hoành tráng”, ba người tiến tới quầy bán hàng của chị Lê Quang Quỳnh Tiên (SN 1969, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) để mua 1 valy màu đen, 3 túi xách đen, 6 bộ phụ kiện dành cho valy, với tổng số tiền hơn 9,7 triệu đồng. Thay vì giao dịch bằng tiền mặt, ba đối tượng liền đưa thẻ thanh toán và giao dịch thành công. Tiếp đến, chúng liền tới quầy của chị Hà Thị Thanh Thúy với số tiền trên 25 triệu đồng và cũng thanh toán thành công bằng thẻ.

Thấy “ngon ăn”, cả ba vị khách “giàu có” muốn “đánh quả” thêm một vài lần nữa rồi chuồn. Chúng liền đến quầy hàng “Thế giới kim cương” để xem hàng và mua các món đồ gồm: 4 dây chuyền (3 vàng, 1 trắng), 4 chiếc nhẫn vàng dính kim cương; 1 mặt dây chuyền vàng dính kim cương với tổng số tiền trên 54 triệu đồng và thanh toán bằng thẻ tín dụng có tên Nam Wong. Tuy nhiên, khi nhân viên bán hàng trả thẻ để thanh toán thì phát hiện thẻ có những dấu hiệu bất thường. Ngay lập tức, nhân viên điện báo về Trung tâm thế giới Kim cương và Ngân hàng để kiểm tra thì phát hiện dù thẻ giao dịch thành công nhưng tiền vẫn không chuyển khoản qua được.

Thấy nghi ngờ, các nhân viên ở đây hô hoán là thẻ giả, thấy bị lộ, ba đối tượng bỏ chạy. Hoi và Koey  bị bảo vệ phối hợp với lực lượng Công an bắt quả tang và đưa về trụ sở làm rõ hành vi. Riêng Wong Kar Wei chạy trước ra ngoài sảnh Trung tâm bắt xe taxi bỏ trốn, nhưng đã bị bắt ngay sau đó khi y đang trên đường lẫn trốn…

Thu giữ nhiều thẻ tín dụng giả trong người các đối tượng.

Cần cảnh giác với những vị khách ngoại “giàu có”

Nhận thấy rằng các vụ lừa đảo của các đối tượng là người nước ngoài đang dần tinh vi và táo tợn. Chúng sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, đánh vào lòng mến khách vốn có của mỗi người dân Việt Nam để thực hiện mục đích lừa đảo của mình. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết mọi người cần cẩn trọng hơn trong các giao dịch, buôn bán thậm chí mua hàng, hay đổi tiền.

Cũng thấy rằng, hiện nay các đối tượng lừa đảo là người nước ngoài còn “lấn sân” về các vùng quê hẻo lánh để thực hiện lừa đảo bằng cách mua bán các mặt hàng kém chất lượng nhưng với giá “cắt cổ”. Đa số chúng dùng chiêu thức “buôn nước bọt”, nói ngon ngọt để dụ người dân, làm cho người dân mê muội mà sập bẫy. Có khi những chiêu lừa đảo của bọn chúng thật đơn giản, khiến mọi người không đề phòng như ghé quán nước ven đường để mua hàng rồi nhân đó đánh tráo lấy tiền hoặc lấy hàng. Chúng thực hiện những hành vi này rất thuần thục, diễn ra nhanh chóng , khi thực hiện xong chúng cao chạy xa bay, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Có thể nói, thời gian qua trên các kênh thông tin đại chúng thường xuyên phản ánh các hình thức lừa đảo của các đối tượng là người nước ngoài, tuy nhiên những con số đó không hề dừng lại. Để tránh được những hậu quả đáng tiếc, qua đây mong mọi người, đặc biệt là người bán hàng cần cẩn trọng với những vị khách nước ngoài khi đến trao đổi mua bán. Đối với các Khu mua sắm lớn tại các TP, nhân viên bán hàng phải hết sức cảnh giác trước khi tham gia giao dịch đặc biệt đối với những hàng hóa có giá trị lớn.  Đồng thời, khi thấy những biểu hiện bất thường của các đối tượng hay có dấu hiệu khả nghi về tài sản, cần báo ngay đến cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn kẻ xấu thực hiện hành vi phạm tội.

Đại tá, Nguyễn Đình Chính- Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng tặng thưởng hai tài xế Taxi Mai Linh xuất sắc bắt đối tượng lừa đảo trên đường chạy trốn.

Nói như Đại tá Nguyễn Đình Chính-Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng trong ngày họp công bố kết quả điều tra ban đầu về vụ ba người nước ngoài dùng thẻ tín dụng giả lừa đảo tại tại Trung tâm thương mại Indochina Reverside: Vụ án nhanh chóng được phá là nhờ vào phát hiện nhanh và sự phối hợp của nhiều cá nhân, tập thể. Đối tượng là người nước ngoài lại sử dụng công nghệ cao nên để hạn chế những trường hợp lừa đảo, người dân phải thật cảnh giác với các chiêu thức mà chúng thường sử dụng và đặc biệt cảnh giác với những vị khách du lịch “giàu có”…