Bởi ở nước ta, vốn dĩ quanh năm, muỗi aedes aegypti đã liên tục gây nên xấp xỉ 80 - 100 nghìn ca bệnh và 90 – 100 ca tử vong vì SXH mỗi năm. Vậy muỗi hổ Châu Á có phải là loại muỗi mới và mức độ nguy hiểm thực sự của chúng ra sao? Báo Lao Động đã phỏng vấn PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ.
Vì sao lại gọi là muỗi hổ Châu Á? Bệnh sốt xuất huyết do muỗi hổ Châu Á này có nguy hiểm hơn so với SXH thông thường?
Năm 1894, một nhà côn trùng học Australia đã lần đầu tiên mô tả loại muỗi này và gọi là “muỗi hổ Châu Á” (ASIAN tiger mosquito). Tên gọi như vậy là do muỗi này có đặc điểm chân có khoang trắng đen và mình nhỏ, có màu trắng hoặc đen có nguồn gốc từ Đông Nam Châu Á. Dân gian gọi là muỗi vằn. Trên thế giới có nhiều bằng chứng khoa học và thực tiễn các vụ SXH bùng phát dịch cho thấy, 2 loài muỗi Aedes aegypti và muỗi aedes albopictus đều có khả năng cảm nhiễm và truyền bệnh SXH như nhau. Nhiều vụ dịch sốt xuất huyết ở Châu Á và trên thế giới, muỗi ades albopictus trong truyền bệnh sốt xuất huyết do virus Chikungunia. Tuy nhiên, riêng ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, truyền bệnh SXH Dengue vẫn chủ yếu là aedes aegypti. Chưa có bằng chứng sự lưu hành của virus Chikungunia gây SXH và cũng chưa có bằng chứng về SXH do muỗi hổ Châu Á (ades albopictus) gây ra.
Muỗi hổ Châu Á có ở Đà Nẵng. Vậy trên thực tế, loài muỗi này còn xuất hiện ở đâu nữa?
Trước năm 2000, muỗi aedes aegypti chiếm ưu thế và chủ yếu gây bệnh SXH Dengue ở Việt Nam. Gần đây, các kết quả giám sát nghiên cứu về côn trùng của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho thấy, ở các tỉnh/TP phía bắc, muỗi hổ đang dần thay thế muỗi aedes aegypti. Mật độ xuất hiện của loại muỗi hổ giảm dần từ Bắc vào Nam. Ở phía bắc muỗi ades albopictus chiếm ưu thế, thì ở phía nam muỗi ades aegypti lại chiếm ưu thế chủ yếu.
Vậy mức độ của SXH do muỗi nào gây ra sẽ nặng hơn?
Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã và đang nghiên cứu và giám sát sự lưu hành, vai trò truyền bệnh SXH và mức kháng hóa chất diệt muỗi của muỗi trong các vụ dịch. Các kết quả cho thấy muỗi aedes aegypti vẫn truyền bệnh SXH Dengue chủ yếu ở Việt Nam như đã nói. Đặc biệt là muỗi vằn ở miền Bắc nhiều hơn. Ở Ấn Độ, từng có những vụ dịch SXH do muỗi vằn gây ra, ghi nhận hàng trăm bệnh nhân nhưng không có ca nào tử vong. Người ta cho rằng, bệnh cảnh do muỗi vằn gây ra thường nhẹ hơn so với ades aegypti gây ra. Do đặc điểm phân bố của 2 loại muỗi vằn này ở VN, nên chúng tôi cũng đưa ra giả thiết: Có phải vì thế mà dịch SXH ở miền Bắc nhiều năm nay thường nhẹ hơn miền Nam.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại các ổ dịch SXH ở VN đều có mặt aedes aegypti, chỉ rất ít ổ dịch có 2 loài, trong đó muỗi vằn chỉ chiếm tỉ lệ rất thấp. Nhiều địa phương có lưu hành muỗi vằn với mật độ cao, nhưng nhiều năm liền không có thông báo về bệnh SXH. Kết quả phân lập cũng cho thấy, cũng chỉ có muỗi aedes aegypti dương tính với virus dengue.
Vậy theo ông, người dân không nên lo ngại về loại muỗi này?
Đúng như thế. Do không thấy bệnh nhân SXH do muỗi hổ ở VN và nếu có thì cũng sẽ gây bệnh cảnh rất nhẹ. Tuy nhiên, hiện đang là cao điểm của dịch SXH nên người dân cần chủ động áp dụng và duy trì thường xuyên hoạt động diệt bọ gậy, phá hủy nơi sinh sản của muỗi, thu gom và xử lý phế thải, vệ sinh môi trường; sử dụng tác nhân sinh học (thả cá, Mesocyclops), hợp tác với ngành y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc SXH để có biện pháp phòng, chống thích hợp và kịp thời.
Xin cảm ơn ông!